Cuộc làm việc được kết nối trực tuyến tới 14 điểm cầu trên công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và Liên bang Nga thuộc Petrovietnam.
Cùng tham dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Petrovietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đại biểu các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị trực thuộc Petrovietnam phát biểu làm rõ những kết quả, khó khăn, vướng mắc, bất cập của Tập đoàn; đánh giá, dự báo tình hình năng lượng thế giới và trong nước; vai trò, vị trí của Pertrovietnam đối với sự phát triển của đất nước; giải đáp các kiến nghị của Tập đoàn; gợi mở nhiệm vụ, giải pháp phát triển Tập đoàn trong thời gian tới...
Báo cáo của Tập đoàn và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá trong thời gian qua, Tập đoàn đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội,... với phương châm hành động: "Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững" để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong toàn Tập đoàn. Công tác điều hành quản trị biến động được Tập đoàn đặc biệt quan tâm.
Nhờ đó, Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền quốc gia và đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước.
Trong năm 2021, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 627,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng, vượt 27,8% kế hoạch; nộp ngân sách 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 51,7 nghìn tỷ đồng, vượt 3 lần kế hoạch.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, khai thác dầu, khí vượt kế hoạch (khai thác dầu 7,31 triệu tấn, vượt 23%; sản xuất đạm đạt 1,217 triệu tấn, vượt 10%; sản xuất xăng dầu đạt đạt 4,56 triệu tấn, vượt 8%). Tổng doanh thu đạt 627.000 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch cả năm, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt đạt 90.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8 tháng đầu năm 2022 đạt 57.500 tỷ đồng, vượt 2,3 lần kế hoạch năm, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Đây là kết quả rất ấn tượng của Petrovietnam trong 8 tháng qua, vượt kế hoạch đề ra và yêu cầu đặt ra tại cuộc họp đầu năm là "phấn đấu vượt 10% tất cả các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022".
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí đã trải qua những thăng trầm và đột phá nhưng nhìn chung, thành tựu và kết quả nhiều hơn là hạn chế, bất cập. Trong hơn 2 năm (2020, 2021) và 8 tháng đầu năm 2022, với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, Tập đoàn đã phấn đấu vươn lên để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Thủ tướng nêu rõ một số kinh nghiệm rút ra từ hoạt động của Tập đoàn. Thứ nhất, càng trong khó khăn, thách thức, nhiệm vụ càng nặng nề càng phải đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì sự nghiệp chung, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết vấn đề khoa học, hợp lý hiệu quả.
Thứ ba, cán bộ tiếp tục là nhân tố quyết định, vì vậy, xây dựng, chăm lo và phát triển đội ngũ cán bộ các cấp là nhiệm vụ hàng đầu.
Thứ tư, khen thưởng, động viên, xử lý kịp thời, đúng người, đúng việc những cá nhân, tập thể có thành tích và sai phạm.
Thứ năm, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực (gồm con người, cơ chế, chính sách, các tài sản được giao…) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực (như nguồn vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.
Thứ sáu, chủ động phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân.
Thủ tướng nhận định dự báo sắp tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhất là với ngành dầu khí trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới có nhiều biến động.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Phát triển nhanh nhưng bền vững, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến, sản xuất các mặt hàng xăng dầu, hóa chất, xơ sợi…
Tán thành với các mục tiêu và nhiệm vụ mà Tập đoàn đã xác định, Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, tình hình diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, xu hướng chuyển dịch năng lượng, cơ chế và chính sách còn hạn hẹp, thị trường bị ảnh hưởng, Tập đoàn cần đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp từng giai đoạn, từng năm, từng quý để sử dụng hiệu quả nguồn lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm về các mục tiêu và nhiệm vụ chung. Trong đó, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là Tập đoàn không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển". Hiện Tập đoàn đang đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển".
Mục tiêu và nhiệm vụ chung thứ hai, xây dựng Tập đoàn Dầu khí là tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả, đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải coi trọng và đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Yếu tố con người, đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định, nên đây là nhiệm vụ cụ thể quan trọng nhất.
Cùng với đó, phải quyết tâm, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng nhiều năm, vì càng để kéo dài càng lãng phí và càng khó khăn. Vừa qua, một số vấn đề liên quan Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1… đã được giải quyết có hiệu quả, hiện các cơ quan, đơn vị liên quan đang tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan một số dự án khác.
Nhiệm vụ cụ thể tiếp theo là góp phần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp sứ mệnh, nhiệm vụ bảo đảm năng lượng quốc gia của Tập đoàn, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước và tình hình cụ thể, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trong đó có việc sửa đổi Luật Dầu khí, sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2015 về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035…
Thủ tướng cho rằng một doanh nghiệp mạnh, quan trọng của quốc gia không thể không đẩy mạnh đầu tư phát triển, nhưng phải bảo đảm đúng hướng, hiệu quả, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh phù hợp diễn biến tình hình và nhiệm vụ. Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, chia cắt, gây lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trên biển. Chủ động hơn trong sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tập đoàn. Bảo đảm bí mật, an ninh kinh tế theo quy định của pháp luật.
Trong tình hình biến động, nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, năng lực lực có hạn, trình độ chưa cao, yêu cầu cao, tiến độ kịp thời, phải lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả, tạo cảm hứng, động lực và điều kiện để tiếp tục làm việc khác.
Thủ tướng nhấn mạnh Tập đoàn đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, nhất là trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, xử lý phù hợp với các vấn đề trong cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Một nhiệm vụ khác là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kiên trì, kiên định những vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo, nghệ thuật trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với Tập đoàn trong xử lý công việc. Khi nhận kiến nghị, đề xuất thì giải quyết ngay, giải quyết hiệu quả, giải quyết tối đa trong nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn được giao, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về phần mình, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn sát cánh, lắng nghe, ủng hộ để Tập đoàn phát triển.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Tập đoàn, trong đó nhiều kiến nghị đang được xử lý, Thủ tướng đã giao các Phó Thủ tướng, các bộ ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu là đẩy nhanh tiến độ, làm dứt điểm, hiệu quả, thực chất sau cuộc họp.
Thủ tướng tiếp tục giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để giải quyết các kiến nghị còn lại của Tập đoàn, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo điều kiện tốt nhất cho Tập đoàn phát triển./.