VNHN - Trong xu thế toàn cầu hóa và cục diện thế giới đang có sự xoay trục, chuyển hướng mạnh mẽ như hiện nay, công tác đối ngoại của Việt Nam có vai trò hết sức to lớn đến định hướng phát triển đất nước.
Thành công trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua là không thể phủ nhận, song các thế lực thù địch, phản động vẫn cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu và vai trò của ngoại giao Việt Nam hiện nay. Đây là những luận điệu bịa đặt cần phải lên án và bác bỏ.
Vai trò to lớn, không thể phủ nhận của ngoại giao Việt Nam
Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, công tác đối ngoại có tầm quan trọng đặc biệt giúp phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn ngoại lực, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và phát triển bền vững đất nước. Trước đây, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, coi đối ngoại cùng với chính trị, quân sự và binh vận tạo thành mặt trận tổng hợp chống quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Quân sự như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, tiếng có to thì mới vang được xa. Ngoại giao đã góp phần to lớn vào thắng lợi của Hội nghị Paris về Việt Nam năm 1973.
Cũng nhờ các hoạt động đối ngoại đa phương, đa dạng, kiên quyết nhưng mềm dẻo, linh hoạt của Đảng và Nhà nước ta những năm qua đã nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói, ngoại giao Việt Nam chính là ngành đi đầu, đóng góp tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ những nguồn lực bên ngoài để phục vụ tốt nhất cho đất nước.
Thời cơ và thách thức mới đặt ra với ngoại giao Việt Nam hiện nay
Về thời cơ mới, đó là vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng đã tạo lợi thế to lớn cho chúng ta trong điều kiện các nước lớn tranh giành ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế hiện nay. Chúng ta còn có những thế mạnh mà nhiều quốc gia khác không dễ có hòa bình, chính nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tinh thần hòa hiếu và trách nhiệm trong quan hệ quốc tế. Chúng ta có sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cơ chế thống nhất quản lý công tác đối ngoại ngày càng hoàn thiện; sự phối hợp ngày càng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương với ngành ngoại giao hình thành nên mặt trận đối ngoại toàn diện và thống nhất. Năng lực của đội ngũ cán bộ ngoại giao ngày càng được nâng cao nhờ công tác đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống và kinh nghiệm tích lũy được qua hơn 30 năm đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh, nhất là số lượng trí thức, du học sinh ngày càng đông và luôn hướng về Tổ quốc, có đóng góp ngày càng quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia nơi mình sinh sống.
Về các thách thức mới nổi lên, đó là bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn; sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Kinh tế đối ngoại gặp những thách thức mới khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của ta, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu, vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương, một số cơ chế đa phương mới lại có xu hướng phục vụ cạnh tranh nước lớn.
Sự khác biệt về ý thức hệ vẫn là rào cản ảnh hưởng đến chất lượng hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Bên cạnh đó là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã gây không ít khó khăn, thách thức cho chúng ta. Rồi, sự thoái hóa, biến chất, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là những nhân tố cản trở sự phát triển của ngoại giao Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra với công tác đối ngoại thời gian tới
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại theo hướng dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế nhằm xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương.
Hai là, tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.
Ba là, thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển bền vững của đất nước.
Bốn là, hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, tập trung đánh giá kỹ các xu hướng vận động trong chính sách và quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, khu vực, các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên thế giới và khu vực.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành ngoại giao “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Như vậy, ngoại giao Việt Nam thời gian tới mặc dù gặp không ít thách thức, song thời cơ vẫn là cơ bản, chủ yếu. Vì vậy, nắm bắt thời cơ, hóa giải để vượt qua thách thức là yêu cầu nhiệm vụ sống còn của ngành ngoại giao. Đó cũng là câu trả lời đanh thép nhất đập tan các luận điệu xuyên tạc, phản động về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.