11/01/2025 lúc 06:15 (GMT+7)
Breaking News

Hội Thính học Việt Nam: Vì con người, cho con người

Có một thực tế ở cả Việt Nam và trên thế giới, số người bị suy giảm thính lực (khiếm thính) vẫn ngày một tăng, và đặc biệt không chỉ ở người cao tuổi, mà cả ở những người trẻ tuổi, bao gồm trẻ em và trẻ sơ sinh. Khiếm thính không phải là bệnh mà là biểu hiện của rất nhiều bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khiếm thính không phải là vô phương cứu chữa nhưng chi phí thì rất tốn kém cả về tiền của và thời gian.

Tỷ lệ bệnh nhân được chữa trị khiếm thính vẫn còn rất thấp, chủ yếu do không đủ điều kiện tài chính để được dùng Thiết bị trợ thính hoặc cấy ghép Ốc tai điện tử… Đây cũng là những người thuộc nhóm đối tượng yếm thế rất cần có được sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, mà ở đây là chính sách Bảo hiệm xã hội và Bảo hiển y tế đối với họ.

Một trong những người rất quan tâm đến các bệnh nhân khiếm thính và vấn đề chính sách đối với họ, là PGS-TS Nguyễn Tuyết Xương – Trưởng khoa Tai – Mũi – Họng bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam.

Trước thềm Xuân mới Giáp thin – 2024, Tạp chí Việt Nam hội nhập đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Tuyết Xương về vấn đề thiết thực này. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS,TS,BS Nguyễn Tuyết Xương - Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam

PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Tuyết Xương Xin ông cho biết thực trạng về khiếm thính hiện nay

PGS-TS-BS Nguyễn Tuyết Xương:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 5% dân số toàn cầu (khoảng 460 triệu người) bị suy giảm thính lực trong đó 36 triệu là trẻ em. Ước tính tới năm 2050, sẽ có khoảng 900 triệu người trên thế giới bị nghe kém. Ở Việt Nam ta, theo số liệu của Tổng cục Thống kê về Dân số và Nhà ở, hiện có khoảng 2,5 triệu người điếc/nghe kém. Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, chúng ta có khả năng khám sàng lọc và chẩn đoán được khiếm thính cho trẻ sơ sinh, thậm chí là trước sinh. Tuy nhiên việc can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính gặp không ít khó khăn. Thực trạng đó không chỉ gây khó khăn, hạn chế lớn trong cuộc sống, công việc và sinh hoạt hàng ngày đối với bản thân người bị khiếm thính, mà còn làm suy giảm khả năng làm việc, học tập của một bộ phận lực lượng lao động trong xã hội.

Có nhiều nguyên nhân gây khiếm thính gồm nguyên nhân “bẩm sinh”,  và mắc phải. Ngày nay người ta đã xác định được các đột biến gen gây khiếm thính, cũng như các yếu tố nguy cơ gây khiếm thính cho trẻ em, người lớn và cả người cao tuổi.

Hội nghị Tai - Thính học toàn quốc lần II do Hội Thính học Việt Nam tổ chức tại TP Nha Trang (tháng 6/2023)

PV:  Một trong những khó khăn lớn đối với người khiếm thính, nhất là đối với bệnh nhân trẻ em và người cao tuổi, chính là vấn can thiệp, do chi phí lớn, vượt quá khả năng tài chính của rất nhiều người. Mong muốn chung là Bảo hiểm y tế cần có quy định về việc hỗ trợ chi trả chi phí chữa bệnh cho người khuyết tật nói chung và bệnh nhân khiếm thính nói riêng. Phó Giáo sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

PGS-TS-BS Nguyễn Tuyết Xương:

Ở Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu người bị khiếm thính. Họ cũng là một lực lượng lao động đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cần được bảo đảm về mặt an sinh. Song , trên thực tế việc tiếp cận với các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) nói chung và bảo hiểm y tế (BHYT) nói riêng của nhóm đối tượng này vẫn còn rất hạn chế.

Hiện nay, các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng thính giác không được thanh toán bảo hiểm y tế. Người khiếm thính khi sử dụng các thiết bị trợ thính cung không được bất cứ bảo hiểm nào ( bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm sức khỏe…) thanh toán.

Trên thực tế, chính sách BHXH chưa có mục nào đề cập đến BHXH cho người khuyết tật mà gần như tất cả đều đẩy về phần trợ cấp xã hội. Người khuyết tật đã cố gắng tham gia đóng góp cho xã hội thì chúng ta phải cho họ hưởng quyền lợi nhiều hơn. Cần phải tích cực tuyên truyền về chính sách BHXH để cho người khuyết tật nắm được quyền lợi của họ nếu tham gia BHXH.

Để nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho người khuyết tật, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật (từ 30% trở lên) được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh, …Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là nhận thức về tầm quan trọng của BHXH trong việc ổn định cuộc sống người lao động khuyết tật. Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật về việc thực hiện đóng BHXH cho người lao động, trong đó có lao động là người khuyết tật.

Thực tế đối với người khiếm thính, để có thể nghe được, phải dùng máy trợ thính hoặc được cấy ghép ốc tai điện tử… Tuy nhiên, phần lớn trong số họ lại không có khả năng kinh tế để có thể được sử dụng những tiến bộ khoa học mới nhất đó của y học trong lĩnh vực điều trị khiếm thính. Trong trường hợp này, nếu có sự  chi trả ( toàn bộ hoặc một phần ) thông qua chính sách BHYT đối với người khuyết tật – khiếm thính thì hàng triệu người khiếm thính sẽ có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường. Điều đó sẽ thể hiện đầy đủ hơn chính sách nhân đạo, nhân văn, vì con người của Đảng và Nhà nước ta.

PGS,TS,BS Nguyễn Tuyết Xương - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam chia sẻ chuyên môn cùng các đồng nghiệp

PV: Hội Thính học Việt Nam tuy thành lập đến nay mới được gần 2 năm, nhưng đã triển khai được rất nhiều hoạt động hữu ích, nhất là các hoạt động khoa học chuyên sâu, đóng góp tích cực vào lĩnh vực Thính học nói chung và sự phát triển của Hội nói riêng. Với cương vị Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam, Phó giáo sư có thể khái quát những thành quả đó, cũng như kế hoạch hoạt động trong năm 2024 của Hội?   

PGS-TS-BS Nguyễn Tuyết Xương: Được thành lập ngày 08/4/2022, đến nay Hội Thính học Việt Nam đi vào hoạt động mới gần 2 năm. Nhưng Hội Thính học Việt Nam đã có nhiều cố gắng, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện về tổ chức, Hội đã triển khai nhiều hoạt động hữu ích đóng góp vào việc phát triển lĩnh vực Thính học nói chung và phát triển Hội Thính học Việt Nam nói riêng. 

Bên cạnh việc giúp đỡ người khiếm thính trong khám và điều trị, Hội tích cực tổ chức các Hội nghị khoa học trong nước và quốc tế về Tai - Thính học; Tổ chức hội thảo chuyên đề về Thính học; Tổ chức Hội nghị Thính học quốc tế tại Việt Nam; các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho các kỹ thuật viên thính học toàn quốc. Đặc biệt, Hội đã phối hợp tổ chức được 2 khóa Phẫu tích xương thái dương cho các bác sĩ phẫu thuật viên; Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao về Thính học... Những hoạt động như vậy của Hội đã tạo tiền đề cho sự phát triển chuyên ngành và góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sỹ chuyên ngành tai - thính học, phục vụ tốt hơn việc điều trị các bệnh về khiếm thính và liên quan.

Hội nghị Tai – Thính học toàn quốc là sự kiện thường niên do Hội Thính học Việt Nam tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các y, bác sĩ đang hoạt động chuyên ngành Tai- Thính học được cập nhật, nâng cao kiến thức, từ đó ứng dụng vào thực tế, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Tại các Hội nghị Tai – Thính học toàn quốc (lần 1 và lần 2), nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã mang đến những báo cáo khoa học chất lượng về các vấn đề thuộc lĩnh vực Tai – Thính học trong hệ thống bệnh lý chung hiện nay… Qua đó góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Tai – Thính học cho người dân trên cả nước.

Đối với các Lớp Phẫu tích Xương Thái dương, các học viên được nghe các giảng viên truyền đạt một số kiến thức cũng như kinh nghiệm khi thực hành phẫu tích xương thái dương. Qua đó mang đến cho học viên những kiến thức rất thiết thực, đặc biệt là những kinh nghiệm quý giá của lĩnh vực này nhằm phục vụ tốt hơn người bệnh.

Hội Thính học Việt Nam cũng thành lập các chi hội ở địa phương nhằm giúp đỡ các đồng nghiệp trong việc phát hiện và can thiệp sớm trẻ khiếm thính, trao tặng máy sàng lọc khiếm thính cho các tỉnh khó khăn…

PGS,TS,BS Nguyễn Tuyết Xương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội nghị Khoa học Tai - Thính học

Thời gian tới, Hội Thính học Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị để tổ chức nhiều khóa học chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại hơn, số lượng phẫu tích nhiều hơn để đáp ứng hơn nữa nhu cầu tham gia lớp học của các học viên, nhằm thực hiện tốt hơn một trong những chức năng nhiệm vụ hàng đầu của Hội  là nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sỹ, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên cả nước về chuyên ngành tai - thính học.

PV: Xin cảm ơn PGS-TS Nguyễn Tuyết Xương. Chúc ông và gia đình một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc cùng những thành công mới trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

VNHN