17/01/2025 lúc 00:08 (GMT+7)
Breaking News

Hướng đi nào cho ngành trồng hồ tiêu ở Việt Nam

VNHN - Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, có một thời gian giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Vì thế nếu nông dân không thay đổi phương thức sản xuất và chỉ tập trung chạy theo số lượng mà không quan tâm chất lượng thì ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng dư thừa.

VNHN - Hồ tiêu của Việt Nam là cây trồng có sức cạnh tranh đặc biệt lớn, thị trường thế giới lại rất hút hàng, có một thời gian giá hồ tiêu xuất khẩu đang cao kỷ lục khiến nông dân trồng tiêu lãi to. Vì thế nếu nông dân không thay đổi phương thức sản xuất và chỉ tập trung chạy theo số lượng mà không quan tâm chất lượng thì ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng dư thừa.

Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất 10% so với năm 2017.

Đây cũng là lý do trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm nhẹ 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa. 

Ảnh người dân thu hoạch hồ tiêu

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam phải sức cạnh tranh và tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Hiện hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2001 của Việt Nam đạt 90 triệu USD thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%. Sau khi giá trị kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt kỷ lục vào năm 2016 với 1,422 tỉ USD, thì ba năm gần đây (2017-2019) giá hồ tiêu trên thế giới sụt giảm liên tục. Nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn cung tăng từ 8-10% trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%.

Ông Đinh Xuân Thu, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông) cho biết: “Thực tế ở huyện Đắk Song, nơi có diện tích hồ tiêu lớn nhất Đắk Nông, hàng ngày có hàng chục người đến tòa án để giải quyết nợ nần do cây tiêu gây ra”. Có một thực tế là dù đứng số 1 thế giới nhưng việc sản xuất hồ tiêu tại Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa bền vững. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh ngay cả ở những vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong thời điểm giá tốt.

Bên cạnh đó, tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm; công tác giống còn hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện; sản xuất GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm chưa toàn diện.

Ảnh cây hồ tiêu chín đỏ

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng: "Đứng trước thực trạng cây hồ tiêu hiện nay, Việt Nam cần cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu khoảng 100.000ha. Đối với những vườn hồ tiêu bị bệnh chết, không phù hợp cần phải kiên quyết chuyển đổi sang cây trồng khác". Vì thế Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Bộ đang cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu cả nước ở khoảng 100.000ha. Những nơi trồng không đúng quy hoạch, vùng tiêu bị bệnh, năng suất thấp phải khuyến cáo nông dân không trồng lại, chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn”.Ngoài ra ông Doanh còn khẳng định: "Nếu nông dân làm đúng theo phương pháp hữu cơ, sản lượng cũng rất cao, đạt năng suất 4,5 tấn/ha, cao hơn mức bình quân. Dù giá hồ tiêu xuống thấp như hiện nay, 1ha hồ tiêu hữu cơ vẫn đạt 400-450 triệu đồng".

Hiện nay Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đến hơn 100 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Những thị trường này cho lợi nhuận ngành hồ tiêu lớn nhưng yêu cầu đảm bảo chất lượng hồ tiêu rất cao. Các thị trường này đưa ra các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa dầu và chất tạo khói trong quá trình sản rất khắt khe. Chúng ta cần thay đổi nhận thức để cạnh tranh với các quốc gia trồng hồ tiêu khác về chất lượng, thay vì cứ chạy theo số lượng như hiện nay. Đó mới là hướng đi đúng đắn để giúp ngành hồ tiêu tiếp tục phát triển trở lại.