07/05/2024 lúc 12:25 (GMT+7)
Breaking News

Huyện nông thôn mới trên vùng Chiến khu Đ

VNHNO - Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vừa đón nhận danh hiệu Huyện nông thôn mới (NTM). Đây là huyện miền núi, địa bàn căn cứ Chiến khu Đ xưa, có nhiều xã từng là “vùng đất chết” thời chiến tranh, nhưng đã về đích NTM đúng kỳ hạn.

VNHNO - Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vừa đón nhận danh hiệu Huyện nông thôn mới (NTM). Đây là huyện miền núi, địa bàn căn cứ Chiến khu Đ xưa, có nhiều xã từng là “vùng đất chết” thời chiến tranh, nhưng đã về đích NTM đúng kỳ hạn.

Trong những năm kháng chiến, đồng bào các dân tộc vùng chiến khu kiên cường bám đất bám làng, mỗi người dân là một chiến sĩ sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Già làng Năm Nổi, người dân tộc Chơ Ro (ngụ tại xã Phú Lý), nhớ lại: “Trước Cách mạng Tháng Tám, người Chơ Ro đói nghèo, du canh, du cư chạy bom đạn giặc. Khi có cán bộ về làng tuyên truyền Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, tất cả trẻ, già, trai, gái đều nhất tề hưởng ứng, bởi đồng bào quá khổ, căm thù giặc Pháp đến tận xương tủy.

Trong ngày mít tinh 2-9-1945, hàng nghìn người dân từ trong rừng kéo về quận lỵ Biên Hòa, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Chính phủ lâm thời, ủng hộ cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ… Cũng từ đây, đồng bào Chơ Ro được Đảng, Bác Hồ cho cuộc đời mới. Bộ đội về xây dựng căn cứ kháng chiến, hướng dẫn đồng bào biết cách làm rẫy, làm nương, lại mang muối, gạo Bác Hồ cho dân làng ăn; dạy người Chơ Ro biết đánh Tây để giữ làng, giữ đất, biết cái chữ để từng bước thoát nghèo. Bởi thế, cả làng Chơ Ro tin theo Đảng, Bác Hồ, cùng bộ đội bám rừng kháng chiến…".

Học sinh Trường Tiểu học xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vui chơi, học tập trong ngôi trường đạt chuẩn nông thôn mới.

Những năm sau giải phóng, quê hương Chiến khu Đ bộn bề khó khăn, thiếu thốn, cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Cửu lại ra sức động viên, sát cánh cùng bà con tăng gia sản xuất để ổn định đời sống. Năm 2005, Quân khu 7 cùng tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện Đề án xây dựng làng dân tộc thiểu số phát triển bền vững, xây mới 64 căn nhà tặng hộ nghèo, 40 công trình vệ sinh, nhà dài truyền thống, trạm cấp nước sạch, điện thắp sáng và hơn 2,2km đường trải nhựa. Sự kiện ấy đã tạo đà cho Vĩnh Cửu từng bước vươn lên, vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế-xã hội.

Mấy năm sau, chủ trương xây dựng NTM mở ra hướng phát triển cho vùng núi thuộc chiến khu xưa. Nhưng để thực hiện được chủ trương là cả một quá trình nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân toàn huyện, bởi điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế địa phương đều rất khó khăn.

 Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Lãnh đạo huyện xác định khó mấy cũng phải làm bằng được. Với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Cửu đã đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đưa kinh tế địa phương tăng trưởng liên tục. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Đến nay, huyện đã đạt chuẩn NTM”.

Điều đáng ghi nhận là phong trào xây dựng NTM đã tạo được sức sống mới và sự đổi thay cho các xã nghèo vùng đất Chiến khu Đ. Nhiều vùng không đất, không sổ đỏ, không hộ khẩu, không điện, không nước, không nhà xây kiên cố… nay đã có đường giao thông cứng hóa, có điện thắp sáng và phục vụ cho sản xuất, có trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp. Thu nhập bình quân đầu người của xã cao nhất đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm, xã thấp nhất cũng đạt hơn 35 triệu đồng…

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân cho biết: “Thành quả đó là nhờ ý chí, nghị lực của đồng bào, chiến sĩ toàn huyện và truyền thống cách mạng của Chiến khu Đ đã trở thành điểm tựa để Vĩnh Cửu vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Theo Qdnd.vn