09/01/2025 lúc 22:06 (GMT+7)
Breaking News

Kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Séc trong quá trình chuyển đổi năng lượng

Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Chính vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc trong lĩnh vực năng lượng, một lĩnh vực trọng yếu và đang nhận được mối quan tâm đặc biệt.
Diễn đàn năng lượng Séc-Việt Nam

Kế thừa sự phát triển mạnh gần đây về phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, sinh khối), các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Chính vì vậy, những kinh nghiệm, hỗ trợ hợp tác từ các đối tác giàu kinh nghiệm là yếu tố được Việt Nam chú trọng trong giai đoạn này.

Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam: Tiềm năng và triển vọng

Được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo vừa giảm giá thành sản xuất điện.

Theo những định hướng phát triển đó, ngành năng lượng và chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới chứa đựng nhiều cơ hội để các bên chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm, Đồng thời mang đến khả năng hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có Cộng hòa Séc, một quốc gia có thế mạnh về năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ: “Cộng hòa Séc là quốc gia có thế mạnh truyền thống về công nghệ năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác mỏ, có ngành cơ khí chế tạo phát triển, có tiềm lực mạnh về khoa học - công nghệ. Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện/nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Từ hai nhận định đó, có thể thấy tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên có rất nhiều không gian để phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Cộng hòa Séc, ông Jozef Sikela chia sẻ góc nhìn.

Trước những chia sẻ này từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, ông Jozef Sikela cũng cho biết: “Cộng hòa Séc coi Việt Nam là người bạn rất thân thiết, đối tác cùng chí hướng và là một trong những thị trường quan trọng nhất bên ngoài châu Âu. Chúng tôi rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối tác lâu dài giữa EVN và các công ty của Séc trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng và chia sẻ bí quyết về chuyển đổi năng lượng nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII”.

Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai quốc gia

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm thông tin, hiện nay quy mô công suất nguồn điện của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện nay, thủy điện chiếm 29%, năng lượng tái tạo chiếm 26%, nhiệt điện than chiếm 33%. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu COVID-19 thông qua khuyến khích tăng cường đầu tư mới, tạo ra những việc làm mới và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong thời điểm hiện tại và tới đây, Chính phủ Việt Nam cũng tiếp tục tập trung vào mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế thông qua chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Với những mục tiêu này, một số lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thể xem xét trao đổi, tìm cơ hội hợp tác bao gồm: Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; Chuyển đổi nhiên liệu, xử lý môi trường cho các nhà máy nhiệt điện và tua bin khí đang vận hành; Khai thác tiềm năng thủy điện cỡ vừa và nhỏ gắn với bảo vệ môi trường, mở rộng các dự án thủy điện hiện có, xây dựng các nhà máy thủy điện tích năng; Các giải pháp nâng cao hiệu suất, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; Chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác và sản xuất năng lượng; Phát triển mới hệ thống lưới điện truyền tải, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống lưới điện hiện có, ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh;...

Trước những linh vực tiềm năng hai bên có thể hợp tác, Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc, ông Jozef Sikelacũng cũng cho biết thêm, các công ty của Séc có thể giúp các đơn vị tại Việt Nam nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện, củng cố hệ thống giám sát và an ninh mạng hoặc cung cấp các thiết bị cho năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những kinh nghiệm về phát triển lưới điện truyền tải, hạ tầng CNTT, Trung tâm dữ liệu năng lượng và các hệ thống năng lực cân bằng phi tập trung cũng là những nội dung có mong muốn được chia sẻ.

Đây là cơ hội thuận lợi để các bên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bước đầu, tạo điều kiện mở ra cơ hội hợp tác về năng lượng của hai nước nói chung và giữa EVN cùng các đối tác từ Cộng hòa Séc riêng, từ đó giúp ích cho việc phát triển ngành năng lượng của 2 quốc gia.

... Theo Báo Nhân Dân