Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân thuộc diện khó khăn tại huyện Điện Biên đã có thêm cơ hội phát triển sản xuất, vượt lên xóa đói giảm nghèo bền vững.
Người dân huyện Điện Biên sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển mô hình chăn nuôi bò.
Trong những năm vừa qua, chính quyền UBND huyện Điện Biên đã nỗ lực không ngừng để tìm ra các giải pháp khắc phục, vận dụng nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng chính sách để giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Trên địa bàn huyện Điện Biên cũng có rất nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ cho vay nguồn vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập giúp thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn cuộc sống ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hướng đi trong công cuộc cải cách của địa phương. Vì vậy, yêu cầu đặt ra trước mắt là phải tìm ra biện pháp, vừa có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vừa kiểm soát, hạn chế được mức ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với cộng đồng.
Nhằm hạn chế tối đa mức ảnh hưởng của dịch đối với người dân trên địa bàn huyện Điện Biên, ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác để có thể rút gọn quá trình giải ngân mà vẫn chính xác và đúng theo quy tắc yêu cầu. Tính từ đầu năm đến ngày 11/10, có 2.809 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện vay vốn với tổng số tiền là hơn 130,5 tỷ đồng. Đến hiện tại, tổng dư nợ đạt hơn 535 tỷ đồng, với 13.611 khách hàng dư nợ.
Mặt khác, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên đã thực hiện 14 chương trình cho vay vốn (hiện nay 4 chương trình đã dừng cho vay) thông qua 4 đơn vị ủy thác gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các chương trình cho vay hộ cận nghèo mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm. Thực hiện công tác phân loại hộ vay vốn theo đúng quy trình công khai, dân chủ. Hiện nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hết tiềm năng của mình ở các địa phương vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương một cách đáng kể.
Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều mô hình kinh tế đã được triển khai và thu được kết quả tốt như: Mô hình chăn nuôi bò xã Hua Thanh do Hội LHPN xã quản lý; mô hình trồng cây ăn quả xã Thanh Yên do Đoàn Thanh niên xã quản lý; mô hình trồng rau sạch ở xã Noong Luống,.. Nhiều hộ gia đình cũng áp dụng và phát huy hiệu quả trong việc tạo ra nguồn kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Trong giai đoạn tới, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đồng bộ, liên tục đưa ra giải pháp bổ sung nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung kiểm tra, rà soát các khoản nợ quá hạn để kịp thời xử lý; tập trung phân tích các khoản nợ xấu, tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giải quyết, khống chế tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức thấp nhất. Đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội các cấp để theo kịp tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở các địa phương. Từ đó, đưa ra giải pháp để kiểm soát kịp thời, giúp người dân giảm tải gánh nặng khi phải đối mặt với những khó khăn trên
Có thể thấy rằng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ nghèo,cận nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống; tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn; đóng góp to lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới của địa phương./.