VNHNO - Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Cần điều trị liên tục và suốt đời nên người nhiễm HIV nếu không có bảo hiểm y tế sẽ gặp khó khăn về tài chính, dễ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, gia tăng tình trạng kháng thuốc, khi đó công tác điều trị sẽ khó khăn và rất tốn kém. Vì vậy, bảo hiểm y tế là giải pháp lâu dài giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế.
83,4% người nhiễm HIV điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế
Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc triển khai bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong bệnh nhân điều trị ARV tăng lên từ 50% (năm 2016) lên 82% (năm 2017) và hiện cả nước đã có tới 83,4% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có thẻ bảo hiểm y tế. Đã có 5 tỉnh, thành phố đạt 100% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ bảo hiểm y tế (Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Cà Mau) và 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ này đạt trên 90%. Hiện chỉ còn 5 tỉnh, thành phố đạt dưới 70% (Đồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận và Bến Tre). Nhiều văn bản và hành lang pháp lý đã được ban hành. Các địa phương đã chủ động triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ Bảo hiểm y tế. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế cũng đã và đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV không chỉ về kỹ thuật mà cả bằng những nguồn tài chính quan trọng.
Ảnh minh họa
Bà Stephanie De Goes, Điều phối viên Chương trình PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ) tại Việt Nam nêu rõ: Bảo hiểm y tế là "cột sống" của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của một quốc gia. Trong nhiều năm qua, PEPFAR đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác và Bộ Y tế để triển khai nhằm tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và là nước thành công nhất trong số các nước mà PEPFAR hỗ trợ triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Việt Nam cũng có thể là nước đầu tiên trong số các nước do PEPFAR hỗ trợ có thể đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2020 đang đến rất gần và nhiều mục tiêu chắc chắn Việt Nam cần phải rất nỗ lực mới có thể đạt được.
Từ năm 2019, Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả thuốc ARV
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Theo Quyết định 1125/QÐ-TTg ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 thì thuốc ARV được chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế từ ngày 1-1-2019. Như vậy, theo lộ trình, trong năm 2019 sẽ có 191 cơ sở điều trị nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế tương ứng với khoảng 48.000 bệnh nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Với mục tiêu bắt đầu thanh toán thuốc ARV cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế từ ngày 1-1-2019 thì thời gian còn rất ngắn. Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nới rộng tiêu chuẩn cơ sở điều trị HIV/AIDS để tạo thuận lợi cho nhiều cơ sở y tế có thể tham gia vào điều trị ARV; đồng thời, các địa phương sẽ tiếp tục kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS. Thời gian này, nếu cơ sở điều trị HIV/AIDS nào chưa ký được hợp đồng với bảo hiểm thì phải chuyển bệnh nhân sang phòng khám, bệnh viện có hợp đồng với bảo hiểm y tế để điều trị kịp thời. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đề nghị các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam lồng ghép quản lý bệnh nhân HIV/AIDS, dữ liệu điều trị ARV vào hệ thống phần mềm quản lý bệnh nhân của bảo hiểm y tế trong hệ thống chung cả nước để giúp việc quản lý điều trị HIV/AIDS được tốt hơn.
Về vấn đề bảo mật thông tin của người nhiễm, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm vì thông tin ghi trên thẻ bảo hiểm y tế không có ký hiệu nào thể hiện việc người tham gia bị nhiễm HIV/AIDS. Do đó, thông tin cá nhân của người nhiễm HIV không thể bị lộ trong quá trình cấp thẻ. Đồng thời, trong tờ khai tham gia bảo hiểm y tế cũng không có nội dung về việc người tham gia nhiễm hay không nhiễm HIV. Vì vậy, người tham gia bảo hiểm y tế nhiễm HIV khi làm thủ tục đăng ký vẫn cần khai đầy đủ địa chỉ nơi mình sinh sống và vẫn đảm bảo việc bảo mật thông tin. Đặc biệt, người tham gia bảo hiểm y tế hiện có thể đến đại lý thu bảo hiểm hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện để đăng ký. Trường hợp Trung tâm phòng chống HIV/AIDS là đại lý thu bảo hiểm y tế thì người nhiễm HIV/AIDS có thể đăng ký tại đây.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống HIV/AIDS có quy định nghiêm cấm việc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó (trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV). Trường hợp các đối tượng nêu trên có hành vi tiết lộ cho người khác thì sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng và bị buộc phải xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV, cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 3 ngày.
Để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế tốt nhất, người bệnh cần phải tham gia bảo hiểm y tế liên tục, không làm gián đoạn để ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh; đi khám chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ, xuất trình đầy đủ thủ tục. Trường hợp cấp cứu, người tham gia bảo hiểm y tế được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào và phải xuất trình thẻ bảo hiểm cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện. Tình trạng cấp cứu là do bác sỹ quyết định. Khi đó, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi như đi khám chữa bệnh theo đúng quy định./.