06/10/2024 lúc 23:36 (GMT+7)
Breaking News

Không thể phủ nhận vai trò của quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng bảo vệ Tổ quốc

Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, phát triển đất nước là một chức năng cơ bản, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Gần 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với hoàn thành tốt chức năng của “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, trong bất cứ điều kiện nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội ta cũng vừa chiến đấu, vừa tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế-quốc phòng (KTQP); góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp kinh tế quốc phòng 100% vốn nhà nước; một doanh nghiệp quân đội kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông và CNTT

1. Quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về Quân đội tham gia sản xuất xây dựng KTQP, bảo vệ Tổ quốc

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế; trọng tâm là Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25 tháng 9 năm 2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020” và hiện nay là Nghị quyết số 820-NQ/QUTW, ngày 17/12/2021 về Lãnh đạo nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của quân đội đến năm 2030. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Quán triệt quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước, các đơn vị Hậu cần quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các căn cứ hậu cần tại chỗ, cùng với các đơn vị xây dựng khu KTQP thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, vùng, miền gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; tham gia có hiệu quả xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng, đẩy lùi các hủ tục; xây dựng làng, bản văn hóa; cùng đồng bào các dân tộc xây dựng vành đai biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Những việc làm đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiện nay, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách đảm bảo cho quốc phòng có mức độ, việc Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế đã tạo ra nguồn lực to lớn, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và cải thiện đời sống người lao động, củng cố niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ năm 2000 đến nay, các đoàn kinh tế quốc phòng đã đỡ đầu, đón nhận hơn 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với hơn 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đi vào hoạt động có nền nếp, v.v. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt gần 350 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 43 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp Quân đội còn có sứ mệnh rất vẻ vang của sự nghiệp cách mạng đó là góp phần làm cho kinh tế nhà nước - hòn đá tảng thử vàng của chủ nghĩa xã hội luôn giữ vị thế đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Mặt khác, các doanh nghiệp quân đội (như Viettel, Tân Cảng Sài Gòn…) còn là các doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng ta về mở rộng hội nhập quan hệ kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng vào nền hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Có thể nói, những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ quân đội, nhất là các đoàn KTQP, kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giữa quân sự, quốc phòng với phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua là rất lớn và không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lao đống sản xuất xây dựng KTQP, Quân đội vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế chưa đầy đủ; trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo có mặt còn hạn chế; cơ chế quản lý, mục tiêu xây dựng các khu KTQP chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, tiến độ xây dựng chậm so với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt; việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội và hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy quản lý doanh nghiệp chưa thường xuyên và chặt chẽ; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp quốc phòng đạt thấp, v.v...

2. Khôngg thể phủ nhận vai trò của Quân đội tham gia sản xuất xây dựng KTQP, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Cùng với việc chống phá Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm cách đòi “phi chính trị hóa” Quân đội Nhân dân. Chúng lợi dụng môi trường mạng xã hội, Intenet, truyên truyền, cổ súy xuyên tạc, phủ nhận vai trò, chức năng của Quân đội tham gia lao động sản xuất xây dựng các khu (đoàn), doanh nghiệp KTQP trong thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận những thành tựu mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta đã dành được trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Những kẻ cơ hội chính trị, phản động đưa ra những quan điểm, luận điệu sai trái lợi dụng những thiếu sót trong quản lý đất đai của quốc phòng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội ta bằng mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Cùng với việc đòi “phi chính trị hóa” Quân đội, chúng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm cho Quân đội xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; chúng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, nói xấu Quân đội làm kinh tế, làm lung lạc niềm tin của nhân dân đối với “Bộ đội Cụ Hồ”. Đặc biệt, gần đây, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc trên môi trường mạng xã hội, chúng bóp méo sự thật về Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, quản lý, sử dụng đất quốc phòng, với mục đích làm “nóng” dư luận xã hội, hiểu sai lệch hoặc không đầy đủ về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội đang xây dựng các khu KTQP trên các địa bàn, hướng chiến lược biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Các quan điểm phản động, sai trái thường lợi dụng sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về việc sử dụng thuật ngữ “Quân đội làm kinh tế” để nói xấu Quân đội. Chúng ta không nên nói “Quân đội làm kinh tế” bởi đây là lý do để các thế lực thù địch chống phá vì khi nói “Quân đội làm kinh tế” nghĩa là chạy theo lợi nhuận đơn thuần, không gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Do vậy, phải được hiểu chức năng đội quân lao động sản xuất dưới góc độ “quân đội tham gia sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng thế trận quốc phòng”.

3. Nhiệm vụ, giải pháp tăng cường đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân

Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nhằm “phi chính trị hóa quân đội”, nhất là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta, xóa bỏ vai trò quân đội tham gia lao động sản xuất xây dựng KTQP trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Quân đội tham gia sản xuất xây dựng KTQP. Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, không chỉ là công việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Khẳng định vững chắc quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: Đảng lãnh đạo Quân đội trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội tinh, gọn mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.   

Hai là, coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và mỗi tầng lớp nhân dân. Cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, cần kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo kịch bản chặt chẽ, tổ chức chiến dịch truyền thông thống nhất, đa dạng, rộng rãi cả trong và ngoài Quân đội, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về truyền thông, báo chí, nhất là quản lý thông tin trên internet và mạng xã hội. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp lý về quản lý các hoạt động trên không gian mạng, tạo căn cứ để cảnh báo, răn đe và xử lý các trường hợp vi phạm.

Ba là, tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Theo đó, xây dựng mới các trang mạng, báo chí có nội dung đấu tranh của ta bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, “chắc tay”, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, của Quân đội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, KTQP, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên internet. Cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đặt lợi ích quốc gia, của đơn vị lên trên hết, trước hết. Muốn đấu tranh, trước hết phải tránh xa cám dỗ, thói hư, tật xấu, xây dựng đạo đức thực thi công vụ trong sáng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; kiên trì, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tổng kết lý luận để định hình, thiết lập hệ thống luận cứ, luận điểm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; chú ý nhận diện những vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung chống phá để xây dựng luận cứ khoa học thuyết phục, phục vụ và trực tiếp đấu tranh phản bác. Tập trung bảo vệ và làm lan tỏa những nội dung mới, tầm nhìn, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết lần thứ XI của Đảng bộ Quân đội, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận; trong đó, chú trọng bổ sung, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề lý luận mới về: Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Năm là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là trên các tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo của Tổ quốc. Trước hết, phải nghiên cứu, khảo sát, xác định rõ các nguồn lực để xây dựng quy hoạch, kế hoạch kết hợp cho phù hợp trong từng lĩnh vực và từng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Xác định rõ cơ chế, trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được thực hiện ngay trong chiến lược, quy hoạch vùng, lãnh thổ và kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương. Việc quy hoạch phát triển KTQP phải gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để mang lại hiệu quả thiết thực. Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất việc kết hợp KTQP để “kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”, góp phần tăng cường tiềm lực của thế trận quốc phòng toàn dân trên tuyến biên giới, ven biển và trên các đảo. Quá trình quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở phải mang tính lưỡng dụng cao, các cơ sở này vừa phục vụ nhân dân, vừa sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ hậu cần quân sự, quốc phòng trên tuyến khu vực phòng thủ then chốt

Cùng với đó, toàn quân cần nêu cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội và uy tín, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. Đồng thời, phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 80 năm qua, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

Đại tá, PGS. TS. KHQS TRẦN NAM CHUÂN

Nguyên Cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng

...