12/01/2025 lúc 05:45 (GMT+7)
Breaking News

Khu BTTN Nam Nung: Chú trọng phát triển rừng, phổ biến luật lâm nghiệp đến người dân

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đăk Nông, có diện tích tự nhiên là 23.296,47 ha, thuộc 10 xã trên 3 huyện là Krông Nô, huyện Đắk Glong và Đắk Song.

Đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô và lưu giữ nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Ngoài ra, đây còn là ngôi nhà của hàng trăm loài động vật, thực vật vậy nên công tác bảo vệ và phát triển rừng nơi đây được quan tâm, chú trọng.

Thường xuyên tuần tra, kiểm tra trong rừng nhằm phát hiện, ngăn chặn sớm các hành vi xâm hại đến rừng.

Địa hình nơi đây chủ yếu gồm nhiều dãy núi thấp và núi trung bình, điển hình là dãy Nam Nung có đỉnh Nam JerBri cao 1.578 m. Nơi đây có diện tích không lớn so với các Khu bảo tồn khác trong khu vực Tây nguyên, nhưng có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, chứa đựng sự phong phú và đa dạng về hệ sinh thái, thành phần loài động, thực vật, chim, ...và về các nguồn gen.

So với một số Vườn quốc gia và Khu BTTN khác trong cả nước, tài nguyên động vật rừng Khu BTTN Nam Nung có tính đa dạng cao. Điều đáng lưu ý là động vật Khu BTTN Nam Nung mang tính chất đặc trưng cho hệ động vật vùng Nam Trung Bộ Việt Nam bởi sự có mặt của một số loài: Cheo cheo nam dương, vượn má hung, chà vá chân đen, nai cà toong…Đặc biệt là có sự có mặt của một số loài đặc hữu của Việt Nam, một số loài có phạm vi phân bố hẹp, hiện được thế giới đặc biệt quan tâm như bò tót, vượn đen má vàng,…

Trong thời gian qua, Ban lãnh đạo Khu BTTN Nam Nung đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và yêu cầu các Trạm Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, tổ chức các cuộc tuần tra, truy quét dài ngày trên diện tích được giao quản lý. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp với các chủ rừng lân cận và bộ đội đóng trên địa bàn để tổ chức tuần tra truy quét tháo dỡ, xử lý hành vi săn bắn, bẫy bắt động vật rừng; kịp thời ngăn chặn được một số hành vi vi phạm luật lâm nghiệp như khai thác lâm sản, dây mây, nhựa trám, na rừng,.... Vì vậy, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được hạn chế, không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng.

Chú trọng công tác phát triển rừng

Ngay sau khi nhận bàn giao diện tích rừng từ các công ty Lâm nghiệp, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên toàn bộ diện tích nhằm xác định diện tích đất đang bị người dân lấn, chiếm để xây dựng Kế hoạch trồng lại rừng. Vì vậy, từ năm 2016 đến 2018, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, gặp gỡ trực tiếp các hộ dân có đất lấn, chiếm đang sản xuất nông nghiệp trái pháp luật để vận động và tuyên truyền người dân trả lại đất và tham gia trồng rừng thay thế.Với sự quyết tâm phát triển rừng trên diện tích đất bị lấn, chiếm, đất không có rừng cùng sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Khu BTTN Nam Nung đã trồng rừng với diện tích trên 97 ha.

Rừng Sao đen được trồng từ năm 2018.

Hiện nay, các diện tích trồng rừng đã hết thời gian kiến thiết cơ bản, hầu hết diện tích rừng đều sinh trưởng, phát triển tốt và đáp ứng tiêu chí thành rừng theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số ít diện tích chưa đủ điều kiện thành rừng do những năm gần đây điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, côn trùng phá hoại cũng đã ảnh hưởng nhất định đến sinh trưởng và phát triển của rừng trồng.

Phổ biến pháp luật đến người dân là biện pháp hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác QLBVR

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT và sự quan tâm của UBND tỉnh Đăk Nông cùng với nỗ lực của tập thể công chức, viên chức và người lao động công tác bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả nhất định, diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn đã được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt.

Hội nghị tuyên truyền tại Xã Nâm Nung, huyện Krông Nô

Để đạt được những kết quả đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào diện tích rừng do đơn vị quản lý. Trong đó, đơn vị luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến Luật Lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Do vậy, đơn vị thường xuyên triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan và sinh động để người dân dễ dàng tiếp cận như: Tổ chức hội nghị tuyên truyền và phổ biến Luật Lâm nghiệp, các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động lâm nghiệp tại các thôn, bon trọng điểm; Treo Pa nô, áp phích, phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết đối với người dân sống ven và gần rừng; xây dựng và đóng bảng tuyên truyền, bảng cấp dự báo cháy rừng, bảng cấm lửa, bảng phân định ranh giới lâm phần; tuyên truyền trên loa phóng thanh, xây dựng phóng sự tuyên truyền các quy định về luật lâm nghiệp, quy định về quản lý bảo vệ rừng bằng tiếng dân tộc thiểu số; trao tặng mũ bảo hiểm, áo mưa, ba lô, sách, vở, thùng đựng rác có in nội dung tuyên truyền về vai trò của rừng đối với môi trường sống của con người tại các trường tiểu học của các xã Nâm Nung, Nâm N’Đir và Đức Xuyên.../...

Hội nghị tuyên truyền tại Xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô.

Thế Hùng