VNHN - Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6, các nhà lãnh đạo G20 đã có cuộc họp đặc biệt đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số.
Ảnh: Báo Công thương
Sau lễ đón chính thức, lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận chuyên đề về kinh tế số do Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo chủ trì. Tại phiên thảo luận này, lãnh đạo các nước tham dự đã thông qua Tuyên bố Osaka về Kinh tế số; nhấn mạnh tiềm năng to lớn và tầm quan trọng của kinh tế số; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, tranh thủ tối đa lợi ích của kinh tế số và các công nghệ mới nổi, đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn trong kinh tế số.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khẳng định số hóa đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại không thể thiếu việc xây dựng những quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng cần xây dựng những quy tắc nền tảng của thế giới thúc đẩy cách tân công nghệ và xây dựng những khu vực lưu thông dữ liệu tự do có thể tin cậy. Bên cạnh đó, ông mong muốn các bên đạt được những tiến bộ thực chất về kinh tế số tại Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kinh tế số đang ngày càng phát triển và thế giới cần xây dựng một thị trường, môi trường công bằng. Trung Quốc mong muốn tiếp tục mở cửa thị trường, hợp tác quốc tế một cách tích cực với tư cách là một nước có nền kinh tế số lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh kinh tế số của nước này bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư và lưu thông dữ liệu một cách tự do, hỗ trợ cải cách công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn. Đề cập hệ thống viễn thông thế hệ 5G, ông Trump cho rằng dựa trên việc mở rộng thương mại số cần bảo đảm tính an toàn của mạng 5G.
Sau hội nghị bên lề về kinh tế số, các nhà lãnh đạo bắt đầu bước vào phiên thảo luận chính đầu tiên về đầu tư, thương mại và kinh tế số.
Các nhà lãnh đạo đánh giá kinh tế thế giới cơ bản ổn định, song tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại trên thế giới đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo nhiều nước đề cao hợp tác quốc tế, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy cải cách WTO, duy trì và củng cố hệ thống thương mại đa phương; tăng cường hợp tác huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…
Phát biểu tại phiên họp này, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Một nền kinh tế mở và tự do là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng. Quan ngại và bất mãn về những thay đổi nhanh chóng do toàn cầu hóa gây ra đã dẫn tới sự cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ và các xung đột nghiêm trọng giữa các nước. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại lẫn nhau không có lợi cho bất cứ quốc gia nào”. Vì vậy, Thủ tướng Abe cho rằng G20 cần phát đi thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do, công bằng và không phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, theo ông Abe, Nhật Bản muốn G20 tăng thêm động lực cho việc cải tổ WTO.
Thủ tướng Nhật Bản cũng lưu ý về các rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời kêu gọi G20 sử dụng tất cả các công cụ chính sách để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu.