18/11/2024 lúc 09:37 (GMT+7)
Breaking News

Khánh Hòa: Phát triển nền nông nghiệp thông minh đặc hữu

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vật liệu mới phát triển nuôi trồng hải sản trên biển, chuyển đổi mô hình nông nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2025 là một trong những định hướng trọng tâm của tỉnh Khánh Hoà.

Khánh Hòa với nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa, có chiều dài đường bờ biển 385 km với hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió, có các cảng nước sâu; ven bờ biển có nhiều cửa sông, eo vịnh, đầm, vùng bãi triều. Khánh Hòa còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như: Trường Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II… ngư dân có truyền thống lao động cần cù, có nhiều kinh nghiệm, nhanh nhạy trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong thực tiễn sản xuất, vì vậy rất thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh triển khai nhiều giải pháp...

Sau gần 02 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khó khăn, giá một số loại nông sản chủ lực của tỉnh như xoài, bưởi giảm rất nhiều so với trước đây, trong khi giá vật tư phân bón tăng cao nên người dân không có lợi nhuận, ít tái đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng những chính sách ban hành kịp thời đã đưa nền nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa có một bước tiến mới. Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các chính sách về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Quyết định số 2880/QÐ-UBND) ; Kế hoạch chuyển đổi cây trồng tỉnh Khánh hòa giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 2257/KH-UBND); Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Nghị quyết số 03/2022/NQ-HÐND).

Một góc vùng nuôi tôm hùm tại Đầm Môn (Vạn Ninh) - Nguồn: danviet.

Cùng với đó tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi những diện tích kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu liên kết chuỗi giá trị phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã dần hình thành các vùng chuyên canh như sầu riêng Khánh Sơn, xoài Cam Lâm, bưởi da xanh Khánh Vĩnh...

Để tận dụng các lợi thế về phát triển nuôi biển, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để phát triển nuôi biển của địa phương. Phát triển nuôi vùng biển hở công nghệ cao, giảm dần diện tích nuôi lồng bè ven bờ, xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu HDPE; Thực hiện khảo sát vùng biển hở của tỉnh để xác định các vị trí tiềm năng phát triển nuôi biển; từ đó nghiên cứu, thực hiện một số mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm ở các vùng biển hở làm cơ sở để nhân rộng nghề nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư để chế tạo các thiết bị, phương tiện nuôi biển công nghiệp (lồng nuôi HDPE, phao, lưới bằng vật liệu mới, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh,...); Tổ chức sản xuất nuôi biển xa bờ kết hợp với quốc phòng - an ninh, đảm bảo phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trong đó đề xuất một số chính sách phát triển nuôi biển công nghiệp: Chính sách về giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển.

Sầu riêng Khánh Sơn được cấp mã vùng trồng xuất khẩu ra nước ngoài.

Triển khai tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ; khai thác thủy sản nội địa, gắn phát triển sinh kế, chuyển đổi nghề của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí. Phát triển đội tàu khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; Thực hiện các giải pháp về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá, giảm thiếu tổn thất sau thu hoạch; đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá. Từng bước, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, dự báo thiên tai trên biển nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các sự cố, rủi ro trên biển.

Phát triển nuôi vùng biển hở công nghệ cao, giảm dần diện tích nuôi lồng bè ven bờ - Nguồn: Autralis.

Trong thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa áp dụng trực tiếp các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của Chính phủ đã ban hành, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay có 18 Hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế theo chuỗi liên kết (trong đó có 11 HTX được chính sách hỗ trợ kinh phí theo Nghị định 98); có 02 HTX chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm rau xanh cho các Siêu thị Big C, Citimart, Coopmart, Lotter, Mega ...với khối lượng hàng trăm tấn/năm; 13 HTX đại diện cho thành viên làm trung gian liên kết với 04 doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lúa giống xác nhận thông qua hợp đồng và 02 HTX sản xuất muối liên kết với các tổ chức, cá nhân để tiêu thụ hàng ngàn tấn muối/năm.

Ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở NN&PTN.

Ông Lê Bá Ninh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp để xúc tiến kêu gọi đầu tư chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản nhằm hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp cũng như người dân trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục vận động các đơn vị bán lẻ, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong việc liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh, qua đó tạo kênh tiêu thụ trong nước ổn định cho các sản phẩm nông sản của tỉnh…”

Cá được đánh bắt trực tiếp và chế biến ngay tại xưởng theo dây chuyền tiên tiến, hiện đại - Nguồn: Autralis.

Có thể nói, mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; việc triển khai mô hình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các địa phương cũng như của người sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình có một số khó khăn, hạn chế như thói quen sản xuất theo truyền thống lâu năm của các hộ nông dân vẫn còn nên việc áp dụng, duy trì quy trình sản xuất theo yêu cầu VietGAP gặp không ít khó khăn; Liên kết trong sản xuất giữa các doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, kinh doanh với các hộ dân chưa thật sự mang tính bền vững; các doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; Các thành viên tham gia mô hình còn hạn chế; Hệ thống nhà sơ chế, kho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa được đầu tư xây dựng nên người nông dân vẫn phải phụ thuộc vào thương lái, bị ép giá, đặc biệt là vào chính vụ điệp khúc “được mùa mất giá" vẫn thường xảy ra; Sản lượng còn hạn chế. Thị trường đầu ra cho các sản phẩm được chứng nhận an toàn chưa ổn định, các sản phẩn nông sản được sản xuất theo chuẩn VietGAP rất khó cạnh tranh về giá cả với các sản phẩm khác bày bán trên thị trường.

Thế Hùng - Võ Lân