20/01/2025 lúc 21:41 (GMT+7)
Breaking News

Hưng Hà tập trung nguồn lực để phát triển đô thị bền vững

Huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Thị trấn Hưng Hà (huyện Hưng Hà)

Là địa phương có hai thị trấn cùng nằm trong quy hoạch khu vực phát triển đô thị phía Tây Bắc của tỉnh Thái Bình, lại có đầy đủ tiềm năng phát triển đô thị bền vững để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hưng Hà cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thị trấn Hưng Hà và Hưng Nhân đã dành nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung gắn với phát triển đô thị theo quy hoạch.

Theo, ông Đặng Quang Tứ, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nhân: Địa phương đã chỉ đạo nghiêm chỉnh, chấp hành và thực hiện chủ trương xây dựng quy hoạch khu trung tâm hành chính thị trấn mở rộng trên cơ sở khuôn viên hiện có; quy hoạch, sử dụng đất đai hợp lý đáp ứng yêu cầu xây dựng khu dân cư đô thị, đường giao thông, hành lang, vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng công cộng, tạo điểm nhấn cho đô thị, tạo cảnh quan trên dọc sông Thái Sư, sông Sa Lung.

Về giao thông, tiến hành cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; đầu tư xây dựng các đường nội bộ trong thị trấn; kêu gọi đầu tư xây dựng bến cầu, cảng ven sông Hồng.

Đề cập vấn đề xây dựng và phát triển đô thị bền vững, ông Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Hà, cho hay: Trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thị trấn đã dành nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung gắn với phát triển đô thị theo quy hoạch.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai thị trấn đã tập trung nguồn lực cho đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt nhiều công trình đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng không những mang đến cho hai thị trấn một diện mạo mới mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Cụ thể như thị trấn Hưng Hà đầu tư 26 công trình với tổng mức đầu tư 89,9 tỷ đồng, trong đó đầu tư 20 công trình hạ tầng kỹ thuật và 6 công trình hạ tầng văn hóa; thị trấn Hưng Nhân đầu tư 14 công trình với tổng mức đầu tư 68,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư 10 công trình hạ tầng kỹ thuật và 4 công trình hạ tầng văn hóa.

Để phát triển đô thị bền vững hướng tới xây dựng đô thị thông minh, ông Thụ cho rằng, trong những năm tới hai thị trấn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị nhanh và bền vững.

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Hà đã tham mưu với lãnh đạo huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như: Đảng bộ hai thị trấn cần xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo tiêu chí đô thị loại IV nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong toàn Đảng bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chủ trương phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thị trấn để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, UBND thị trấn Hưng Hà, thị trấn Hưng Nhân tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng thị trấn bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiện đại, thống nhất và gắn kết giữa các quy hoạch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch.

Thực hiện nghiêm việc công bố công khai quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch. Xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác theo hướng tập trung, có trọng điểm và có khả năng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện trong quá trình đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng. Thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách để tạo nguồn cho đầu tư phát triển./.