10/01/2025 lúc 16:46 (GMT+7)
Breaking News

Huyện Vạn Ninh: Phát huy lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế

Với những lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội, chiều dài mặt biển hơn 60km, cùng với đó là các danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng. UBND Huyện Vạn Ninh đã và đang thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, hài hoà các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tận dụng triệt để các thuận lợi sẵn có nhưng vẫn đảm bảo môi trường, hướng đến trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh.

Phấn đấu sớm trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Bắc

Xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, Huyện Vạn Ninh đã tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà huyện có lợi thế để trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh. Theo đó, đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, khu dịch vụ và công nghiệp hậu cảng, khu đô thị và trung tâm thương mại - tài chính; Các Khu du lịch (KDL) Đông Bắc bán đảo Hòn Gốm và các đảo, Khu đô thị (KĐT) du lịch tại Bãi Cát Thấm, KĐT du lịch tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang - Mũi Đá Son, KDV du lịch tại Đại Lãnh,... Phát triển mạnh kinh tế biển, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ với tàu công suất lớn, hiện đại gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu. Phối hợp với các cơ quan của Tỉnh và Trung ương để thực hiện đầu tư hình thành tổ hợp kết cấu hạ tầng làm tiền đề cho phát triển hành lang kinh tế Quốc lộ 1A và hành lang kinh tế biển, đảo gồm: đường bộ cao tốc Vân Phong – Nha Trang để kết nối với Hầm Đèo Cả, Hầm Cổ Mã; Mở rộng đường Nguyễn Huệ, làm mới tuyến đường ven biển Vạn Lương đi Ninh Hòa...xây dựng hạ tầng khu sản xuất VLXD Tân Dân, khu vực sản xuất công nghiệp tập trung tại Dốc Đá Trắng; Hạ tầng các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.

Trụ sở UBND huyện Vạn Ninh.

Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực là lĩnh vực quyết định, là mục tiêu xuyên suốt trong giai đoạn 2020-2025. Phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống dân cư nông thôn. Duy trì ở quy mô hợp lý và nâng cao GTXS cũng như giá trị cảnh quan của các khu vực sản xuất nông nghiệp, phủ xanh đồi trọc, nhằm tạo các sản phẩm du lịch sinh thái.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: Quá trình nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra của Vạn Ninh tương đối thuận lợi, tuy nhiên với những ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, các hoạt động thương mại, nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản, vận tải có thời điểm phải đóng cửa để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch… Do đó, sau khi đại dịch đã được kiểm soát ổn định, nhằm kịp thời phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 1067/KH-UBND ngày 31/3/2022.

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh.

Theo đó, trong thẩm quyền UBND huyện đã kịp thời phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đảm bảo ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn của các hoạt động kinh tế. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện vào cuộc tích cực, hỗ trợ giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tận dụng, phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài huyện, tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp theo hướng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Dưới sự hỗ trợ của huyện, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực cố gắng, nêu cao tinh thần vượt khó, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hoá… Từ đó tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế trong năm 2022, đồng thời với sự đầu tư mạnh mẽ vào các dự án lớn, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh kinh tế biển… là tiền đề cho việc trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh Khánh Hoà.

Phát huy lợi thế từ Biển – Phát triển kinh tế Biển

Có chiều dài bờ biển hơn 60km, nhiều đảo bán đảo phong phú, có Vịnh Vân Phong là một trong những vịnh biển lớn, sâu, là vùng biển hở tiếp giáp với đại dương, hệ thống động lực dòng chảy tốt giúp cho nước luôn được trao đổi, tự làm sạch, ít bị ô nhiễm. Mặt nước rộng lớn và điều kiện khí hậu, môi trường thuận lợi của biển Vạn Ninh rất phù hợp với nuôi trồng nhiều loại thủy hải sản.

Nuôi tôm hùm lồng bè trên vịnh Vân Phong-Ảnh: Đơn vị cung cấp

Sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt hơn 3.200 tấn, với diện tích nuôi trồng khoảng 800 ha ao đìa nuôi trồng thủy sản cho các đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, ốc hương, sá sùng,..; Hiện nay có khoảng 1.304 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển với hơn 39 nghìn lồng nuôi cho các đối tượng nuôi là tôm hùm, các loài cá biển có giá trị và 271 bè nuôi nhuyễn thể.

Với những tiềm năng mà kinh tế Biển mang lại, UBND huyện Vạn Ninh đã tập trung triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, ngư dân phát triển các ngành nghề liên quan đến biển. Áp dụng các chính sách nuôi trồng thuỷ sản tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; Hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết; Hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Đồng thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, duy trì và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo chuỗi an toàn VietGap, đặc biệt đối với các loài thuỷ sản chủ lực có giá trị kinh tế cao của địa phương như Tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ chân trăng… Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thuỷ sản, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến thuỷ sản để làm nền tảng xây dựng ngành nông nghiệp hiện tại…

Đường ven biển bán đảo Đầm Môn-Ảnh: Letsflytravel.vn

Bên cạnh tiềm năng về nuôi trồng thuỷ sản, Vạn Ninh được thiên nhiên ban tặng có nhiều danh lam thắng cảnh về du lịch như mũi Đôi – hòn Đầu, bãi biển Đại Lãnh… Nhằm phát huy những danh lam, thắng cảnh này trong việc khai thác kinh tế, UBND huyện đã nỗ lực thực hiện các kế hoạch, các chương trình hành động nhằm thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Vạn Ninh. Đồng thời tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá du lịch, chỉnh sửa nâng cấp, cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng… tại các điểm tham quan, du lịch.

Trong thời gian tới, đối với ngành Du lịch, Vạn Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phát triển du lịch giúp cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện mở rộng công tác phát triển du lịch thu hút ngày càng nhiều lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn huyện. Phát triển du lịch Vạn Ninh phù hợp với chiến lược phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo với súc hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao; kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, văn minh. Chú trọng công tác bảo tồn, khai thác bền vững môi trường tự nhiên trong quản lý tài nguyên du lịch…

 Võ Hà - Khang Mai