28/03/2024 lúc 18:55 (GMT+7)
Breaking News

HoREA đề nghị xem xét đổi tên “Luật Đất đai” thành “Bộ Luật Đất đai”

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị xem xét đổi tên “Luật Đất đai” thành “Bộ Luật Đất đai”. Theo HoREA pháp luật về đất đai là một trong các nền tảng pháp luật có tác động đến không dưới 37 Luật và hầu như tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Xem xét đổi tên “Luật Đất đai” thành “Bộ Luật Đất đai” là nội dung góp ý của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (bản lấy ý kiến nhân dân).

Theo đó, HoREA đề nghị bổ sung "Phần mở đầu" Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khẳng định đất đai với ý nghĩa địa chính trị là lãnh thổ quốc gia, đồng thời là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Cụ thể là nhận thức về ý nghĩa của một số nội dung của Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp và pháp luật về đất đai.

HoREA cho biết, cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng cộng sản Việt Nam về những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã chỉ đạo phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

Bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình, mà trong tư liệu sản xuấ thì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt.

Tiếp đến, Điều 1 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”, về ý nghĩa địa chính trị có thể được hiểu là “đất đai là lãnh thổ quốc gia”.

“Lời nói đầu” của Luật Đất đai 1987 cũng khẳng định: “Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá. Là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của nông nghiệp, lâm nghiệp; là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống; là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng. Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất như ngày nay.

Và ngày 04/05/2022, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại câu nói của Các-Mác “Lao động là cha, đất đai là mẹ của mọi của cải vật chất”, về ý nghĩa kinh tế có thể được hiểu là đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài nguyên đặc biệt.

Trong khi, các Luật Đất đai 1993, 2003, 2013 đều không có “Lời nói đầu” về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đất đai. 

Trong khi, riêng khoản 2 Điều 1 Thông tư 14/2012/TT-BTNMT đã giải thích: “2. Đất đai là một vùng đất có ranh giới, vị trí, diện tích cụ thể và có các thuộc tính tương đối ổn định hoặc thay đổi nhưng có tính chu kỳ, có thể dự đoán được, có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong hiện tại và tương lai của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội như: Thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất, thuỷ văn, thực vật, động vật cư trú và hoạt động sản xuất của con người.

Do đó, HoREA xin kiến nghị như sau: Thứ nhất, Hiệp hội đề nghị bổ sung “Lời nói đầu” vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đất đai, trước hết là với ý nghĩa địa chính trị thì đất đai là lãnh thổ quốc gia. Với ý nghĩa kinh tế - chính trị học thì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt; với nghĩa kinh tế thuần túy thì đất đai là tài nguyên và là tài nguyên đặc biệt. 

Thứ hai, Hiệp hội đề nghị xem xét đổi tên “Luật Đất đai” thành “Bộ Luật Đất đai”. Vì pháp luật về đất đai là một trong các nền tảng pháp luật có tác động đến không dưới 37 Luật và hầu như tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Thanh Bút