Gốm sứ Chu Đậu được biết đến là một thương hiệu của làng nghề gốm sứ lâu đời có địa chỉ tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau gần hàng thế kỷ bị thất truyền, ngày nay, gốm Chu Đậu đã hoàn toàn hồi sinh nhờ sự đóng góp không nhỏ của Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Công ty Cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG).
Chiếc bình cổ hàng triệu USD và nguồn gốc Gốm Chu Đậu
Theo các nhà sử học, gốm Chu Đậu có nguồn gốc cao quý, xuất hiện cách đây khoảng 500 năm, vào thời Lý, Trần, Lê, Mạc. Sau 500 năm thất truyền, con đường trở về và nguồn gốc của Gốm Chu Đậu đang rất được quan tâm.
Năm 1980, trong một chuyến đi công cán sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makato Anabuki, nguyên Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, đã nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam, cao 54cm, được trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul. Trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (tức Thái Hòa năm thứ 8- đời vua Lê Nhân Tông 1450 – thợ gốm là Bùi Thị Hý, người Nam Sách). Có thông tin cho rằng chiếc bình này được mua bảo hiểm với mức lên đến 25 triệu USD.
Phiên bản chiếc bình quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Bảo tàng Hải Dương
Sau đó, ông Makato Anabuki đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam xác định dòng của chiếc bình gốm cổ đó. Cùng với các cơ quan chức năng, tỉnh Hải Dương đã xác định cụ Tổ của làng gốm Chu Đậu là bà Bùi Thị Hý, người làng Chu Đậu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Năm 2012, tại miếu thờ Vua Lê và Thành hoàng làng, làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hiệp hội làng nghề Việt Nam kết hợp với Hội sử học Hải Dương và các cơ quan tổ chức vinh danh và phong tặng danh hiệu Tổ nghề cho bà Bùi Thị Hý.
Ngoài các hiện vật gốm cổ trong các cuộc khai quật, người ta còn tìm thấy nhiều sản phẩm gốm ở hai con tàu bị đắm ở biển Pandanan (Philippine) và ở biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam, Việt Nam vào các năm 1993 và 1997, đã thu được hơn 340.000 đồ gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240.000 hiện vật còn nguyên vẹn. Qua việc trục vớt hai con tàu đắm, cho thấy, thời bấy giờ gốm Chu Đậu đã được xuất khẩu rộng rãi ra thế giới.
Tìm lại hào quang cho Gốm Chu Đậu
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 500 năm thất truyền, nhờ chủ trương của Đảng và Nhà nước về phục hưng làng nghề, giữ gìn bản sắc dân tộc cùng sự khuyến khích, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Hải Dương; năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – Công ty cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG đã quyết định thành lập Công ty CP Gốm Chu Đậu với sứ mệnh phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu.
Hành trình khôi phục gốm Chu Đậu gặp phải không ít khó khăn được ví như “việc lật lên một trang sử tưởng đã chìm xuống mãi mãi”. Nhưng đến thời điểm hiện nay Gốm sứ Chu Đậu đã khôi phục được danh tiếng của dòng gốm vang bóng một thời – Dòng gốm của sự thiêng liêng trong lịch sử, dòng gốm tinh hoa thương hiệu Việt.
Các đại biểu của Diễn đàn Việt – Mỹ thăm mô hình gốm Chu Đậu
Năm 2010, gốm Chu Đậu vinh dự đạt giải thưởng “Thương hiệu mạnh tỉnh Hải Dương.” Năm 2019, làng gốm Chu Đậu được UBND tỉnh Hải Dương công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”; Năm 2020, gốm Chu Đậu đã được công nhận là Thương hiệu quốc gia. Hiện nay, thương hiệu gốm Chu Đậu đã có mặt trên khắp Việt Nam và quốc tế. Sản phẩm gốm Chu Đậu không chỉ là đồ dùng trong mỗi gia đình mà còn là quà tặng mang giá trị Việt thiêng liêng cao cả. Hằng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan và mua sắm, trở thành một địa danh du lịch nổi bật tỉnh Hải Dương.
Năm 2020 gốm Chu Đậu vinh dự được công nhận là Thương hiệu quốc gia
Ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Hapro (đeo kính bên phải) đưa khách tham quan và làm việc tại Gốm Chu Đậu
Gốm Chu Đậu hiện đang được trân trọng lưu giữ tại 46 bảo tàng danh tiếng của 32 quốc gia trên thế giới. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã và đang phục hưng lại làng nghề, vùng nghề gốm cổ Chu Đậu với mong muốn làm hồi sinh, làm sống lại tầm cao của gốm Chu Đậu, một dòng gốm đẹp của Việt Nam và quốc tế.
Khác với sự cầu kỳ, sang trọng của các dòng gốm người Trung Quốc, gốm Chu Đậu làm cho trái tim con người xao xuyến và xúc động vô cùng bởi chính cái chất thuần Việt giản dị, không lai căng. Chẳng thế mà giới chuyên môn đã đánh giá gốm Chu Đậu vang bóng làng gốm Việt với các mỹ từ “Trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông”.