VNHN - Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đang đạt kết quả vượt bậc. Tuy nhiên, theo đề nghị cần phải có những giải pháp “kích cầu” mới bằng các mức hỗ trợ cho người lao động tham gia để tiến tới bao phủ BHXH toàn dân.
Ảnh minh họa - TL
Chính sách ưu việt, nhân văn
BHXH tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhằm khuyến khích sự tham gia và hưởng lợi của người lao động khu vực phi chính thức. Đây là một chính sách ưu việt và nhân văn.
Mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, mức đóng năm 2019 bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27.800.000 đồng). Như vậy, hiện mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.
Theo quy định, trong vòng 20 năm, khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì được nhận lương hưu, nếu người lao động đóng 22% trên mức thấp nhất là chuẩn hộ nghèo hằng tháng thì khi về hưu sẽ được nhận lương hưu mỗi tháng khoảng 400.000 đồng. Tiền lương hưu này cũng được điều chỉnh tăng theo quy định về chính sách tiền lương của Nhà nước.
Thống kê của BHXH Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện là 437 nghìn người. Kết quả này được đánh giá là tăng vượt bậc, bởi số người tăng mới gần bằng cả 10 năm thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện này vẫn còn rất nhỏ nếu so với khoảng 18 triệu lao động trong khu vực phi chính thức hiện nay.
Tại Khoản 2, Điều 4, Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện 2019 được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Theo đó, khi tham gia, người dân có thể bảo đảm cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc. Song trên thực tế, hiện chính sách này vẫn còn nhiều điểm chưa thật sự hấp dẫn, khiến người lao động tự do chưa thật sự mặn mà. Trong đó, so với chế độ BHXH bắt buộc có tới 5 chế độ, người tham gia BHXH tự nguyện 2019 được hưởng ít quyền lợi hơn, như chỉ có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động.
Đề xuất nâng mức hỗ trợ
Tại Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải giải thích để người lao động biết cái lợi của việc tiếp tục tham gia BHXH, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già.
Ngoài ra, theo ông Lợi, Chính phủ nên có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của Quốc hội về BHXH một lần. Hiện nay từ năm 2014 đến năm 2018, mỗi năm bình quân tham gia hệ thống BHXH của chúng ta là 1 triệu người nhưng số người hưởng BHXH một lần trong 5 năm là 2,7 triệu người thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân mà Nghị quyết 28 đã đặt ra.
Theo đó, ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị tổng kết lại vấn đề này, để hạn chế hưởng chính sách BHXH một lần. Bởi vì trong 2,7 triệu người thì 93% là mới đóng BHXH được 10 năm, rút ra khỏi BHXH, trong 93% đó thì 50% mới đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm.
Đồng thời, cần tiếp tục nâng mức hỗ trợ 30-25-10% để người dân tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu làm sao đạt nhanh tốc độ tăng BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Trung ương. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, phải nâng mức hỗ trợ lên để “kích cầu” tham gia.
Lấy ví dụ về hỗ trợ người tham gia, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, hiện Trung Quốc đang hỗ trợ 50 - 50, người dân đóng 100 NDT thì Nhà nước đóng thêm cho 100 NDT. Việt Nam cũng cần thực hiện như vậy và có thể hỗ trợ cao hơn với người nghèo, người cận nghèo. Về dài hạn, đây là việc Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ trước để không phải chi sau khi người dân cao tuổi, bệnh tật.
Bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, cần thiết kế lại chính sách BHXH tự nguyện như: Tích hợp thêm chính sách BHYT để khi người dân tham gia BHXH tự nguyện thì có luôn thẻ BHYT, đồng thời bổ sung thêm chế độ thai sản và ốm đau vào chính sách này để tăng tính hấp dẫn.