Vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Lễ khánh thành công trình Nhà hát tỉnh. Đây là một trong những công trình trọng tâm của tỉnh đã hoàn thành, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Với cơ sở vật chất hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp, phục vụ tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh, các sự kiện khu vực, quốc gia và quốc tế, đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình. Nhà hát tỉnh sẽ là nơi làm việc của một số đơn vị sự nghiệp công lập ngành Văn hóa để thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.
Buổi lễ cắt băng khánh thành công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình.
Tọa lạc trên trục đường Lê Đại Hành, thành phố Ninh Bình, Nhà hát tỉnh Ninh Bình được xây dựng trên diện tích 6.453 m2, thiết kế theo phong cách kiến trúc hiện đại, độc đáo, mang tính văn hóa, tạo điểm nhấn đô thị, với tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp tỉnh. Là công trình dân dụng duy nhất của tỉnh có thiết kế tuổi thọ 100 năm, với kỹ thuật phức tạp nằm trong khu vực có mật độ dân cư cao; kết hợp hài hòa giữa công năng biểu diễn nghệ thuật với trụ sở làm việc của một số đơn vị trực thuộc ngành Văn hóa.
Công trình Nhà hát tỉnh Ninh Bình là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị đáp ứng nhu cầu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, nghệ thuật quần chúng, là nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn.
Theo thiết kế, công trình Nhà hát tỉnh bao gồm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật như sân vườn tiểu cảnh, nhà để xe ô tô, kho kỹ thuật, nhà để máy phát điện... Các hạng mục phụ trợ khác bao gồm: thang máy, hệ thống sàn nâng hố nhạc, hệ thống điều hòa không khí, thiết bị cấp nước trong nhà và hệ thống lọc nước múa rối, thiết bị hệ thống PCCC, hệ thống điện nhẹ, hệ thống âm thanh, ánh sáng và doanh cụ khối làm việc, hội trường. Công trình gồm 3 khối: Khối phục vụ biểu diễn, tập trung đông người có khu khán phòng hình e-líp công suất chứa 750 người, diện tích xây dựng khoảng 1.892 m2; khối trụ sở làm việc và triền bậc thang lên mái; diện tích xây dựng khoảng 956 m2 ; khối tầng hầm phục trợ và kỹ thuật, diện tích xây dựng 2.816 m2.
Dự án xây dựng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh là một thiết chế quan trọng trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương; tạo điểm nhấn kiến trúc cho đô thị lõi của thành phố di sản tương lai, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân và khách du lịch. Sau khánh thành, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng hồ sơ, lấy ý kiến nhân dân trình cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên nhà hát là Nhà hát Phạm Thị Trân để thực hiện sự tôn vinh đối với Bà tổ của ngành sân khấu Việt Nam, người đã được Đinh Tiên Hoàng Đế phong chức Ưu bà, chức quan chăm lo ca hát trong triều đình vào thế kỷ thứ 10. Mặt khác nghiên cứu các hình thức tổ chức quản lý nhà hát đảm bảo thực hiện đúng mục đích, công năng; phát huy được các tính năng, đảm bảo nhà hát luôn sáng đèn để phục vụ quần chúng nhân dân và từng bước nâng cao chất lượng thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, trong đó trước hết tập trung phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi Sao Mai điểm hẹn năm 2024 tại Nhà hát.
Buổi lễ khánh thành là sự kiện đánh dấu thời điểm công trình thi công hoàn thành và chính thức được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu giao lưu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách; tổ chức các sự kiện, hội nghị quy mô quốc gia, quốc tế và của tỉnh. Đồng thời, đây là một trong những hoạt động của đoàn công tác Đảng và Nhà nước về thăm và làm việc tại Ninh Bình nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014 – 2024).