07/11/2024 lúc 16:46 (GMT+7)
Breaking News

Khai hội Xuân lồng tồng Ba Bể

Sáng 19/2 (tức mùng 10 Âm lịch), tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) tổ chức khai mạc lễ hội lồng tồng Ba Bể năm 2024. Đây là lễ hội lồng tồng (xuống đồng) lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn vào dịp Tết đến, Xuân về, đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

                                                   Lễ hội diễn ra ở bãi bồi ven hồ Ba Bể

Trước khi khai mạc lễ hội, các đại biểu tham dự đã dâng hương cầu quốc thái, dân an tại Đền An Mạ nằm trên một hòn đảo giữa hồ Ba Bể.

Ngay từ sáng sớm, hàng chục nghìn du khách trong và ngoài tỉnh đã đổ về khu vực tổ chức hội Xuân nằm ven hồ, chờ đợi màn khai mạc.

Phần lễ trang nghiêm được tiến hành với màn rước mâm cỗ, dâng cỗ của các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống. Có 15 mâm cỗ của 15 xã, thị trấn trong huyện Ba Bể được rước về từ đền An Mạ.

Mâm cỗ gồm những sản vật của người nông dân chân chất, mộc mạc, một nắng hai sương cần cù ngoài cánh đồng, trên nương rẫy và sông nước nơi đây.

Mâm cỗ lễ thể hiện tâm linh thành kính của người dâng lễ hướng về cội nguồn, cầu trời, khấn phật cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, năng suất bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng, đầy sân; cầu cho quê hương bình an, bản làng thịnh vượng.

                    Rước mâm cỗ dâng lễ của 15 xã, thị trấn trong huyện Ba Bể

Khai mạc lễ hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Bể Nông Ngọc Duyên nhấn mạnh, ngày 27/9/2012, danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 19/12/2014, Hội xuân Ba Bể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mang tên "Lễ hội Lồng tồng Ba Bể".

   Bí thư Huyện ủy Ba Bể Dương Ngọc Thuyết đánh trống khai hội

Đây là cơ hội và cũng là trách nhiệm lớn đối với địa phương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, giá trị của di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và môi trường, thúc đẩy kinh tế-xã hội, đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển du lịch sinh thái bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch hồ Ba Bể, di sản phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đến với bạn bè gần xa.

Tại lễ khai mạc, lần đầu tiên lễ hội diễn ra màn biểu diễn múa bát của 250 diễn viên quần chúng. Đây loại hình dân vũ mô phỏng các động tác ươm tơ, dệt vải của đồng bào dân tộc Tày từ xa xưa. Loại hình dân vũ này của Bắc Kạn cũng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo chương trình, lễ hội lồng tồng Ba Bể sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, như: biểu diễn nghệ thuật; đua thuyền độc mộc; thi giã bánh dày, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, kéo co; trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc; thi đấu bóng chuyền…

Đến với Ba Bể dịp này, cùng với lễ hội lồng tồng, du khách sẽ được trải nghiệm các địa danh trong khu du lịch Ba Bể, như: Du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể, Đồn Đèn-xã Khang Ninh, Làng văn hóa thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc-xã Nam Mẫu.

                                        Đông đảo du khách tới tham dự lễ hội. 

Du khách còn có thể tham quan các danh lam thắng cảnh như: Hồ Ba Bể, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Động Hua Mạ, Hang Thẳm Phầy, Thác Tát Mạ; du lịch văn hóa như: Lễ hội Lồng Tồng, chùa Phố Cũ, Đền An Mạ, Động Thẳm Thinh; du lịch lịch sử nơi đã in dấu chân Bác Hồ từ Pác Bó về Tân Trào - Tuyên Quang như: Di tích Khuổi Mản (xã Hà Hiệu), Cốc Lùng (xã Bành Trạch), Tổng Luyên (thị trấn Chợ Rã), Pù Cút-Nà Hai (xã Quảng Khê), Bản Chán (xã Đồng Phúc)… Đặc biệt là di tích lịch sử Phiêng Chì (xã Thượng Giáo) - nơi thành lập chính quyền cấp châu đầu tiên của cả nước trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước năm 1945.

Trước đó, trong ngày 18/2, lễ hội đã tiến hành các hoạt động thả đèn hoa đăng tại đảo Bà Góa; thi khâu còn; trải nghiệm các gian hàng sản phẩm OCOP.

Lễ hội lồng tồng Ba Bể sẽ diễn ra đến hết ngày 20/2.