VNHN – Thực hiện quyết định số 35/2014/QĐ – UBND, ngày 13/4/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk về Quy định lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạnh, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Huyện Krông Ana đã đạt được nhiều kết quả tốt, cùng sự đồng thuận của các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích ấy, trong quá trình triển khai cũng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Huyện Krông Ana nằm ở phía Nam trung tâm tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 32km, ngành kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài ra huyện còn có tiềm năng về khoáng sản sét để sản xuất gạch ngói, nguồn nhân lực dồi dào, ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện những năm qua phát triển khá mạnh, sản lượng sản xuất gạch đã đáp ứng phần lớn nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngành sản xuất gạch ngói nói riêng và sản xuất vật liệu xây dựng nói chung chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện và cũng là sản phẩm chủ lực ngành góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Krông Ana.
Người lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất, hoàn toàn là lao động tại địa phương.
Từ những năm 2008, nhận thấy việc sản xuất gạch bằng phương thức thủ công chi phí sản xuất cao và ảnh hưởng đến việc phá rừng làm củi đốt. UBND huyện khuyến khích các cơ sở chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến là dùng than thay thế củi bằng lò đốt liên tục kiểu đứng nhằm giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Đến giữa năm 2010, huyện cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi từ thủ công sang lò đốt liên tục kiểu đứng, thời điểm này tồn tại 96 cơ sở sản xuất gạch, công suất ước đạt 260 triệu viên/ năm.
Năm 2012, thực hiện Thông tư số 09/2012/TT-BXD, ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; Kế hoạch số 5342/KH-UBND, ngày 12/9/2012 của UBND tỉnh về việc phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu không nung thay gạch đất sét nung của tỉnh giai đoạn 2012-2020, UBND huyện đã ban hành Công văn số 492/UBND-KTHT, ngày 24/12/2012 về việc triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất, sử dụng gạch không nung thay gạch đất sét nung của tỉnh và Công văn số 44/UBND-KTHT, ngày 30/01/2013. Theo đó, UBND huyện đã triển khai thực hiện ngừng cấp phép xây dựng lò gạch đất sét nung bao gồm cả lò kiểu đứng liên tục trên địa bàn trên địa bàn huyện, giao các phòng, ban, ngành tham mưu lập kế hoạch xây dựng lộ trình và kêu gọi các dự án sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý nguồn nguyên liệu sét, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp khai thác sét trái phép và các vi phạm về bảo vệ môi trường để sản xuất gạch đất sét nung.
Tích cực chỉ đạo, thực hiện Quyết định số 35 của UBND tỉnh.
Để thực hiện tốt Quyết định số 35 của UBND tỉnh, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đảo, ban hành nhiều kế hoạch, văn bản triển khai, cùng với đó là thực hiện có hiệu quả và tích cực. Điển hình như, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 09/04/2018 về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hoá thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện…Giao cho các phòng ban liên quan phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức hội nghị đối thoại với các cơ sở sản xuất gạch, để tuyên truyền vận động, cũng như lắng nghe những tâm tư, chia sẽ của họ, từ đó đi tới thống nhất cam kết phải chấm dứt hoạt động để triển khai đúng lộ trình theo Quyết định số 35 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra tình hình hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản. Tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác sét trên địa bàn.
Gạch chuẩn bị được đưa vào lò công nghệ Tuynel tại Công ty Việt Tân.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác, sử dụng khoáng sản cũng được chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức. Từ những nỗ lực triển khai và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND huyện, đến nay đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao hành động và tiến hành cho 100% cơ sở sản xuất gạch ký cam kết chấm dứt hoạt động theo lộ trình đề ra.
Khó khăn, vướng mắc – Nỗi lo của người lãnh đạo.
Qua rà soát, tổng số lao động trong các cơ sở đến cuối tháng 12/2019 là 1256 lao động, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 797 người, chiếm 63,45%, chủ yếu là lao động tại địa phương. Vậy nên, việc giải quyết nhu cầu việc làm cho người lao động (chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu só tại chỗ) nơi đây khi hoàn thành lộ trình chấm dứt sản xuất cũng là một vấn đề đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trât tự an toàn xã hội, việc kiếm việc làm mới sẽ rất khó khăn, không dễ dàng thực hiện trong một thời gian ngắn.
Chia sẽ với PV về vấn đề này, ông Hoàng Minh Giám – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngành sản xuất gạch ở huyện cũng là một trong những ngành góp phần xây dựng phát triển chung của huyện, đóng góp một phần ngân sách không nhỏ và mang lại việc làm cho người dân địa phương. Việc các cơ sở chuyển đổi sang công nghệ Tuynel, thì cần một số vốn rất lớn. Nên khi chấm dứt hoạt động sản xuất gạch nung cũng làm một lượng lớn lao động rơi vào tình trạng không có việc làm thời gian đầu. Để đón đầu việc này, huyện cũng đã tham mưu nghị 07 – NQ/HU ngày 11/10/2019 về phát triển kinh tế- xã hội các buôn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Ana giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, một số nghề như xây dựng và may mặc nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Tuy nhiên, qua khảo sát thì việc đăng ký nguyện vọng học nghề là rất thấp, đây là một vấn đề mà huyện rất là quan tâm và lo lắng.
Ông Hoàng Minh Giám – Phó chủ tịch UBND huyện Krông Ana chia sẻ với phóng viên.
Trước đây, khi chuyển đổi từ lò thủ công sang lò đứng liên tục hoàn thành vào những năm 2009, 2010, mãi tới 2013, 2014 thì mới hoạt động sản xuất ổn định, kinh phí cho một lò kiểu đứng liên tục rời vào khoảng 700-850 triệu/ cửa lò. Tuy nhiên những năm này giá thành của gạch thấp không bù đắp được chi phí bỏ ra đầu tư. Một số cơ sở rơi vào tình trạng đóng cửa lò hay vay vốn ngân hàng chưa thể trả được. Việc chấm dứt hoạt động cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của các cơ sở sản xuất.
Hiện nay, trên địa bàn đã có một số cơ sở xin chuyển đổi lò gạch kiểu đứng liên tục sang công nghệ Tuynel, như cơ sở sản xuất gạch Việt Tiến Anh, Công ty TNHH SX TM Việt Tiến Em,Công ty TNHH TM Quang Dũng, Công ty TNHH MTV Hải My. Tuy nhiên việc chuyển đổi đầu tư sang công nghệ này cần khoảng 15-20 tỷ đồng nên nhiều cơ sở không dủ điều kiện để chuyển đổi, cùng với đó là thủ tục cấp phép khai thác đất sét để sản xuất gạch trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù với sự tích cực tuyên truyền, chỉ đạo ráo riết thực hiện theo Quyết định 35 của UBND tỉnh đã mang lại sự đồng thuận của các cơ sở, nhưng nhìn vào thực tiễn cần sớm có chính sách cụ thể về mức hỗ trợ đối với các cơ sở thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động, nhằm giảm bớt thiệt hại về mặt kinh tế, điều này cũng là mong muốn của phần cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn./.