28/03/2024 lúc 16:34 (GMT+7)
Breaking News

Khoa học công nghệ - những thách thức trong thế giới phẳng

VNHN - Khoa học và công nghệ (KH&CN) là một bộ phận cấu thành của hệ thống kinh tế - xã hội, đồng thời vận động và phát triển trong sự tác động mạnh mẽ của những xu thế lớn trên thế giới và khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh của hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới - nền kinh tế tri thức.

VNHN - Khoa học và công nghệ (KH&CN) là một bộ phận cấu thành của hệ thống kinh tế - xã hội, đồng thời vận động và phát triển trong sự tác động mạnh mẽ của những xu thế lớn trên thế giới và khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh của hội nhập và toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới - nền kinh tế tri thức.

Toàn cầu hoá và hội nhập là quá trình vận động mang tính hệ thống và khách quan trên phạm vi toàn cầu, bao trùm tất cả các mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, điều này đánh dấu một bước phát triển cao hơn trong quá trình hội nhập - đây là kết quả tất yếu khi mà quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt, tác động tới toàn bộ sự phát triển của mỗi quốc gia. Trục cốt lõi của xu thế toàn cầu hóa đa diện này là toàn cầu hóa về kinh tế. Toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, thương mại, đầu tư, tài chính... Nền sản xuất thế giới ngày càng mang tính toàn cầu với sự phân công lao động quốc tế hiện đại, tính tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng lên, tính độc lập kinh tế của mỗi quốc gia sẽ trở nên tương đối. Không một nước nào, dù đó là siêu cường kinh tế, có thể phát triển một cách biệt lập. Tự do hoá thương mại, đầu tư và tài chính là một xu thế khách quan, chứa đựng những yếu tố thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển, đồng thời luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn: Khủng hoảng tài chính, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng môi trường, khủng hoảng văn hóa... Trong điều kiện của bất kỳ loại khủng hoảng nào, thì kẻ thua thiệt nhất vẫn luôn là các nước có cấu trúc kinh tế kém bền vững và kém nhạy cảm với những thay đổi đột biến.

Thế giới hội nhập đang và sẽ chứng kiến những tiến bộ thực sự có ý nghĩa về công nghệ thông tin và phát triển cơ cấu thông tin quốc gia; về công nghệ vật liệu mới (trong đó có công nghệ nano); về công nghệ sinh học (với nền tảng là công nghệ gen). Và kết quả là loài người đang tiến tới ngưỡng cửa của xã hội thông tin - tri thức.

Xã hội thông tin toàn cầu và sự phát triển của nền kinh tế tri thức mở ra cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam những cơ hội tiếp cận và tiếp nhận những thành quả của tiến bộ KH &CN để xây dựng những ngành nghề mới có hàm lượng kỹ thuật và tri thức cao, đồng thời cũng đặt ra những thách thức về vốn, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao để xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin. Nhiều thay đổi đang diễn ra, từ khái niệm đến phương châm hoạt động, từ phương thức tư duy, ra quyết định đến phương thức học tập. Trong khi đó, thời gian vật chất của con người lại giới hạn. Mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển, phải học tập thường xuyên và phải thích nghi cao độ với những biến động thường xuyên. Vì vậy, xã hội thông tin mới phải hướng tới học tập thường xuyên, trong đó nền giáo dục phải là một hệ thống mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại.

Xu thế hướng tới xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức sẽ làm đổi thay sâu sắc diện mạo xã hội: Làm thay đổi phương thức làm việc, học tập và giải trí của con người; thay đổi mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước; thay đổi các phương thức thương mại quốc tế cũng như các phương tiện sản xuất trong nền kinh tế; và về lâu dài sẽ làm thay đổi các đặc tính văn hoá - giáo dục đã hình thành qua nhiều thế kỷ.

Đặc điểm nổi bật của xã hội thông tin - tri thức trong điều kiện hội nhập là sự phát triển không dựa chủ yếu vào các nguồn dự trữ tự nhiên như trong xã hội công nghiệp, mà chủ yếu dựa vào 2 nhân tố quan trọng nhất: Một là, các nguồn lực tri thức KH &CN - nhân tố động lực cho phát triển, nhân tố này có khả năng tái tạo, tự sản sinh và không bao giờ cạn kiệt (nếu biết phát huy). Hai là, sức sống của các nền văn hóa trong cộng đồng dân tộc - nhân tố nền cho sự phát triển của cả dân tộc.

Với lập luận trên, chắc hẳn nhiều người có phần yên tâm với sự hội nhập của Việt Nam trong tương lai. Đúng, niềm tin ấy là có cơ sở. Chỉ có điều, 2 nhân tố trên mới chỉ là điều kiện cần. Song, muốn hội nhập một cách hiệu quả phải có thêm điều kiện đủ. Vì, điều kiện đủ là một môi trường lành mạnh, minh bạch và tạo điều kiện cho mọi hình thức lao động sáng tạo có chỗ cạnh tranh và phát triển (sau đây gọi tắt là “môi trường phát triển lành mạnh”). Thiếu điều kiện đủ này, thì mọi nỗ lực phát triển KH &CN sẽ đưa chúng ta mãi mãi dừng ở tiềm năng, mà ở dạng tiềm năng lâu dài, sẽ rơi vào tình trạng hình thức và chung quy là: Không hiệu quả.

Môi trường phát triển là tổng hòa các yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội và kinh tế, tạo nên cơ chế vận hành toàn bộ sự phát triển xã hội nói chung trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Các yếu tố đó là: Niềm tin của dân tộc; Phong cách sống và tư duy; Trình độ dân trí; Kết cấu hạ tầng xã hội; Mặt bằng giá trị kinh tế. Mỗi một yếu tố đều là một lĩnh vực rộng lớn.

Trong bối cảnh hội nhập, chúng ta có nhiều khả năng hơn để tiếp cận nhanh, đầy đủ và khách quan những thành tựu KH &CN hiện đại của thế giới, tiếp nhận sự chuyển giao những công nghệ thích hợp mà trong nước chưa đủ năng lực tự làm lấy, nhằm nâng cao trình độ công nghệ quốc gia, mở mang những ngành nghề mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cho phép tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng con đường được rút ngắn. Tiếp đến là khả năng hợp tác quốc tế để nâng cao tiềm lực KH &CN nhất là trong điều kiện trình độ KH &CN trong nước còn chưa cao, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu sẽ cho phép chúng ta gửi người đi đào tạo và nghiên cứu ở những nước tiên tiến, nhằm nâng cao trình độ nhân lực KH &CN, bổ sung các nguồn lực (tri thức, tài chính, thông tin...) để nhanh chóng xây dựng tiềm lực KH &CN quốc gia. Từ đó sẽ làm gia tăng khả năng rút ngắn khoảng cách, để phát triển nhanh và bền vững. Trong điều kiện của nền kinh tế toàn cầu và hội nhập quốc tế (tức là chấp nhận điều kiện cạnh tranh gay gắt về kinh tế, về KH &CN và những đòi hỏi về sự tương hợp với thông lệ quốc tế), với trình độ dân trí và truyền thống hiếu học của dân tộc, Việt Nam có khả năng rút ngắn khoảng cách trong phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đi cùng với những cơ hội trên là những thách thức không nhỏ cùng song hành như: Trình độ quản lý kinh tế vĩ mô còn bất cập. Những gì đã làm được trong thời kỳ đổi mới và những năm gần đây là rất đáng khích lệ nhưng mới chỉ là những thay đổi mang tính khai phá, từ đó, môi trường phát triển xã hội chưa thật năng động, vì còn thiếu những tiêu thức chuẩn mực để đánh giá cái lợi trước mắt - cái hại lâu dài; cái lợi cục bộ - cái hại toàn cục... Điều này dẫn đến mặt bằng giá trị kinh tế là chưa thật chuẩn, tâm lý xã hội chưa thích ứng với thời kỳ phát triển mới như hiện nay.

Thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng cao. Bởi xu thế hội nhập và sự hình thành nền kinh tế tri thức đang làm mất đi lợi thế so sánh của các yếu tố như: Lao động giản đơn, nguồn tài nguyên thiên nhiên dạng thô ở những nước đang phát triển. Nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ngày càng đổ về những nước có lợi thế về KH &CN, trí tuệ và tay nghề cao của nguồn nhân lực. Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt rất lớn nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng cao.

Cùng với đó là mạng lưới cơ quan nghiên cứu và triển khai còn nhiều bất hợp lý về chức năng, hoạt động khép kín, rời rạc, thiếu liên kết và chưa được đầu tư đủ mạnh để có thể tạo ra thế mạnh và hiệu quả hợp tác.  Hạ tầng cơ sở KH &CN còn yếu kém. Chất lượng các kết quả nghiên cứu nói chung chưa cao. Nhiều đề tài và kết quả nghiên cứu còn chưa đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực khoa học. Hệ thống dịch vụ KH & CN (bao gồm hệ thống thông tin KH &CN; hệ thống tư vấn, đánh giá, thẩm định, giám định và chuyển giao công nghệ; hệ thống sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng) còn yếu kém cả về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng cung cấp dịch vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.