Tổng quan quan hệ Việt Nam - EU
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/11/1990, đến nay đã gần 35 năm, quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu luôn không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu mới. Từ một mối quan hệ hợp tác ban đầu trong một số lĩnh vực, hai bên hiện đã tiến tới mối quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA), tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác đa lĩnh vực. Một số thành tựu đáng ghi nhận bao gồm: trong khuôn khổ hợp tác đối tác, Việt Nam và EU đã thiết lập nhiều thỏa thuận quan trọng như Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam – EU (PCA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Khung về Hợp tác Quốc phòng – An ninh (FPA) và cơ chế Đối thoại Nhân quyền hàng năm. Về thương mại và đầu tư, EU là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là một trong ba đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu quan trọng nhất (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ); kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD vào năm 2023, đồng thời EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN. Ngoài ra, EU cũng nằm trong nhóm năm nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Việt Nam, cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), khi tính đến tháng 9/2023, EU có 2.535 dự án đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký vượt mốc 29 tỷ USD.
Chính sự phát triển toàn diện của mối quan hệ hợp tác đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc ứng dụng các giải pháp truyền thông số tiên tiến, góp phần mở rộng giao lưu và kết nối hai bên. Trong bối cảnh số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số đang là xu thế của thế giới, cả hai bên đều nhận thức rõ vai trò chiến lược của truyền thông số như một công cụ kết nối không thể thiếu. Giao lưu văn hóa và kinh tế qua truyền thông số không chỉ góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa người dân hai bên mà còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế và mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Các cơ chế hợp tác hiện có của Việt Nam - EU
Về chính trị, sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Phái đoàn Ủy ban châu Âu, vào năm 1995, Hiệp định Hợp tác Khung EU-Việt Nam (FCA) được kí kết và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/6/1996. Hiệp định FCA thiết lập các điều khoản hợp tác và mở rộng quan hệ của EU với Việt Nam vượt ra khỏi định hướng nhân đạo được xác định trong thời kỳ đầu. Đến năm 2012, mối quan hệ song phương được nâng cấp thông qua Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác Toàn diện (PCA) – bước đi thể hiện cam kết tăng cường và mở rộng hợp tác đôi bên cùng có lợi. Hiệp định PCA chính thức có hiệu lực từ năm 2016, mở ra cơ hội thảo luận cấp cao về các vấn đề chính trị, thương mại, kinh tế và phát triển. Các cuộc đối thoại thường niên về Nhân quyền và Tham vấn Chính trị ở cấp Thứ trưởng đã được thiết lập nhằm thực hiện hiệu quả những khía cạnh quan trọng của hiệp định này.
Trên mặt trận an ninh, hợp tác được mở rộng khi hai bên ký Hiệp định Thiết lập Khuôn khổ cho Việt Nam tham gia các Hoạt động Xử lý Khủng hoảng của EU vào ngày 17/10/2019, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia các hoạt động của Chính sách chung về Quốc phòng và An ninh của khối EU. Song song với đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, gói “Team Europe” đã được ra mắt ngày 8/4/2020 nhằm hỗ trợ các nước đối tác, trong đó có Việt Nam, với cam kết tài chính khoảng 35 tỷ euro và sự phối hợp từ EU, các quốc gia thành viên và các chế định tài chính. Cùng với đó, EU đã hỗ trợ 350 triệu euro cho khu vực ASEAN trong công tác chống đại dịch, trong khi Team Europe còn đóng góp 2,1 tỷ USD cho Cơ chế COVAX, giúp Việt Nam nhận được các lô vắc-xin miễn phí vào đầu năm 2021.
Về lĩnh vực thương mại đầu tư, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) đã được ký kết, trong đó EVFTA đã đi vào thực thi còn EVIPA đang chờ phê chuẩn từ các quốc gia thành viên EU. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được đánh giá là bước đột phá trong hợp tác kinh tế song phương. Theo EVFTA, ngay khi có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế – tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, con số này tăng lên 99,2% số dòng thuế, chiếm 99,7% kim ngạch, và đối với 0,3% kim ngạch còn lại, EU cam kết áp dụng mức thuế suất 0%. Với 17 chương, 2 nghị định thư và các biên bản ghi nhớ kèm theo, EVFTA không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng hóa mà còn mở rộng các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và minh bạch hóa pháp lý – từ đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường EU.
Trong khi Hiệp định EVIPA tập trung bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, qua đó tạo nên môi trường đầu tư an toàn và minh bạch cho cả hai bên. Theo đó, các nhà đầu tư EU tại Việt Nam sẽ được hưởng đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc tương đương với doanh nghiệp trong nước, đảm bảo tự do chuyển vốn và lợi nhuận, cam kết không trưng thu hay quốc hữu hóa tài sản mà không có bồi thường xứng đáng. Bên cạnh đó, EVIPA thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp ưu tiên thông qua đàm phán và hòa giải trước khi áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định, giúp tăng cường sự tin cậy và ổn định cho các hoạt động đầu tư xuyên biên giới giữa Việt Nam và EU.
Đối với ngành năng lượng, Tuyên bố Chính trị về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) ký ngày 14/12/2022 tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-ASEAN tại Brussels, được ký giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế do EU và Vương quốc Anh đồng chủ trì, nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không, tăng tốc đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang năng lượng sạch, đồng thời tuyên bố cũng mở ra một cơ hội hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng với các đối tác quốc tế.
Chiến lược truyền thông số trong quan hệ Việt Nam - EU
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam – EU, do Bộ Công Thương chủ trì từ năm 2018, đã trở thành điểm hẹn quan trọng của các đối tác, doanh nghiệp và tổ chức, tạo ra kênh trao đổi đa chiều giúp nắm bắt xu hướng và thích ứng với biến động thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông chính thức của Việt Nam đã ký kết hợp tác với các đối tác châu Âu nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng thông tin hai chiều. Đồng thời, phía EU, thông qua Phái đoàn Liên minh châu Âu, các đại sứ quán nước thành viên và EuroCham, cũng tích cực tổ chức họp báo, phát hành thông cáo và cập nhật thông tin, góp phần quảng bá môi trường kinh doanh và cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam, nhiều chiến lược truyền thông đã được triển khai nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người cũng như các cơ hội kinh doanh, đầu tư đến công chúng EU. Một trong những nỗ lực quan trọng là việc xây dựng các cổng thông tin điện tử đa ngôn ngữ như cổng thông tin của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Xúc tiến Thương mại, cùng các trang web của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại các nước EU. Các cơ quan này thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, quy định mới và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hội chợ thương mại quốc tế tại châu Âu như SIAL Paris (thực phẩm), Ambiente Frankfurt (hàng tiêu dùng), và Heimtextil (dệt may gia dụng) để giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Bộ Công Thương Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông về các cơ hội thương mại thông qua việc tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU thường niên, với năm 2024 có chủ đề "Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững". Diễn đàn này không chỉ là nơi trao đổi chính sách mà còn là kênh truyền thông hiệu quả về các cơ hội và thách thức trong quan hệ hợp tác. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm tại thị trường EU thông qua các kênh truyền thông số, tham gia các triển lãm trực tuyến và trực tiếp, đồng thời hợp tác với các influencer châu Âu để tiếp cận người tiêu dùng địa phương. Một số ngành như cà phê, thủy sản, dệt may đã xây dựng được thương hiệu mạnh và được người tiêu dùng EU đánh giá cao về chất lượng.
Về phía EU, phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam triển khai nhiều chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị, chính sách và chương trình hợp tác của EU. Các chiến dịch này thường được thực hiện thông qua các kênh truyền thông chính thống, mạng xã hội, các sự kiện công cộng và hợp tác với các cơ quan báo chí Việt Nam. EU đầu tư đáng kể vào các chương trình truyền thông về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, và chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua các tham luận tại Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU 2024, với nội dung về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng dưới góc nhìn của doanh nghiệp châu Âu. EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) cũng tích cực trong việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm và xuất bản các ấn phẩm như Sách Trắng thường niên, cung cấp những phân tích sâu sắc về môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị chính sách. Các ấn phẩm này đã trở thành tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam. Các đại sứ quán của các nước thành viên EU cũng tích cực tổ chức các sự kiện văn hóa như Ngày hội Âu châu (Europe Days), Liên hoan phim châu Âu, các triển lãm nghệ thuật và chương trình giao lưu văn hóa. Những sự kiện này không chỉ giới thiệu văn hóa châu Âu đến công chúng Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ hai bên giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU là dự án truyền thông chung do Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ thuộc Bộ Công Thương tổ chức hàng năm. Diễn đàn năm 2024 diễn ra vào ngày 7/11 tại TP.HCM với chủ đề “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”, thu hút lãnh đạo từ Bộ Công Thương, đại diện Phái đoàn EU, lãnh đạo EuroCham cùng nhiều chuyên gia và doanh nghiệp. Các phiên tham luận tập trung vào cơ hội hợp tác chuyển đổi xanh, chính sách sản xuất bền vững, giảm phát thải, định hướng thu hút đầu tư EU vào kinh tế xanh và nhu cầu thị trường theo xu hướng phát triển bền vững, trong khi phiên tọa đàm thảo luận cách ứng phó với hàng rào phi thuế quan trong thương mại quốc tế.
Ngoài ra, các chương trình tập huấn báo chí do EU tài trợ cho các nhà báo Việt Nam giúp nâng cao năng lực đưa tin về các vấn đề quốc tế. EU cũng hỗ trợ nhiều dự án truyền thông về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức phi chính phủ châu Âu và đối tác Việt Nam. Các sự kiện văn hóa - nghệ thuật như Liên hoan phim châu Âu tại Việt Nam được tổ chức hàng năm, với sự tham gia của nhiều nước thành viên EU. Sự kiện này không chỉ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh châu Âu đến khán giả Việt Nam mà còn tạo cơ hội giao lưu giữa các đạo diễn, nhà làm phim hai bên, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết về văn hóa và xã hội của nhau. Các hoạt động truyền thông hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tạo ra những tác động tích cực đến quan hệ hợp tác. Thông qua các kênh truyền thông, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận thông tin kịp thời về thị trường EU, các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau 3 năm thực thi EVFTA, mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là nước có thị phần lớn nhất trong ASEAN tại thị trường EU. Điều này một phần nhờ vào công tác truyền thông hiệu quả về các cơ hội và lợi ích mà hiệp định mang lại. Các chiến dịch truyền thông về môi trường đầu tư và kinh doanh của EU tại Việt Nam đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp châu Âu quan tâm đến thị trường này. EU đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam, và con số này dự kiến sẽ gia tăng khi EVIPA có hiệu lực đầy đủ.
Các sự kiện văn hóa và giao lưu nhân dân đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và xây dựng hình ảnh tích cực của Việt Nam trong mắt công chúng châu Âu, đồng thời giới thiệu các giá trị văn hóa và tiềm năng du lịch của Việt Nam. Ngược lại, người dân Việt Nam cũng có cơ hội hiểu biết sâu hơn về văn hóa đa dạng của các nước EU.
Dương Thị Xiêm