17/09/2024 lúc 03:05 (GMT+7)
Breaking News

Hội Cựu chiến binh Liên quân: Hành trình “thăm lại chiến trường xưa” và giá trị của lòng tri ân

Như đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, mỗi khi đến tháng 7 – Tháng tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công với nước, rất nhiều đoàn cán bộ, cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại hành hương về thăm lại chiến trường xưa, với lòng tri ân đáng quý.

Với Hội Cựu chiến binh Liên quân cũng vậy. Nhưng hành trình thăm lại chiến trường xưa của Hội lần này (được tổ chức từ ngafy22/7 đến có phần khác những lần trước. Bởi sau một thời gian dài phải thực hiện dãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, năm 2023 này các anh chị mới có dịp thực hiện tâm nguyện của mình “thăm lại chiến trường xưa”, nơi hàng ngàn đồng đội đã nằm lại trong các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc; nơi mà mấy chục năm về trước, chiến tích oanh liệt của mỗi cuộc chiến luôn gắn liền với nỗi đau mất mát, hy sinh của những con người quả cảm, để đất nước có được cuộc sống hòa bình hôm nay.

Đoàn Hội Cựu chiến binh Liên quân do Trung tá Nguyễn Thế Minh, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Chuyến đi đã đưa các anh các chị đến giữa mênh mông đại ngàn, trong vi vu tiếng gió, thấm đẫm kỷ niệm về một thời chiến đấu đầy gian khổ hy sinh mà oanh liệt vô cùng. Thời tại ngũ không thể nào quên ấy, có thể mỗi anh chị có nhiệm vụ khác nhau, quân binh chủng khác nhau: Người thì cầm súng trực tiếp chiến đấu, người thì trong lực lượng phục vụ chiến đấu, người thì là nghệ sĩ quân đội mang đến cho những người lính trên trận địa nguồn động viên cổ vũ quý báu với “tiếng hát át tiếng bom”… Nhưng cái chung của họ là được phục vụ trong quân đội trong những năm tháng cả nước ra trận, tất cả vì miền Nam ruột thịt với lý tưởng cao cả là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.  

Hôm nay, trong chuyến “Thăm lại chiến trường xưa”, các anh chị lại có dịp thăm và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn - nơi an nghỉ của 10.363 liệt sĩ, mà phần lớn trong số đó là những chiến sĩ Đoàn 559 anh hùng - những chàng trai đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ đã chiến đấu và anh dung hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ các liệt sỹ, những năm tháng của một thời máu lửa Trường Sơn lại hiện về trong ký ức nhiều cựu chiến binh: Vạt rừng kia/những binh trạm, những con đường, những đoàn quân nào… từng qua, từng ở?/Dưới mưa bom tọa độ của kẻ thù/ Những con người mang khát vọng dấn thân/ Anh và chị - ai đã hy sinh ở đó?/ Máu đổ, cháy xe, chất độc mịt mùng…/Không ngăn được những con tim rực lửa… Nhờ lòng quả cảm ấy mà chúng ta có cuộc sống hòa bình hôm nay, có được Một Trường Sơn huyền thoại/ một Trường Sơn lịch sử khắc ghi/ Một kiệt xuất của chiến tranh cách mạng/ của ý chí con người, bất chấp cả đạn bom… Ngọn lửa hồng không bao giờ tắt ấy, có cả sự đóng góp của những cựu chiến binh hiện diện trong hành trình về chiến trường xưa hôm nay.  

Các cựu chiến binh thăm dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, nơi từng diễn ra một trong những trận đánh khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến, trong suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972, chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng ngàn người con ưu tú của quê hương đất nước bất chấp hàng vạn tấn bom đạn kẻ thù dội xuống trong mảnh đất vẻn vẹn có 2km2… Hôm nay về thăm lại, thắp nén tâm nhang cho những người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng, điều mà các cựu chiến binh trăn trở chính là không có ngôi mộ thực nào của những liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ. Thật khó có thể hình dung và diễn tả hết những khốc liệt của chiến tranh trong trận đánh này. Thân xác các anh đã hòa vào lòng đất mẹ, vào nước sông Thạch Hãn… Đứng bên tượng đài chạm khắc 81 phù điêu tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu chống quân thù, ai cũng muốn được thắp một nén nhang để cầu mong cho những người đồng đội của mình được siêu thoát. Mỗi một lá cây ngọn cỏ tại Thành cổ Quảng Trị là tượng trưng cho tâm hồn của mỗi người lính; họ đã không tiếc máu xương của mình để cho dòng sông Thạch Hãn hôm nay được trong xanh, chảy nhẹ êm đềm… Ngày nay, nơi đây đã trở thành một công viên văn hoá cho thế hệ trẻ Quảng Trị và cả nước. Là nghĩa trang nhưng không có một nấm mồ mà chỉ có một nấm mồ chung, đó là Đài tưởng niệm chung cho các liệt sĩ... Thực sự chẳng có giấy bút nào kể hết được những câu chuyện cảm động, đau thương và anh dũng của những chiến sỹ giữ Thành cổ Quảng Trị 51 năm về trước. Những đôi mắt ướt lệ của các cựu chiến binh đứng giữa mảnh đất lịch sử này đã nói lên tất cả.

Ngã Ba Ðồng Lộc cũng là một trong những điểm dừng chân trên chặng đường “Thăm lại chiến trường xưa” của Hội Cựu chiến binh Liên quân. Một địa danh, một di tích để lại nhiều lắm nỗi niềm cảm động đối với bất cứ ai đã có dịp về Đồng Lộc. Nơi đây, cùng với các liệt sỹ khác, Mười cô gái là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy, đã hy sinh trong cùng một thời khắc khi các cô đang bám địa bàn quyết giữ thông đường cho các đoàn xe ra trận. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc hy sinh cô mới 17 tuổi. Được nghe những câu chuyện kể lại về Mười cô gái, không ai cầm được nước mắt… Giờ đây, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đã được xây dựng khang trang. Ngôi mộ của 10 cô gái xếp hàng ngay ngắn như đang tập hợp khi làm nhiệm vụ. Trên mỗi ngôi mộ là một bình hoa tươi toàn Cúc trắng, là nón lá, gương soi, lược chải đầu và một nắm trái bồ kết… Các anh chị cựu chiến binh trong Đoàn, mặc dù không phải lần đầu đến dâng hương ở đây, nhưng cảm xúc vẫn trào dâng: Thương tiếc, cảm phục, ghi ơn và hơn nữa là tự hứa với mình sẽ sống và làm việc sao cho xứng đáng với công ơn hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ…

Dẫu không thể đi và đến được mọi “chiến trường xưa” như mong muốn,  do thời gian có hạn, nhưng với các anh, chị ở Hội Cựu chiến binh Liên quân, tấm lòng và sự tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ luôn thường trực ở mỗi người, đó là điều trân quý nhất.  

Quảng Trị nói chung và dòng sông Thạch Hãn nói riêng là địa danh và cái tên chứa đựng những giá trị lịch sử; là một trong những biểu tượng về tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh. Đôi bờ Bắc – Nam sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng trị đã được tỉnh Quảng Trị xây dựng thành không gian linh thiêng với các hoạt động dâng hương, dâng hoa và thả hoa đăng tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất và dòng sông này. Đặc biệt, trong sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hàng nghìn chiến sĩ đã anh dũng vượt sông vào chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Máu xương các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại tại mảnh đất này khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi…

Để tri ân và tưởng niệm các liệt sỹ, trong chuyến thăm lại chiến trường xưa lần này, từ tâm nguyện của mình, Đoàn Hội Cựu chiến binh Liên quân đã tổ chức lập Đàn Lễ cầu siêu các liệt sỹ tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn. Chủ Đàn lễ là ông Nguyễn Văn Lợi, một thành viên của Hội Cựu chiến binh Liên quân, người luôn coi tri ân các anh hùng liệt sỹ và người có công với nước là tâm nguyện và tình cảm của mình. Lễ cầu siêu và thả hoa đăng được tổ chức trong không khí trang nghiêm, thành kính, xúc động; thể hiện tấm lòng, sự tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sỹ; đồng thời nhắc nhở mỗi hội viên luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất tốt đẹp của Anh Bộ đội cụ Hồ, nguyện đồng sức, đồng lòng góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

Với tâm nguyện và những hoạt động có được trong một tuần “Thăm lại chiến trường xưa”, chuyến đi của Hội Cựu chiến binh Liên quân đã để lại những kỷ niệm hết sức đẹp đẽ, những cảm xúc thiêng liêng về giá trị và đạo nghĩa của lòng tri ân.

Hình ảnh ghi nhận:

Bùi Tiên Phong

...