16/01/2025 lúc 07:10 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác giảm tác động của dịch tại Asean

VNHN - Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Hàn Quốc kêu gọi các nước Đông Á hợp tác chính sách để giảm tác động của dịch bệnh... là những tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

VNHN - Cập nhật tình hình Covid-19 tại ASEAN, Hàn Quốc kêu gọi các nước Đông Á hợp tác chính sách để giảm tác động của dịch bệnh... là những tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

 

Số ca mắc Covid-19 mới tiếp tục tăng tại nhiều nước Đông Nam Á.

Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính đến rạng sáng ngày 8/5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận 54.287 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tăng 1.494 ca so với 1 ngày trước. Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 1.804 người dân ở khu vực này, tăng 62 trường hợp so với một ngày trước đó. Bên cạnh đó, số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 13.834 trường hợp.

Indonesia là quốc gia ASEAN ghi nhận số ca tử vong trong vòng 24 giờ qua ở mức cao đáng lo ngại, với 35 ca. Đây là một trong những ngày có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất ở nước này và đâu cũng là nước có tổng số ca tử vong do Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á, với 930 trường hợp.

Indonesia ghi nhận thêm 338 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 7/5, qua đó nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên thành 12.776 người.

Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu “san phẳng” đường cong biểu đồ dịch Covid-19 tại Indonesia trong tháng 5 này và khống chế các ca nhiễm mới trong tháng 6 tới.

Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 339 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 10.343 người. Philippines cũng ghi nhận 27 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người tử vong lên 685. Ngoài ra, đã có thêm 112 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 1.618 người.

Thái Lan ngày 7/5 xác nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào vì căn bệnh này. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố tất cả các lĩnh vực công và tư nhân ở nước này phải tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ, nếu không chính phủ sẽ tái áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Bộ Y tế Singapore ngày 7/5 ghi nhận 741 ca mắc bệnh Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 20.939 người. Tổng số bệnh nhân tử vong hiện nay tại Singapore là 20 người.

Giới chuyên gia Singapore dự báo số ca mắc Covid-19 ở nước này có thể lên tới 40.000 ca vào cuối tháng 5, mặc dù các biện pháp kiểm soát hiện nay sẽ giúp tình hình lây nhiễm không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Malaysia ghi nhận thêm 39 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 6.467 người. Số liệu mới nhất cho thấy, từ chỗ là một điểm nóng dịch Covid-19 ở Đông Nam Á hồi tháng 3, đến nay Malaysia đang không chế hiệu quả dịch bệnh, khi số ca tử vong và mắc bệnh đều giảm mạnh những ngày qua.

Lào và Campuchia là những nước ASEAN không ghi nhận ca Covid-19 nào trong 1 ngày qua. Myanmar ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 176.

Trong ngày 7/5, Việt Nam ghi nhận 17 ca mắc mới. Tuy nhiên, tất cả các ca này đều là những trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng.

(TGVN/TTXVN)

Hàn Quốc kêu gọi các nước Đông Á hợp tác chính sách để giảm tác động của dịch

Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 7/5 ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Đông Á tăng cường hợp tác chính sách nhằm giảm thiểu tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong tuyên bố, ông Han Kyeong-ho, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính, cũng là đồng Chủ tịch Mạng lưới quản lý chi tiêu công ở châu Á (PEMNA) đã đưa ra lời kêu gọi trên trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức kinh tế cấp cao của 14 quốc gia trong khu vực.

Theo ông Han, chính sách tài chính đóng vai trò then chốt đối với Hàn Quốc trong ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Han cho rằng các quốc gia trong khu vực cần phải thúc đẩy hợp tác chính sách nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế sau thời kỳ suy giảm do dịch bệnh.

PEMNA có 14 nước thành viên gồm 10 quốc gia ASEAN cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Timor Leste và Mông Cổ.

(Yonhap)

Hoa quả nhập khẩu từ Thái Lan, tại một kho ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Thương mại ASEAN-Trung Quốc nở rộ trong thời kỳ khó khăn

Các chuyên gia và quan chức cho biết, những ưu đãi về kinh tế, chi phí vận chuyển thấp hơn và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sắp tới sẽ mở rộng đáng kể thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm nay.

Theo đó, hiện nay ASEAN đang là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, thay thế vị trí của Liên minh châu Âu (EU) trong quý đầu của năm 2020. Kim ngạch thương mại giữa 2 bên đã đạt 139,77 tỷ USD trong quý đầu tiên và chiếm 15,1% tổng khối lượng thương mại toàn cầu của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Ngoài ra, theo số liệu của hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 14,8 tỷ USD các sản phẩm mạch tích hợp từ thị trường ASEAN trong 3 tháng đầu năm nay, chiếm 23,4% tổng nhập khẩu từ khối.

Fang Aiqing, Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế của Ủy ban Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, vẫn còn quá sớm để kết luận liệu ASEAN có thể vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong một thời gian dài hay không.

Tuy nhiên, do khoảng cách đại lý gần, cơ cấu công nghiệp bổ sung cho nhau cùng với hiệp định RCEP sẽ được ký vào cuối năm nay, ông Fang dự đoán rằng việc ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho Trung Quốc và ASEAN để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại, mà cũng tạo ra động lực trong đầu tư, du lịch, ứng phó khẩn cấp công cộng và kết nối khu vực.

(China Daily)

Thị trường ô tô ở ASEAN giảm mức kỷ lục

Doanh số bán xe mới ở Đông Nam Á đã giảm 40% vào tháng 3, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong thập kỷ qua. Doanh số trong quý đầu tiên của năm giảm 21%. Các nhà sản xuất ô tô chỉ bán được 196.802 xe tại 6 thị trường hàng đầu của khu vực trong tháng này do đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, do sản xuất ô tô ở khu vực về cơ bản đã dừng lại vào tháng trước, doanh số bán hàng trong tháng 4 có thể giảm thê thảm hơn tháng này.

Tại Thái Lan, một trong những thị trường lớn nhất của khu vực, doanh số giảm 42% xuống còn 60.105 xe trong tháng 3. Thu nhập của nhiều người Thái đã thấp hơn sau khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 26/3.

Philippines chịu mức giảm lớn nhất ở mức 67%, chỉ có 12.104 xe được bán trong tháng 3. Luzon, hòn đảo lớn nhất của đất nước và nơi thủ đô Manila tọa lạc, đã áp đặt lệnh giãn cách xã hội vào ngày 17/3, khiến các đại lý ô tô đóng cửa.

Malaysia ra lệnh hạn chế xã hội vào ngày 18/3, cắt giảm doanh số ô tô 59% trong tháng xuống còn 22.478 xe. Indonesia, thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, có sự giảm nhẹ hơn so với các nước láng giềng. Doanh số tháng 3 giảm 15% trong năm xuống còn 76.800 xe.

(Nikkei)