11/01/2025 lúc 22:40 (GMT+7)
Breaking News

Khơi thông 'điểm nghẽn' ứng dụng AI cho doanh nghiệp

'AI là cơ hội cũng mang đến thách thức cho doanh nghiệp trong thời đại Internet vạn vật (IoT), tuy nhiên, phân tích dữ liệu AI, dữ liệu lớn chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng…'

Hội thảo “Chuyển đổi số: Thông điểm nghẽn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành Nhà máy/Doanh nghiệp ngày 30/8 tại Đồng Nai, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Doanh nghiệp và Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai, Công ty Western Digital Việt Nam tổ chức.

Tại sự kiện, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM, cho rằng việc doanh nghiệp chưa chú trọng và khai thác phân tích dữ liệu AI, dữ liệu lớn được xem là "điểm nghẽn" cần phải được khơi thông.

Theo ông Liêm, kinh tế khó khăn, suy thoái toàn cầu đang ngày càng hiện hữu. Điều đó cũng tạo ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng và đẩy nhanh chuyển đổi số, tái cấu trúc doanh nghiệp, tối ưu quy trình quản trị, nhằm tối ưu hóa vận hành để có những bước chuyển mình tốt hơn trong tương lai.

“Việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào vận hành doanh nghiệp, nhà máy vừa giúp bắt kịp xu thế tất yếu của tương lai vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Việc hiểu đúng về AI sẽ giúp tạo ra những lợi thế cùng phương thức phát triển, khai thác tối đa công nghệ này”, Giám đốc VCCI-HCM cho hay.

Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết thời gian qua, việc đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo.

Khoảng 3-4 năm trở lại đây, các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi số. Cụ thể, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa máy móc tự động vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm; Các hoạt động quảng bá sản phẩm, bán hàng trên sàn thương mại điện tử,...

Ngoài ra, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đang diễn ra trên toàn thế giới, tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới. Cùng với sự trợ giúp của kết nối IoT, truy cập dữ liệu thời gian thực, tự động hóa, các hệ thống vận hành nhà máy thông minh… cho phép cộng tác và truy cập tốt hơn giữa các bộ phận, đối tác, nhà cung cấp, công nghệ và con người.

“Công nghiệp 4.0 cho phép các nhà máy thông minh, sản phẩm thông minh và chuỗi cung ứng thông minh, làm cho các hệ thống sản xuất và dịch vụ trở nên linh hoạt và đáp ứng nhu cầu khách hàng hơn. Trong tương lai, công nghiệp 4.0 dự kiến sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho một sự đổi mình liên tục, cập nhật các xu hướng hiện đại sắp tới”, ông Phương chia sẻ.

Tại hội thảo, những “điểm nghẽn” khi tiếp cận với ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp và lộ trình hình thành “nhà máy thông minh – smart factory” được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn thế giới và thực tế tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, mô hình chuyển đổi số và tiếp cận các giải pháp tích hợp AI nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp như: BI (Business Intelligence), ERP, MES (Manufacturing Execution System – Hệ thống điều hành sản xuất), IIOT (Industrial Internet of Things - Hệ thống mạng thiết bị trong công nghiệp, PLC, SCADA (Điều khiển/thu thập dữ liệu từ nhà máy)…

Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các dự án công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để bảo tồn môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế địa phương.