Vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức thảo luận mở về “Bảo vệ nhân viên gìn giữ hòa bình: Công nghệ và gìn giữ hòa bình” (GGHB) do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar chủ trì. Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã tham dự và phát biểu tại cuộc họp.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức thảo luận mở về “Bảo vệ nhân viên gìn giữ hòa bình: Công nghệ và gìn giữ hòa bình”.
Tổng Thư ký LHQ cho rằng, các cuộc xung đột trong những thập niên gần đây có xu hướng kéo dài, phức tạp với các chủ thể tham chiến ngày càng đa dạng, sử dụng vũ khí chiến tranh ngày càng tối tân, trong khi biến đổi khí hậu, yếu kém kinh tế-xã hội tiếp tục làm gia tăng xung đột và gây tổn thất cho người dân.
Trong bối cảnh đó, công nghệ số được xem là một trong những cơ hội lớn nhất, nhưng cũng là thách thức lớn nhất của thời đại hiện nay. Ông Guterres cho rằng công nghệ số đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối các cộng đồng, thúc đẩy y tế, giáo dục, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cũng như trong các hoạt động GGHB.
Công nghệ mới có tiềm năng giúp cho việc triển khai các hoạt động GGHB được an toàn, hiệu quả hơn, nhưng cũng cần được quản lý một cách có trách nhiệm. Bên cạnh các cơ hội, công nghệ mới cũng có những thách thức to lớn như truyền bá tư tưởng cực đoan, thông tin sai lệch, tấn công mạng, làm lu mờ ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, gia tăng nguy cơ xung đột, do đó các chính phủ cần tăng cường hợp tác quản lý.
Tổng Thư ký LHQ cũng nêu một số nỗ lực về thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động GGHB, nổi bật là việc thông qua chiến lược chuyển đổi số của lực lượng GGHB gần đây.
Các nước thành viên HĐBA LHQ cho rằng hoạt động GGHB LHQ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức trong các bối cảnh xung đột phức tạp.
Điều này đòi hỏi cần có các biện pháp tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ của phái bộ GGHB, bảo đảm an toàn, an ninh cho nhân viên GGHB, bảo vệ thường dân, hỗ trợ y tế… trong đó công nghệ có tiềm năng to lớn.
Tuy nhiên, nhiều nước nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ trong hoạt động GGHB cần chú trọng yếu tố trách nhiệm, phù hợp, đáng tin cậy, tiết kiệm, với các khung quy định rõ ràng và rà soát thường xuyên để phù hợp với những thay đổi của tình hình.
Một số nước cũng cho rằng việc sử dụng công nghệ cần đáp ứng các nguyên tắc về GGHB và tôn trọng chủ quyền của các nước tiếp nhận.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng hoạt động GGHB ngày càng thể hiện là một trong những công cụ quan trọng của LHQ nhằm thúc đẩy, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặt ra yêu cầu bảo đảm các công cụ cần thiết để tạo điều kiện cho nhân viên GGHB hoàn thành sứ mệnh và hạn chế các thách thức.
Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, việc sử dụng công nghệ trong GGHB có khả năng tăng cường an toàn và an ninh của nhân viên GGHB, hiệu quả thực hiện sứ mệnh của hoạt động GGHB, cần được đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng tại thực địa và trụ sở LHQ, cũng như liên tục qua các giai đoạn cử quân.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong GGHB cũng cần cân nhắc đến tính hữu dụng, thực tế, hiệu quả, khả năng chia sẻ và tiếp cận công nghệ một cách an toàn, sự phù hợp với năng lực công nghệ và đào tạo công nghệ của mỗi nước cử quân, cách thức lựa chọn và ứng dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất trong các bối cảnh GGHB khác nhau.
Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh nỗ lực gần đây của Ban Thư ký LHQ và nhiều nước cử quân trong áp dụng công nghệ và đề nghị các nuớc tiếp tục trao đổi, hợp tác, thông qua trao đổi với Ban Thư ký LHQ, tại HĐBA cũng như các diễn đàn liên quan của LHQ nhằm tìm kiếm biện pháp hiệu quả tăng cường ứng dụng các công nghệ sẵn có, công nghệ mới trong hoạt động GGHB, hướng tới bảo đảm an toàn, an ninh của nhân viên GGHB, thực hiện thành công sứ mệnh của phái bộ, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc của hoạt động GGHB, phù hợp luật pháp quốc tế, chủ quyền của quốc gia liên quan.
Cũng tại cuộc họp, HĐBA đã nhất trí thông qua Nghị quyết về đấu tranh chống tình trạng bỏ qua các hành vi phạm tội nhằm vào lực lượng GGHB (Nghị quyết 2589) và đồng thuận thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Công nghệ và GGHB.
Nghị quyết 2589 kêu gọi các nước tiếp nhận thúc đẩy truy cứu kẻ phạm tội giết hại và mọi hình thức bạo lực chống lại nhân viên GGHB, ghi nhận sự cần thiết hỗ trợ các nước tiếp nhận trong nỗ lực này và kêu gọi hợp tác với các phái bộ tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh cho nhân viên GGHB.
Nghị quyết cũng kêu gọi Tổng Thư ký LHQ cập nhật, trong các báo cáo về phái bộ GGHB, báo cáo toàn diện hàng năm, về tình hình ngăn chặn, điều tra, xét xử các tội nhằm vào nhân viên GGHB, các biện pháp trong hệ thống tư pháp quốc gia về thúc đẩy truy cứu trách nhiệm, và các biện pháp của LHQ nhằm theo dõi tiến độ các vụ vi phạm và ủng hộ nỗ lực của các nước thành viên thúc đẩy truy cứu trách nhiệm.
Nghị quyết đồng thời đề nghị thiết lập một cơ sở dữ liệu trực tuyến về tội ác chống lại nhân viên GGHB.
Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về Công nghệ và GGHB ghi nhận nhân viên GGHB ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy hiểm, bị tấn công và giết hại, trong bối cảnh đó, công nghệ có tiềm năng tăng cường an toàn và an ninh của nhân viên GGHB, thực hiện sứ mệnh phái bộ một cách hiệu quả, thúc đẩy hoạt động, thiết kiệm nguồn lực và nâng cao nhận thức tình hình.
Qua Tuyên bố Chủ tịch, các nước thành viên HĐBA khuyến khích tăng cường lồng ghép các công nghệ sẵn có, công nghệ mới trong hoạt động GGHB, đặc biệt tập trung vào các công nghệ thực địa, đáng tin cậy, tiết kiệm, phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, đồng thời khuyến khích các nỗ lực tăng cường sự sẵn sàng và hoạt động của nhân viên GGHB sử dụng công nghệ và dịch vụ tiêu chuẩn.
HĐBA cũng khuyến khích Tổng Thư ký LHQ tiếp tục phối hợp với các nước thành viên LHQ nghiên cứu các công nghệ hiện có và công nghệ tương lai, kinh nghiệm thực tiễn đóng góp vào nỗ lực bảo đảm an toàn và an ninh của nhân viên GGHB, và cập nhật trong các báo cáo định kỳ của Tổng Thư ký LHQ thông tin về việc sử dụng công nghệ trong phái bộ GGHB.