Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Cùng với Pù Hu, rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.
Cách vườn quốc gia Cúc Phương 25 km, được nối liền với phần đuôi của vườn quốc gia Cúc Phương bằng hai dãy núi đá vôi màu xám chạy song song. Ở giữa là những thung lũng lúa. Phía Bắc và Đông Bắc của khu bảo tồn Pù Luông giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Kéo dài từ phía Tây xuống phía Nam của khu bảo tồn là dòng sông Mã, từ điểm giáp giới của huyện Quan Hóa với huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) qua khu vực thị trấn Quan Hóa xuống gần thị trấn Cành Nàng (Bá Thước).
Vẻ đẹp mê hồn ở Pù Luông cần được gìn giữ và bảo vệ
Pù Luông nằm trên địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá. Bao gồm các phần đất thuộc 5 xã huyện Quan Hoá: Phú Lệ, Phú Xuân, Thanh Xuân, Hồi Xuân, Phú Nghiêm và 5 xã huyện Bá Thước: Thành Sơn, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao và xã Ban Công. Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát)... có tổng số 84 loài thú (gồm cả 24 loài dơi), 162 loài chim, 55 loài cá, 28 loài bò sát và 13 loài ếch nhái. Khu hệ côn trùng tại Pù Luông có ít nhất là 158 loài bướm, 96 loài thân mềm trên cạn, trong đó có 12 loài thân mềm có thể là đặc hữu cho khu vực. Khu bảo tồn này là nơi cư trú của báo gấm, beo lửa, Hiêu sao, gấu ngựa, sơn dương, voọc quần đùi trắng. Hệ thống đá Karst của hệ sinh thái núi đá vôi còn lưu giữ nhiều hang động đẹp (hang Dơi Kho Mường).
Từ lâu, Pù Luông đã là một điểm tham quan, khám phá nổi tiếng trên làng đồ du lịch bụi, phượt tự túc, nghỉ dưỡng núi giá rẻ, nhưng hầu hết du khách đến đây đều ấn tượng mạnh với cảnh sắc, vẻ đẹp hoang sơ của Pù Luông, nhất là những ruộng lúa bậc thang và rừng rậm nguyên sinh. Đặc biệt, Pù Luông còn gần với các điểm du lịch nổi tiếng như Làng Lác (Mai Châu), suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Di sản văn hóa Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).vv do vậy đã tạo thành một vòng du lịch khép kín vui vẻ và trải nghiệm cho khách du lịch. Với nhiều nét đẹp, cảnh quan hoang sơ, ẩn hiện trong sương tựa như vườn treo trên cao ở những vị trí khác nhau như: điểm Son Bá Mười (xã Lũng Cao), đỉnh Pù Luông, Kho Mường, Làng Đôn với khu nghỉ dưỡng Pu Luong Retreat, làng Ươi, làng Tiến Mới, khu thác Hiêu xã Cổ Lũn.. đã và đang thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và quốc tế yêu thích trekking (hình thức du lịch khám phá bằng cách đi bộ), phượt đến thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Từ lâu Pù Luông đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách từ khắp mọi miền trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng
Thời điểm thăm quan Pù Luông đẹp nhất là bắt đầu vụ lúa mới từ cuối tháng 5 đầu tháng 6, những cánh đồng và khu ruộng bậc thang sẽ khoác một lớp áo xanh mướt, vô cùng đẹp mắt và bình yên. Đặc biệt, tuy là mùa hè, nhưng vì thuộc vùng núi đá vôi đất thấp, có nhiều rừng rậm nhiệt đới và ít dân cư sinh nên không khí và thời tiết ở đây khá mát mẻ, dễ chịu hoặc du khách có thể đến Pù Luông vào tháng 9 và tháng 10, hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng. Thời điểm này cũng chính là lúc vùng đất “thiên đường giữa đại ngàn” này hút khách du lịch Pù Luông ngắm lúa chín nhất.
Hiện nay, xung quanh KBT có trên 18.000 người sinh sống ở vùng đệm, vùng lõi. Đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn, thu nhập còn phụ thuộc vào nguồn lợi khai thác từ rừng. Điều này đã gây áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2020 KBTTN Pù Luông đã xây dựng phương án bảo vệ rừng (BVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, phân công cán bộ kiểm lâm trực tiếp quản lý các tiểu khu rừng đặc dụng phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bá Thước, chính quyền địa phương, lực lượng dân quân, tự vệ và các tổ BVR các thôn, bản kiểm tra an ninh rừng theo định kỳ. Bên cạnh đó, đã phối hợp với các địa phương tổ chức 50 buổi tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng về BVR, PCCCR, với 3.539 lượt người tham gia; lập danh sách và đưa vào theo dõi quản lý 105 đối tượng tình nghi về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn; tổ chức giao khoán BVR cho 39 cộng đồng vùng đệm, thành lập 39 tổ đội BVR, với 136 thành viên. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, các xã vùng đệm tiến hành rà soát 451,1 ha rừng thuộc diện tích 39 hộ gia đình thuộc xã Lũng Cao đang canh tác lâm nghiệp trên đất rừng đặc dụng do KBTTN Pù Luông quản lý; tổ chức rà soát, xác định tọa độ vị trí 124 điểm cắm bổ sung mốc cấp I trên ranh giới KBT thuộc địa bàn hành chính các xã Lũng Cao và Thành Sơn.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Pù Luông
Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý BVR, BTTN, năm 2020, KBTTN Pù Luông đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý BVR và theo dõi biến động về tài nguyên rừng. Cụ thể đã xây dựng được 110 tuyến tuần tra chính trên toàn diện tích rừng đặc dụng, kết hợp cập nhật thông tin về các loài cây gỗ lớn, cây gỗ quý, hiếm, tạo cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ trong công tác quản lý BVR trên địa bàn; ứng dụng công nghệ theo dõi ảnh vệ tinh trên phần mềm bản đồ QGIS trong cập nhật biến động tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng và xử lý vi phạm luôn được đặt lên hàng đầu, KBT đã chỉ đạo kiểm lâm viên phối hợp với các tổ BVR cộng đồng thôn, bản vùng đệm tổ chức 1.772 lượt tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, kết hợp cập nhật thông tin tiểu khu trên toàn bộ diện tích 40 tiểu khu, tập trung ưu tiên các khu vực trọng điểm khai thác, các khu vực giàu tài nguyên rừng; thực hiện tốt việc quản lý, giám sát gỗ làm nhà ở trong dân, quản lý có hiệu quả số lượng cưa xăng tại cộng đồng, kiểm soát không để người phá rừng làm nương rẫy trái phép... Năm 2020, qua công tác tuần tra, kiểm tra rừng, KBTTN Pù Luông đã phát hiện, xử lý 9 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước 74 triệu đồng. Ngoài ra, KBT còn phát hiện 1 vụ khai thác khoáng sản vàng và phá rừng trái pháp luật tại lô 44 - khoảnh 1, tiểu khu 250 rừng đặc dụng thuộc thôn Kịt, xã Lũng Cao. Vụ việc đang được Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông phối hợp cùng lực lượng công an, viện kiểm sát điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông còn phối hợp chặt chẽ với các Hạt Kiểm lâm Bá Thước, Quan Hóa; Mai Châu, Tân Lạc và Ngọc Sơn - Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra an ninh rừng vùng giáp ranh được 23 lần, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm về khai thác gỗ trái pháp luật.
Để gìn giữ những vẻ đẹp mê hồn tại Pù Luông, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng đóng vai trò hết sức quan trọng và cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ngành, các cấp liên quan, cũng như sự đồng thuận và ủng hộ từ phía người dân./.