VNHNO - Theo báo cáo, Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế. Trong đó, Bộ đề xuất các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế (BHYT).
Ảnh minh họa
Cụ thể, các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 sửa đổi, bổ sung của Luật bảo hiểm y tế bao gồm:
1. Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm kể từ ngày tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
2. Trường hợp kho dữ liệu thẻ không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ BHYT, ghi sai thời điểm hưởng 5 năm liên tục, cơ sở y tế thu tiền và xuất chứng từ cho người bệnh;
3. Trường hợp cấp cứu không xuất trình thẻ, sau đó chuyển viện tới cơ sở y tế khác.
Dự thảo cũng đề xuất hướng dẫn xác định hệ số điều chỉnh trong phương thức thanh toán theo giá dịch vụ như sau: K là hệ số điều chỉnh do biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tương ứng của từng yếu tố thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ.
Hệ số K được sử dụng để tính tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo kế hoạch, hằng năm, căn cứ chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế của năm trước liền kề do Tổng cục Thống kê công bố, Bộ Y tế xác định và thông báo hệ số K trên toàn quốc sau khi thống nhất với Bộ Tài chính làm cơ sở để cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương tham khảo, thống nhất áp dụng tại đơn vị./.