VNHN - Cơ chế thi hành án hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án là cơ chế tự thi hành. Do đó, đối với những trường hợp bản án, quyết định bị chậm hoặc không được tổ chức thi hành vẫn chưa có những cơ chế cụ thể, đủ mạnh để thực hiện những biện pháp cưỡng chế thi hành án hành chính đối với người phải thi hành án.
Ảnh minh họa
Từ đầu năm đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 1.368 bản án, quyết định hành chính. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện theo dõi 579 việc (kỳ trước chuyển sang là 324 việc, trong kỳ báo cáo là 255 việc). Các cơ quan thi hành án dân sự đã ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 358 việc; đăng tải công khai 114 quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 119 vụ việc; có văn bản kiến nghị xử lý đối với 32 trường hợp do vi phạm nghĩa vụ thi hành án.
Cơ chế “tự thi hành” là một trong những đặc thù của thi hành án hành chính. Trong khi đó, chủ thể phải thi hành trong các vụ án hành chính lại là các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Với đặc thù này, việc thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt khi người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND. Bởi theo quy định tại Điều 173, 174, 175 Luật Thi hành án dân sự thì UBND cùng cấp có quyền “chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn” và “có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự”.
Thực tiễn thi hành pháp luật dân sự, hành chính cho thấy, tình trạng không chấp hành nghiêm bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính nói chung và phần tài sản trong bản án, quyết định của một số cơ quan nhà nước vẫn còn khá phổ biến, nhất là các khoản trả lại tài sản, giao lại đất đai cho người khởi kiện, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mặc dù, Điều 314 Luật Tố tụng hành chính quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định, quyết định buộc thi hành án của tòa án; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có ai bị xử lý hành chính lẫn hình sự.
Từ thực tế này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần quy định các biện pháp cưỡng chế; đồng thời công khai trên các phương tiện thông tin đối với cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức không chấp hành án hoặc chấp hành không đúng bản án, quyết định của tòa án.