03/01/2025 lúc 00:55 (GMT+7)
Breaking News

Khánh thành Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài

Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế) là một trong những công trình hạ tầng hàng không dân dụng có kiến trúc độc đáo, tính thẩm mỹ cao nhất tại Việt Nam.

Sáng nay (17/6), ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và một số địa phương lân cận đã cắt băng khánh thành Nhà ga hành khách T2 – Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đầu tư.

Về đích đúng tiến độ

Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đã được khởi công ngày 29/12/2019 với công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm (1 triệu khách quốc tế và 4 triệu khách quốc nội), có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng.

“Với tiềm năng lợi thế vốn có về văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh ở Huế và Bắc miền Trung và sự phát triển không ngừng của ngành hàng không và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài với Nhà ga T2 mới hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội; là điểm đến an toàn, là cửa ngõ, cầu nối giữa các vùng miền trong nước và quốc tế; xứng đáng vị trí, vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực bắc miền Trung”, lãnh đạo ACV cho biết.

Theo lãnh đạo ACV, Thừa Thiên Huế là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanma, Thái Lan, Lào với biển Đông.

 Với vị thế quan trọng của mình, Thừa Thiên Huế đang ngày càng thu hút khách trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh, tham quan du lịch. Trong đó, giao thông hàng không là một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và giao thương quốc tế. Năm 2013, nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Nhà ga T1) đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp công suất phục vụ 1,5 triệu hành khách/năm (800 hành khách/giờ cao điểm).

Tuy nhiên, đến năm 2016, hành khách thông qua Cảng đã vượt công suất phục vụ (gần 1,6 triệu khách). Do đó, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài cần có một nhà ga quốc tế với quy mô đầu tư, chất lượng dịch vụ phù hợp với vai trò và vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại Dự án này, liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) - Công ty cổ phần kết cấu thép ATAD - Công ty cổ phần Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E - Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long là nhà thầu thi công Gói thầu xây dựng nhà ga hành khách T2 với giá trị xây lắp trên 1.545 tỷ đồng, thời gian thực hiện 510 ngày. Trong đó, đứng đầu Liên danh là nhà thầu VINACONEX, đảm nhận hơn 48% khối lượng công việc.

Mặc dù không quá phức tạp về công nghệ nhưng quá trình triển khai thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, một số loại vật tư khan hiếm và tăng giá, mẫu mã vật liệu không còn sản xuất đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư, VINACONEX cùng các nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công chi tiết từng tuần, tháng, quý, dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ bị chậm do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan; áp dụng các công nghệ và giải pháp thi công tiên tiến nhất, huy động hàng trăm chủng loại máy móc, thiết bị hiện đại cùng hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật trình độ cao để đảm bảo yêu cầu thi công “3 ca, 4 kíp” không kể ngày đêm.

“Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, VINACONEX và các nhà thầu vừa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người lao động, vừa duy trì tổ chức thi công liên tục, trong đó nhiều đơn vị thi công, lực lượng chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và công nhân lao động làm việc trên công trường xuyên các đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Tất cả những nỗ lực đó đã góp phần đưa Dự án về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công, thẩm mỹ công trình và an toàn lao động tuyệt đối”, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT VINACONEX cho biết.

Kiến trúc độc đáo

Nhà ga hành khách T2 được thiết kế không gian chức năng với 2 cao trình luân chuyển khách. Khu vực Ga đến nội địa và quốc tế nằm ở tầng 1 và khu vực Ga đi nằm ở tầng 2. Nhà ga được tổ chức thành khu vực làm thủ tục và khu vực phòng chờ, giúp tăng hiệu quả khai thác và sức chứa của nhà ga, tạo luồng giao thông đơn giản, mạch lạc từ sảnh làm thủ tục tới khu vực chờ lên máy bay cũng như ngược lại từ máy bay tới sảnh lấy hành lý. Ngoài yêu cầu về hiệu quả, thiết kế này còn hướng đến tiêu chuẩn trực quan, rõ ràng, dễ chịu và tiện lợi cho hành khách sử dụng.

Nhà ga hành khách T2 kết nối với vị trí sân đỗ máy bay bằng 4 cầu ống lồng trong đó có 03 cầu ống code C và 1 cầu ống lồng đôi, có thể khai thác 1 máy bay code E hoặc cùng lúc 2 máy bay code C. 

Nhà ga hành khách T2 có 44 quầy check-in; 4 kios check-in online; 8 cửa boarding; 04 băng chuyền hành lý đến (3 băng chuyền nội địa, 1 băng chuyền quốc tế); 4 cầu dẫn hành khách (1 cầu đôi, 3 cầu đơn); 10 máy soi chiếu an ninh (6 máy nội địa, 4 máy quốc tế); 10 quầy xuất nhập cảnh (6 quầy nhập cảnh; 4 quầy xuất cảnh). 

Cao trình khách đi ở cao độ +8.80 m so với mặt đất, cho phép giao thông vận hành bên dưới được thông suốt và tạo tầm nhìn thông thoáng. Hành khách đi tiếp cận nhà ga từ cầu cạn trên cao để vào sảnh làm thủ tục bay và sau đó đi qua khu kiểm tra an ninh.

Tiếp đó hành khách sẽ có một không gian rộng rãi với các tiện ích và dịch vụ tại tầng chờ. Tầng 2 mang đến trải nghiệm đặc biệt ấn tượng với nhịp mái nhà dài 54m với cửa mái lớn ở chính giữa dọc theo chiều di chuyển của hành khách vừa mang đến ánh sáng chan hòa vừa như là một đường dẫn hướng cho hành khách dễ dàng nhận biết, khi đó hành khách đang đứng ở vị trí bất kỳ tại sảnh đi đều có thể nhận biết luồng đi một cách rõ ràng vào bên trong.

Tại sảnh đến phía ngoài tầng 1 với hàng hiên dọc đường tầng trên cao rộng 12m và không gian, cảnh quan lấy cảm hứng từ đôi bờ sông Hương chào đón quý khách tới Huế.

Ý tưởng thiết kế của nhà ga dựa trên sự nghiên cứu đầy đủ về bối cảnh địa lý và văn hóa của địa phương, đó là: Quần thể Núi Ngự và những ngọn núi bao quanh thành phố, là thiên nhiên hùng vĩ của sông Hương và là quần thể phức hợp kiến trúc lịch sử và văn hóa của thành phố Huế.

Bên cạnh đó, lấy cảm hứng từ sự đa dạng của văn hóa triều đại Cố đô Huế và các họa tiết tượng trưng cho nền văn hóa ở Huế. Các họa tiết này được phát triển trong các tiểu cảnh khác nhau của Nhà ga và được thể hiện như là một chủ đề để nâng cao giá trị cho công trình.

Kiến trúc ngoại thất công trình được lấy cảm hứng từ kiến trúc Cung điện Huế với đặc trưng là các lớp mái chồng xếp lên nhau và vươn xa, hình tượng các lớp mái đó được cách điệu lên hình thức mái của công trình nhà ga hiện đại nhưng không dập khuôn kiến trúc cổ.

Từ hướng đường tiếp cận, Nhà ga T2 có lớp mái trải dài và hiện diện nổi bật vừa có tính đặt trưng của một kiến trúc nhà ga hành khách vừa ấn tượng như thể Kiến trúc cung điện Huế đang vút cao lên bầu trời. Thiết kế của Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài thể hiện khát vọng vươn lên và hướng tới tương lai.

Các khu chức năng phục vụ như bãi đỗ xe ô tô, xe taxi, xe bus, xe đoàn được bố trí phía trước nhà ga với quy mô phù hợp với công suất thiết kế và dự trù phát triển trong tương lai. Các luồng giao thông vào bãi đỗ được quy hoạch đảm bảo hạn chế chồng lấn với các luồng giao thông phía trước nhà ga.

Khu vực nhà để xe máy cho hành khách được tách biệt với đường giao thông khác để tránh chồng lấn với giao thông các xe cơ giới. Các hạng mục phụ trợ khác: trạm xử lý nước thải, trạm điện, trạm thu phí, bốt gác an ninh, tường rào cách ly được bố trí phù hợp trên tổng mặt bằng.

Đặc biệt, Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Phú Bài là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ như: Hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không (Self Check-in Kiosk); hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý của mình (Self Baggage Drop); Hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI để phát thanh tìm theo tên hành khách; triển khai hệ thống ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, Biometric nhận diện khuôn mặt (facial ID) cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động; hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động (E-gate)... đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách.

“Đây là những yếu tố giúp cho Nhà ga T2 Phú Bài trở thành cảng hàng không đẹp, hiện đại và thông minh bậc nhất Việt Nam hiện nay”, lãnh đạo ACV đánh giá.

Thanh Bút