09/09/2024 lúc 06:58 (GMT+7)
Breaking News

Khu Kinh tế Vân Phong: Điểm nhấn cho bước phát triển của tỉnh Khánh Hoà

Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, KKT Vân Phong đã có nhiều đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển của tỉnh Khánh Hoà, riêng giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế đạt khoảng 20.950 tỷ đồng chiếm khoảng 30% của tỉnh, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 32,9% toàn tỉnh, giải quyết cho hơn 12.000 lao động có việc làm. Việc xây dựng và phát triển KKT Vân Phong là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hoà.

Khu kinh tế Vân Phong (KKT Vân Phong) tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006 với tổng diện tích khoảng 150.000 ha (trong đó 70.000 ha đất và 80.000 ha mặt nước), thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa. Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 24/7/2006, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý KCN, KKT (thay thế cho các quy định trước đây). Đồng thời, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo quy định của các Luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, quy hoạch, đất đai,… và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành.

Cảng Quốc tế Nam Vân Phong, một trong hai cảng quan trọng của KKT Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển Container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác. Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, hiện nay KKT Vân Phong đã thu hút được 150 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 28 dự án có vốn ĐTNN) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện 2,68 tỷ USD đạt 65% vốn đăng ký; trong đó có 95 dự án đã đi vào hoạt động, 55 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng.

Uớc tính cả năm 2022 KKT Vân Phong (bao gồm KCN Ninh Thủy): doanh thu đạt 480 triệu USD; xuất khẩu đạt 399 triệu USD; nhập khẩu đạt 920 triệu USD; nộp ngân sách đạt 2.601 tỷ đồng (trong đó nộp ngân sách từ hoạt động trung chuyển xăng dầu khoảng 1.341 tỷ đồng). Giải quyết việc làm cho 12.010 lao động (11.641 lao động Việt Nam và 369 lao động nước ngoài).

Với vị trí lợi thế, KKT Vân Phong được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và chọn là nơi để đầu tư.

Sau hơn 02 năm chịu nhiều ảnh hưởng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, được sự hỗ trợ của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và chính quyền địa phương, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục triển khai dự án, duy trì lực lượng lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư vào KKT tập trung chủ yếu về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiền thuê đất (dự án được nhà nước cho thuê đất). Việc đa dạng hóa các hình thức ưu đãi thuế và mức ưu đãi thuế tại KKT, KCN cao hơn các khu vực khác đã giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế, góp phần tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, qua đó, tạo ra các động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong.

Là khu kinh tế trọng điểm, nên cơ chế chính sách thu hút, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có năng lực đầu tư vào các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong, nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm tương ứng với ngành nghề cụ thể, có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam; chính sách về quản lý môi trường tại Khu kinh tế (Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trong KKT và KCN theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường); cơ chế về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược).

Một góc KKT Vân Phong nhìn từ trên cao.

Hiện nay có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại KKT Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghĩ dưỡng cao cấp… Do đó, Ban quản lý đang tập trung triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của KKT. Theo đó, khu vực Bắc Vân Phong tập trung kêu gọi các dự án về lĩnh vực dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp; đô thị cao cấp, cảng biển, sân bay...; khu vực Nam Vân Phong tập trung kêu gọi cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và logistic; tổ hợp công nghiệp, năng lượng... 

Hy vọng trong tương lai không xa, KKT Vân Phong sẽ trở thành điểm nhấn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Khánh Hòa.

Võ Hà - Đình Tiến