VNHNO - Tròn một năm sau trận lũ quét khủng khiếp xảy ra tại xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, hôm nay mảnh đất này đã thật sự hồi sinh. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chia sẻ của đồng bào cả nước, sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, nhưng hơn hết là những nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường La.
Tinh thần vượt lũ
Thật khó quên trận mưa lũ lịch sử xảy ra đêm 2-8, rạng sáng 3-8-2017 tại xã Nặm Păm, huyện Mường La. Lũ dữ đã cướp đi sinh mạng của 15 người, chín trong số 11 bản bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó năm bản gần như bị xóa sổ hoàn toàn, 179 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 245 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại khoảng 705 tỷ đồng. Lũ quét đã đẩy cuộc sống của hàng trăm người dân Mường La lâm vào cảnh màn trời chiếu đất…
Người dân xã Nặm Păm, huyện Mường La (Sơn La) gánh cây bưởi da xanh lên trồng trên nương. Ảnh: TTXVN/Nguyễn Cường.
Trước sự cố thiên tai chưa từng có, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và Huyện ủy Mường La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng cứu người bị nạn, đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả. Bí thư Huyện ủy Mường La Nguyễn Thành Công cho biết: Những hình ảnh về trận mưa lũ khủng khiếp ở Mường La được truyền đi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đồng bào cả nước.
Trong những ngày khắc phục hậu quả mưa lũ, hơn 1.600 đoàn cứu trợ từ khắp các tỉnh, thành phố, địa phương đến với Mường La. Trong một thời gian ngắn, các tổ chức, cá nhân đã vận động, quyên góp ủng hộ hơn 40,358 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền, hàng cứu trợ đã được huyện Mường La tiếp nhận, quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích. Có thể nói, đợt cứu trợ khắc phục hậu quả thiên tai ở Mường La vừa qua là hành trình của những tấm lòng nhân ái, ấm áp tình người.
Trong những ngày khắc phục hậu quả trận lũ, trụ sở huyện ủy, UBND huyện gần như đóng cửa. Huyện đã bố trí văn phòng xuống sát chân cầu Nặm Păm để thuận tiện cho công tác điều hành. Ban tiếp nhận hàng cứu trợ được thành lập đã xây dựng kế hoạch, phân công công việc cụ thể, đưa hàng cứu trợ đến từng bản, từng gia đình trong vùng lũ. Toàn huyện đã huy động gần 3.000 người, với gần 72 nghìn ngày công lao động ròng rã trong ba tháng tập trung giúp bà con dọn dẹp, tháo dỡ nhà cửa, di chuyển vật liệu, tham gia xây dựng các điểm tái định cư mới…
Tỉnh Sơn La đã trích quỹ dự phòng 130 tỷ đồng, cùng sự hỗ trợ từ Trung ương 95 tỷ đồng giúp huyện khắc phục hậu quả. Ðến nay, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phần gia cố cầu Nặm Păm đã xong, tỉnh lộ 109 Nặm Păm - Ngọc Chiến đạt 95% khối lượng, dự án kè suối, thanh thải làm sạch dòng suối đang được triển khai. Dự án bố trí, sắp xếp lại sáu điểm dân cư đã hoàn thành các công trình phụ trợ. Ðời sống người dân vùng lũ đã dần ổn định. Bộ Công an ủng hộ xây dựng 11 phòng học lắp ghép, sáu phòng ở bán trú, cùng trang thiết bị dạy học, cặp sách cho hơn 1.100 học sinh ở Nặm Păm kịp khai giảng năm học mới 2017 - 2018.
Trong câu chuyện về tinh thần vượt lũ, hôm nay trở lại Mường La chúng tôi biết thêm những thông tin mới. Những hình ảnh xúc động về gương cán bộ, đảng viên băng mình cứu dân. Trưởng bản Hua Nậm, đảng viên trẻ Là Văn Biên, khi cơn lũ tràn về trong đêm, tay cầm loa đến từng nhà thúc giục mọi người chạy lên núi. Lúc anh quay trở lại, ngôi nhà của mình đã bị nước lũ cuốn trôi. Người dân trong bản an toàn, không ai bị nước cuốn trôi. Mọi người vẫn bảo, nếu không có tiếng loa của trưởng bản thì số phận của nhiều người dân không biết sẽ thế nào. Bản Hốc có 105 hộ thì 59 hộ bị lũ cuốn trôi nhà, ba người chết và mất tích, nhiều người mất sạch nhà cửa, tài sản. Gia đình Bí thư Ðảng ủy xã Quàng Văn Loa đã đón 30 người đến ở tạm, mở bồ thóc, giã gạo nấu cơm đùm bọc bà con trong những ngày lũ. Những bữa cơm thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Ươm mầm hy vọng
Trong chuyến công tác mới đây của Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất đến huyện Mường La, nhân dân bản Hua Nậm đã mang biếu một quả bưởi da xanh. Quả bưởi đó là kết quả sau một năm thực hiện chương trình trồng cây ăn quả trên đất dốc. Tìm hiểu câu chuyện, chúng tôi được biết, toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn của người dân xã Nặm Păm bị lũ tàn phá nặng nề.
Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc khắc phục hậu quả sẽ rất tốn kém, phải tìm phương án di chuyển toàn bộ người dân ra khỏi vùng lũ. Nhưng hầu hết người dân vẫn mong muốn được ở lại quê cũ. Ðể có quyết định chính xác việc đi hay ở, tỉnh Sơn La đã mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành khảo sát, đánh giá lại địa chất toàn bộ lưu vực suối Nặm Păm. Khi đã có đủ căn cứ dữ liệu khoa học, huyện Mường La đề xuất phương án sắp xếp lại các khu dân cư, xây dựng sáu điểm tái định cư mới. Cùng với đó, huyện tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chương trình trồng cây ăn quả. Ðây là chủ trương lớn của tỉnh nhằm xác định giúp nhân dân vùng lũ có cuộc sống ổn định lâu dài.
Ngay sau khi cơn lũ đi qua, chính quyền và đồng bào Mường La bắt tay ngay vào triển khai chương trình trồng cây ăn quả. Ðến giữa tháng 9-2017, tức là sau trận lũ hơn một tháng, toàn bộ 147 ha cây ăn quả, với 62 nghìn đầu cây các loại, gồm: nhãn, xoài, bưởi, chanh leo, sơn tra đã trồng xong, bắt đầu bén rễ xanh cây. Ðồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Ðội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện đã nỗ lực khảo sát địa hình, nghiên cứu chất đất để tìm các loại cây thích ứng. Chương trình cũng ứng dụng kỹ thuật mới, quy trình trồng cây dùng giống ghép lưu vườn từ hai đến ba năm; đồng thời, cử cán bộ nông nghiệp sát cánh cùng người dân chăm sóc, bảo vệ cho đến khi thu hoạch. Ðồng chí Tâm đưa chúng tôi đến thăm khu trồng 5 ha bưởi da xanh ở bản Huổi Liếng.
Tại khu đồi Huổi Uông cách đường 109 khoảng 1,5 km, những cây bưởi da xanh đã lên xanh tốt. Theo tính toán, trước kia trồng lúa chỉ cho thu nhập 10 triệu đồng/ha thì nay trồng cây ăn quả có thể thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/ha. Ðể có được thành công bước đầu này, huyện Mường La đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất thực hiện chương trình. Tính đến nay người dân trong xã Nặm Păm đã hiến 60,75 ha đất, không nhận đền bù. Trong đó, có 95 gia đình đảng viên làm nòng cốt ở tám bản đã đi đầu.
Trải qua trận lũ lịch sử, người dân Mường La đang đứng dậy với quyết tâm vượt qua đói nghèo. Chương trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc đang thật sự làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Ðây là những tín hiệu vui giúp bà con vùng lũ huyện Mường La có được cuộc sống bền vững, gắn bó hài hòa với thiên nhiên./.