01/12/2024 lúc 08:30 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác xã nông nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, thích ứng thời đại 4.0

Trong bối cảnh hiện nay khi có rất nhiều thách thức từ nội tại và bối cảnh bên ngoài, hợp tác xã nông nghiệp đã và đang có nhiều sự thay đổi tích cực với những cách làm, hướng đi mới để không ngừng thích ứng với tình hình, vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng đến tương lai phát triển lâu dài.

Trong bối cảnh hiện nay khi có rất nhiều thách thức từ nội tại và bối cảnh bên ngoài, hợp tác xã nông nghiệp đã và đang có nhiều sự thay đổi tích cực với những cách làm, hướng đi mới để không ngừng thích ứng với tình hình, vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng đến tương lai phát triển lâu dài.

Ảnh minh họa - Internet

Khó khăn cố hữu hạn chế HTX vươn rộng ra thị trường

Hợp tác xã (HTX) có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Với đặc thù sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, các HTX chính là “cánh tay nối dài” giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp, đồng thời giúp cung cấp các vật tư đầu vào, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình, đảm bảo đầu ra cho các nông sản.

Chính vì vậy, việc tháo gỡ các khó khăn nội tại hiện có của HTX là điều cần thiết để đưa sản xuất của ngành nông nghiệp ngày càng có hiệu quả, gia tăng và ổn định thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tác động của dịch COVID-19 đang đòi hỏi các HTX cần có nhiều thay đổi để thích ứng, phù hợp với tình hình, bắt nhịp với thời cuộc.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2021, cả nước có 17.776 HTX nông nghiệp và 78 Liên hiệp HTX nông nghiệp. So với thời điểm tháng 6/2017 khi bắt đầu thực hiện Đề án 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả của Chính phủ, số lượng HTX nông nghiệp cả nước đã tăng 6.088 HTX. Như vậy trong 4 năm qua, bình quân mỗi năm cả nước tăng khoảng 1.500 HTX. Tốc độ tăng về số lượng này cao gấp hơn 3 lần giai đoạn trước đó (2012-2016). Tỷ lệ HTX được đánh giá xếp loại khá, tốt hiện nay là khoảng 60%; loại trung bình chiếm 30%; còn lại 10% yếu kém.

Tuy nhiên, qua đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, hoạt động của HTX vẫn còn rất nhiều khó khăn tồn tại. Thực tế còn nhiều HTX có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít. Quá trình mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, tích lũy vốn, tài sản diễn ra chậm. Tổng số vốn, tài sản của HTX nông nghiệp khoảng 15.200 tỷ đồng, trung bình một HTX nông nghiệp chỉ có tổng số vốn, tài sản 871 triệu đồng. Nếu so với số vốn hoạt động của HTX nông nghiệp năm 2013 khoảng 702 triệu đồng/HTX thì thấy quá trình tích lũy vốn của HTX nông nghiệp diễn ra còn chậm.

Bên cạnh đó, số lượng thành viên trung bình của một HTX nông nghiệp nhỏ và có xu hướng giảm dần. Chính việc quy mô nhỏ, vốn thấp gây nhiều khó khăn cho HTX trong việc mở rộng hoạt động và phát triển hoạt động mới và trong việc đối ứng để tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhà nước. Vốn ít và tích lũy vốn chậm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tiếp cận vốn tín dụng của hợp tác xã nông nghiệp.

Điểm đáng chú ý, mặc dù trong những năm qua, tỷ lệ HTX tham gia vào chuỗi giá trị tăng đều hàng năm, nhưng còn ở mức thấp. Nhiều HTX có liên kết chuỗi giá trị nhưng tỷ lệ sản phẩm tham gia liên kết rất thấp, tỷ lệ HTX có hoạt động sau thu hoạch như sơ chế, chế biến và thương mại sản phẩm còn thấp. Chưa đến 10% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và hợp tác xã và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp.

Chia sẻ của HTX Thanh Bình Thabi Farm (Đồng Nai) cho biết, hiện nay, HTX đang phát triển theo hướng hữu cơ, chuẩn hữu cơ. Tuy nhiên, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong đồng bộ sản xuất. Đó là vườn trồng của các xã viên diện tích nhỏ, manh mún, không liên kết tạo thành cánh đồng… nên việc kiểm soát dịch bệnh, sử dụng các hoạt chất chưa có sự đồng nhất. HTX vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa phải lo công tác tiêu thụ. Về chuối, hiện, HTX có diện tích hơn 2.000 ha, sản lượng hàng năm có nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Chính vì vậy, HTX rất mong muốn, các đơn vị kết nối, doanh nghiệp có hệ sinh thái tốt liên kết với HTX xây dựng vùng trồng chuối tập trung; đồng thời, tổ chức lại sản xuất, đi đúng hướng theo yêu cầu của thị trường.

Theo bà Trần Huyền Anh, đại diện HTX nông nghiệp CHOA, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, HTX có 23 vùng nguyên liệu, với tổng diện tích hơn 10.000 ha. Sản phẩm chính của HTX là đặc sản bưởi Phúc Trạch. Tuy đạt được nhiều kết quả trong hoạt động sản xuất, nhưng hiện nay, HTX vẫn gặp khó khăn về kho vận, logistics trong quá trình đưa sản phẩm đến người dùng. Bên cạnh đó, bà Huyền Anh cho biết, năng lực quản trị để mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài cũng là một vấn đề HTX cần cải thiện. Đồng thời, HTX có nhu cầu ưu đãi về vốn nhằm đẩy mạnh sản xuất, cơ giới hóa,…

Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh

Với những khó khăn cố hữu còn tồn tại cùng với nhiều sự biến động trong thời gian qua, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình áp dụng công nghệ để các mặt hàng nông sản đến tay người tiêu dùng. Các HTX cũng không là ngoại lệ, khi cố gắng tự tìm tòi cho bản thân những hướng đi, cách làm mới để vượt qua khó khăn.

Theo chia sẻ của đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp và chế biến 19/5 Sơn La, trước dịch COVID-19, HTX có đơn hàng ổn định với các siêu thị, nhà hàng. Song hai năm qua, tình hình đã đổi khác. HTX phải chuyển tư duy kinh doanh từ “ăn ngon, mặc đẹp” sang “ăn chắc, mặc bền” do đối tác cũng phải căn cơ hơn. Theo đó, HTX này đang tận dụng phân thải của chăn nuôi để chăm sóc đồng ruộng. Các phụ liệu như hoa quả thừa, củ quả thừa cũng phải tận dụng với phương châm: đầu ra của chăn nuôi là đầu vào của trồng trọt. Ngăn cách do dịch bệnh cũng khiến HTX chuyển hướng tiêu thụ tại địa phương.

Đại diện HTX 19/5 nhấn mạnh, càng trong những lúc khó khăn, thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho HTX là rất quan trọng. Mặt khác, việc chuyển đổi số hóa sang dùng ứng dụng trên điện thoại hay kinh doanh trực tuyến là điều rất cần thiết để thích ứng với tình hình mới.

Thực tế đã có rất nhiều HTX trong thời gian vừa qua đã cố gắng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng nông nghiệp thông minh,…để vượt qua những tác động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giúp ổn định, tăng doanh thu cho HTX. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) cho biết, với tiềm năng, lợi thế từ đàn ong bản địa lớn, hàng năm cho năng suất mật cao. Đến cuối năm 2019, sản phẩm Mật ong Cường Nga đã được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng bằng việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, đặc biệt là tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp, việc kết nối giao thương của HTX vẫn diễn ra thuận lợi thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, qua đó tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về khoảng 3 tỷ đồng.

Tương tự, với HTX Rau quả sạch Chúc Sơn - một trong số ít HTX ở Hà Nội tiên phong trong việc phát triển chuỗi thực phẩm sạch gắn với nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do những khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ, HTX đã ứng dụng Công nghệ 4.0 eGap & eGap.vn, iMetos của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam nhằm phục vụ chuyển đổi số trong hệ thống HTX với các giải pháp đồng bộ như: nhật kí điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu HTX Rau quả sạch Chúc Sơn.

Nhờ việc phát triển đồng bộ các giải pháp gắn với chuyển đổi số nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các hệ thống giám sát minh bạch đến các sàn thương mại điện tử, bước đầu đã giúp cho nông dân của HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao tương tác giữa người nông dân với người tiêu dùng. Chính vì vậy, mặc dù thời gian qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng thực phẩm nhưng chuỗi sản xuất tiêu thụ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định. Doanh thu của HTX năm 2021 ước đạt khoảng 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.

Nhấn mạnh đến vai trò của việc áp dụng công nghệ về tem truy xuất thông minh trong hoạt động của HTX, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc áp dụng này có vai trò rất quan trọng trong việc giúp minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất, đồng thời, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, trong bối cảnh mới của kinh tế, xã hội cũng như thị trường trong nước, thế giới, các HTX cần phải chủ động thích ứng bằng nhiều giải pháp. Thứ nhất, cần đầu tư cho nguồn nhân lực; thứ hai, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Thứ ba, đổi mới tư duy trong kinh doanh và liên kết và cần tiếp tục mở rộng quy mô của các HTX thông qua nhiều giải pháp khác nhau, từ tăng thành viên đến việc kết hợp với các HTX khác trong cùng lĩnh vực để mở rộng kinh doanh và hợp tác trong các hệ sinh thái. Thứ tư, trong quá trình chuyển đổi, phát triển, các HTX cũng cần thay đổi tư duy trong liên kết với các doanh nghiệp đầu ra, cần phải tăng tính cam kết, chia sẻ giữa HTX và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, rất cần những hợp tác cụ thể, không chỉ là câu chuyện bán hàng mà còn là sự hỗ trợ, tương tác của hai bên trong việc xử lý vốn, xử lý công nghệ,…

Thực tế trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay, việc các HTX có nhiều thay đổi trong cách điều hành nội  bộ, sản xuất, kết nối với thị trường là điều cần thiết để tồn tại và tăng doanh thu, hiệu quả hoạt động. Đây cũng là những đòi hỏi cần thiết để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới. Trong đó, với việc ngày càng có nhiều HTX áp dụng sản xuất nông nghiệp thông minh, đẩy mạnh chuyển đổi số, hy vọng, trong tương lai không xa, HTX nông nghiệp sẽ ngày càng có nhiều chuyển biến mới, phát huy vai trò kết nối sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp./.