03/05/2024 lúc 06:23 (GMT+7)
Breaking News

Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng Sâm Lai Châu

Sáng nay (12/11), UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng Sâm Lai Châu tại Trung tâm Thương mại tỉnh. Các đồng chí Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT và Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội nghị.
Các đồng chí Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT và Dương Đình Đức, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của các đại biểu khách quý: Các đồng chí đại diện Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu Lâm sinh Bộ Nông nghiệp và PTNT; Viện Dược liệu – Bộ y tế; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Các đại biểu tỉnh bạn là các đồng chí lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PNTN tỉnh Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai; Các đồng chí đại diện Lãnh đạo các Ban Đảng tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; Sở, ban, ngành tỉnh; Lãnh đạo các huyện, thành phố; các Hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm đến phát triển Sâm Lai Châu; các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương.

Đồng chí Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu

Thực hiện Kế hoạch số 3857 ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển vùng Sâm Lai Châu nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân để sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển cây Sâm Lai Châu và các sản phẩm từ Sâm Lai Châu, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Đại biểu các bộ, ngành, doanh nghiệp phát biểu tham luận tại hội nghị.

Theo báo cáo hiện trạng, tiềm năng chính sách hỗ trợ và kế hoạch, định hướng phát triển Sâm Lai Châu, trải qua gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển, đến nay tỉnh Lai Châu đã thực hiện bảo tồn được ba vườn cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây giống được trên 21 nghìn cây giống đầu dòng.

Sâm Lai Châu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Tỉnh Lai Châu đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc thu hoạch, sơ chế và bảo quản Sâm Lai Châu, xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sâm Lai Châu cho sản phẩm củ tươi trồng tại địa phương…

Sâm Lai Châu là cây bản địa chỉ phân bổ tự nhiên trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao. Tỉnh Lai Châu trên 30 nghìn ha diện tích có độ cao, khí hậu phù hợp phát triển cây sâm, tập trung tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Người dân địa phương có nhiều kinh nghiệm, kiến thức bản địa trong việc canh tác nuôi trồng dược liệu, thị trường tiêu thụ của cây sâm rất tiềm năng…

Trao chứng nhận Đại sứ du lịch Lai Châu cho Á Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 Huỳnh Phạm Thủy Tiên và Đại sứ thương hiệu Sâm Lai Châu cho Hoa hậu quốc tế Việt Nam 2016 Emily Hồng Nhung

Về chính sách, ngoài những chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ phát triển nuôi trồng khai thác dược liệu, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… của trung ương; tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển Sâm Lai Châu, hỗ trợ chi phí mua giống, phân bón, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.

Hoa hậu Du lịch quốc tế Việt Nam 2016 Emily Hồng Nhung phát biểu tại hội nghị.

Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn ha, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu… đến năm 2045, mở rộng vùng trồng lên trên 10 nghìn ha, xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm…

Từ thực trạng, tiềm năng và những định hướng trên, các đại biểu tham gia Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để phát triển sâm Lai Châu bền vững, tạo ra giá trị cao cho địa phương và cơ hội vươn lên cho đồng bào.

Theo đó, quá trình phát triển sâm Lai Châu cần phải phù với xu hướng phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, phát triển sâm phải gắn với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội khác liên quan; cần đưa chuỗi giá trị vào để sâm Lai Châu phát triển được bền vững.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển Sâm Lai Châu giữa tỉnh Lai Châu và các đơn vị, doanh nghiệp.

Song song với việc quan tâm đến các chính sách, các giải pháp, các đại biểu cũng tham gia ý kiến, chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm hiện nay của một số địa phương, quốc gia từ đó nhìn vào sâm Lai Châu, cũng như những khó khăn, vướng mắc của người trồng sâm, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, về giống… và đặc biệt là rào cản pháp lý trong quá trình phát triển cây sâm.

Tại hội nghị này, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Sâm Lai Châu và một số công ty, tập đoàn lớn chuyên về dược liệu của Việt Nam. Một số địa phương của Lai Châu cũng đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về đầu tư phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn.

...