Ngày 24/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Đây là Hội nghị trực tuyến có quy mô toàn quốc với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trên cả nước.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với chủ trương, phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Ảnh minh họa
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung cao và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các dự án, dự thảo văn bản, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh.
Công tác rà soát, hoàn thiện, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được đặc biệt quan tâm tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng. Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu rà soát, kiểm điểm nhắc nhở các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo ngày càng quyết liệt hơn trong công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc như: Công thư số 160/LĐCP ngày 16/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; các chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ ở các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dưng pháp luật.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã quan tâm nhiều hơn, dành nhiều nguồn lực hơn và trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và thi hành pháp luật ở bộ, ngành mình, thường xuyên đôn đốc nhắc nhở các đơn vị hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các dự thảo văn bản, xử lý những đơn vị chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hơn trong việc tổ chức thi hành pháp luật tại bộ, ngành thuộc quyền quản lý.
Theo chương trình, tại hội nghị lần này, Chính phủ sẽ nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 – 2020.
Đồng thời, hội nghị sẽ nghe tham luận của các cơ quan của Quốc hội, ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị về các nội dung liên quan đến các chủ đề lớn như: Công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện phản biện xã hội trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật; cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ;... và những nội dung quan trọng khác.
Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu tổng kết hội nghị, chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ cụ thể về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật thời gian tới.
Với quy mô, tính chất, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị, sự quam tâm chỉ đạo đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật sau hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đi vào chiều sâu chất lượng, thực chất và hiệu quả hơn, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội của đất nước./.