25/11/2024 lúc 19:31 (GMT+7)
Breaking News

Khánh Hòa: Gặp mặt doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn phục hồi hoạt động du lịch

Ngày 17/2, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp du lịch đầu năm 2023 với sự tham gia lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành, các địa phương và đại diện hơn 200 doanh nghiệp du lịch hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Du lịch và ban ngành đã gặp gỡ, trao đổi tâm tư, nguyện vọng các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu năm mới; tổng kết, đánh giá những kết quả hoạt động của ngành Du lịch trong năm 2022 và đề ra phương hướng, triển khai các chương trình, hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm trong năm.

Quang cảnh buổi gặp mặt - Ảnh: X.H.

Cũng tại Hội nghị, ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Năm 2022, Khánh Hòa đón 2,57 triệu lượt khách lưu trú, tăng 113,83% so với kế hoạch và gấp 4,28 lần so cùng kỳ; với 6.158 nghìn ngày khách, tăng 179,03% so kế hoạch và gấp 3,64 lần so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt gần 300 nghìn lượt khách, tăng gấp 7,4 lần so kế hoạch và gấp 12 lần so cùng kỳ; với 1,252 triệu ngày khách, tăng 5,6 lần so kế hoạch và gấp 10,11 lần cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt gần 14 nghìn tỉ đồng, vượt 250% so với kế hoạch và gấp 5,8 lần so với năm 2021. Vượt xa tất cả các chỉ tiêu đã đặt ra của ngành du lịch Khánh Hòa trong năm 2022. Có thể nói rằng, du lịch Khánh Hòa đã có sự phục hồi ấn tượng, tạo được đà tăng trưởng mạnh mẽ cho những năm tiếp theo.

Hiện nay toàn tỉnh có 1.169 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 55.530 phòng. Trong đó, tổng số cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao được công nhận là 107 cơ sở với 24.885 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; tổng số cơ sở lưu trú du lịch được công nhận từ 1-2 sao là 28 cơ sở với 832 phòng, còn lại 1.034 cơ sở không thực hiện công nhận hạng sao. Về cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, có 15 cơ sở trong đó có 02 cơ sở ăn uống và 13 cơ sở mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 166 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 34 doanh nghiệp lữ hành nội địa; 132 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (104 doanh nghiệp, 26 chi nhánh và 02 văn phòng đại diện).

Năm 2023, ngành Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 21.000 tỷ đồng.

Đoàn du khách Trung Quốc được chào đón tại sân bay quốc tế Cam Ranh sau 3 năm bị đóng băng do dịch bệnh Covid-19-Ảnh: P.Linh.

Khánh Hòa xác định thị trường khách du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong việc phục hồi của ngành Du lịch, bên cạnh đó, dần mở rộng ra những thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm với lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong nhiều năm trở lại đây, có khoảng cách gần, khả năng phục hồi sớm và nhiều tiềm năng mà du lịch Nha Trang – Khánh Hòa với những sản phẩm, dịch vụ đang sở hữu có thể dễ thu hút khách như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Nga, Kazakhstan... theo từng giai đoạn phù hợp, cụ thể.

Cùng với đó, xuyên suốt trong năm 2023 ngành Du lịch sẽ tăng cường triển khai nhiều hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, kích cầu thu hút khách du lịch liên tục, sâu rộng, đa dạng, cụ thể như: Tham gia xúc tiến quảng bá tại các hội chợ, hội thảo, sự kiện du lịch lớn trong nước và quốc tế như: Hội nghị xúc tiến hợp tác Ấn Độ và các tỉnh Nam Trung Bộ, Hội thảo phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2023 tại Thái Lan, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Hà Nội 2023, Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh – ITE 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2023, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Đà Nẵng 2023, các hội chợ du lịch trực tuyến trong và ngoài nước...

Tổ chức chương trình Roadshow xúc tiến điểm đến, gặp gỡ hợp tác với các doanh nghiệp tại một số thị trường khách du lịch nội địa (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu long, các tỉnh khu vực Tây Nguyên…) và một số thị trường du lịch quốc tế (Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Malaysia, Kazakhstan...); Mời, đón tiếp các đoàn Famtrip doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan...) đến khảo sát, tìm hiểu, hợp tác phát triển du lịch tại Khánh Hòa; Tiếp tục triển khai phát triển liên kết vùng để tạo sự đa dạng sản phẩm dịch vụ; Phối hợp với các hãng hàng không mở rộng đường bay kết nối điểm đến để phát triển hoạt động du lịch; Xây dựng bản đồ số du lịch Khánh Hòa; Tổ chức các hoạt động Lễ đón chuyến bay, tàu biển, chào mừng các đoàn khách du lịch nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm; Tổ chức các hoạt động sự kiện trong khuôn khổ Kỷ niệm 370 năm hình thành và phát triển tỉnh Khánh Hòa và Festival Biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023.

Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa nói chung và ngành du lịch nói riêng sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường đầu tư để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngang tầm quốc tế, trong đó tập trung phát huy thế mạnh du lịch biển đảo bên cạnh các loại hình sản phẩm du lịch bổ trợ khác như: du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: X.H.

Phát biểu tại Hội nghị - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa - Lê Hữu Hoàng đã biểu dương những nỗ lực của Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa và các doanh nghiệp trong việc vượt khó khăn, nỗ lực phục hồi du lịch hậu Covid-19.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đánh giá, năm 2022, du lịch đã phục hồi khá tốt nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ du lịch phục hồi và phát triển bền vững UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần quan tâm đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục xem xét ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động du lịch, lấy lại đà tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

“Theo quy hoạch định hướng đến năm 2030, Khánh Hòa đặt mục tiêu trở thành điểm đến ven biển hàng đầu Đông Nam Á. Theo đó, ngành Du lịch cần tập trung khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch biển cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa phục vụ du khách”, ông Lê Hữu Hoàng nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp cần sáng tạo, nhanh nhạy trong việc xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động thu hút thị trường khách quốc tế trong thời gian nhanh nhất. Ngành Du lịch áp dụng công nghệ thông tin để đổi mới, tăng hiệu quả trong công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu và chương trình kích cầu; có giải pháp nâng cao chất lượng, làm mới sản phẩm du lịch, tung ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Đề nghị Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp và các Sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu thống nhất cơ sở pháp lý, phương pháp, mô hình triển khai loại sản phẩm phố đi bộ, chợ đêm để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện. Sở Du lịch và các đơn vị, địa phương nghiên cứu lồng ghép phát triển du lịch cộng đồng với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, chương trình phát trình phát triển nông thôn mới…

Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp phát triển du lịch Khánh Hòa - Ảnh: X.H.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tặng bằng khen cho 7 tập thể và 2 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tặng Bằng khen một số tập thể và cá nhân đã đóng góp cho Chương trình hành động du lịch Khánh Hòa năm 2022.

Tuấn Khôi - Hương Giang