Dự Lễ Bế giảng, về phía khách mời có: ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về phía Bộ Nội vụ có: NGƯT. PGS. TS. Triệu Văn Cường, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ
Về phía Học viện Hành chính Quốc gia có: PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Nội vụ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. Lương Thanh Cường, Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Đăng Quế, Phó Giám đốc Học viện; TS. Lại Đức Vượng, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện; giảng viên chủ nhiệm, hướng dẫn luận văn, luận án các lớp cùng toàn thể học viên cao học và nghiên cứu sinh đã hoàn thành khóa học, đủ điều kiện nhận bằng tốt nghiệp đợt 1 năm 2024.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường biểu dương và đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Học viện Hành chính Quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo sau đại học gần 30 năm qua.
“Hoạt động đào tạo sau đại học của Học viện đã tạo nên rất nhiều dấu ấn đậm nét, đó là sự đổi mới trong chương trình đào tạo, sự chăm lo phát triển đội ngũ giảng viên, việc nâng cao tính chuyên nghiệp, tận tâm, tận tình trong công tác quản lý đào tạo, sự tuân thủ đầy đủ quy chế tuyển sinh và đào tạo trong quy trình đào tạo. Đó là cơ sở quan trọng để chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện được nâng lên trong thời gian qua.” Thứ trưởng Triệu Văn Cường đánh giá cao kết quả của Học viện về công tác đào tạo sau đại học.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao, đồng chí Triệu Văn Cường đề nghị Học viện Hành chính Quốc gia cần phải ý thức rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo:
Thứ nhất, Học viện cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ. Ngạn ngữ có câu: Một gánh sách hay không bằng một người thầy giỏi. Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ muốn đúng nghĩa là đào tạo tinh hoa thì mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tinh hoa của tinh hoa, phải là những người thầy giỏi nhất, sâu sắc nhất, thông tuệ nhất. Như đã nói ở trên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của Học viện rất đặc biệt nên cùng với kiến thức lý luận, đội ngũ giảng viên cần phải trau dồi thêm tri thức thực tiễn để mỗi bài giảng có sự sâu sắc của lý luận nhưng cũng thấm đẫm tính thực tiễn, là kết hợp của tri thức và hành động với mục tiêu học đi đôi với hành.
Thứ hai, cần đổi mới chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Học viện cần tư duy một cách toàn diện về chương trình đào tạo. Không phải đào tạo những gì chúng ta đang có, sẵn có, những gì chúng ta mong muốn mà cần phải đào tạo theo yêu cầu thực tiễn, từ yêu cầu của nền công vụ trong hiện tại. Chuẩn đầu ra của chương trình cần được xác định cụ thể hơn, làm rõ hơn bản đồ năng lực của người học sau đào tạo, cần phải lý giải một cách thấu đáo mỗi học phần sẽ góp phần như thế nào để làm đầy bản đồ năng lực đó. Chương trình đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia như vậy mới có chiều sâu, có bản sắc riêng.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy sau đại học, phát huy cao nhất ý thức tự giác, tinh thần tự học, tự nghiên cứu của người học. Nghiên cứu khoa học là một hành trình gian khổ và không có con đường tắt để đến với đỉnh cao tri thức. Đào tạo sau đại học không chỉ là quá trình nâng cao tri thức mà còn cần là quá trình phát triển cao hơn năng lực tự học, tự nghiên cứu, để học tập, nghiên cứu trở thành một công việc suốt đời.
Thứ tư, cần phải đảm bảo quy trình đào tạo đúng quy định, khoa học, chặt chẽ, nghiêm túc. Trên cơ sở quy định của pháp luật về tuyển sinh và đào tạo, Học viện cần quy định cụ thể quy trình đào tạo, có cơ chế giám sát, theo dõi chặt chẽ. Đó cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học, đồng thời cũng giúp nghiên cứu sinh, học viên cao học thấy được sự chuyên nghiệp, chuẩn mực của Học viện trong công tác quản lý đào tạo.
Thứ năm, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học. Muốn có tri thức mới cần phải nghiên cứu khoa học nhưng giá trị của khoa học sẽ được khẳng định, được nhân lên khi có sự chuyển giao, chia sẻ, áp dụng. Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ phải trở thành một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho nghiên cứu khoa học tại Học viện.
Thứ sáu, giáo dục đại học thế giới đang hướng tới nền giáo dục đại học đổi mới, sáng tạo. Học viện cần sớm xây dựng một kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc thực hiện định hướng đó. Muốn vậy, Học viện phải xác định được các ngành đào tạo trọng điểm, các ngành đào tạo thực sự là lợi thế, có tiềm năng phát triển đột phá trong tương lai để quan tâm đầu tư xứng đáng. Trái ngọt của ngày mai chỉ có được nếu hôm nay chúng ta chuyên cần vun xới.
Phát biểu bế giảng, PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chúc mừng các nghiên cứu sinh, học viên cao học đã hoàn thành khóa đào tạo; ghi nhận và biểu dương sự cố gắng, miệt mài học tập và nghiên cứu để hoàn thành tốt chương trình đào tạo và chính thức trở thành những Tiến sĩ, Thạc sĩ của Học viện Hành chính Quốc gia.
Gửi lời chúc mừng tới các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ, Thứ trưởng Triệu Văn Cường bày tỏ mong muốn mỗi tân Tiến sĩ, tân Thạc sĩ tiếp tục giữ vững niềm say mê nghiên cứu khoa học, vận dụng tri thức vào thực tiễn công việc, đổi mới phương pháp làm việc, luôn trăn trở vì sự nghiệp chung, nâng cao năng lực nhận diện, xử lý đúng các tình huống công việc, trở thành cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan, đơn vị nơi các đồng chí đang công tác.
Diễn văn bế giảng, thay mặt lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Bá Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện cho rằng các tân Tiến sĩ, tân Thạc sĩ đã vượt qua một chặng đầy thử thách để được vinh quang bước vào con đường khoa học, đích đến các bạn cần phải tiếp tục phấn đấu là có những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp phát triển đất nước, cho mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, đóng góp vào sự nghiệp khoa học của ngành, lĩnh vực chuyên môn mình đang theo đuổi với tư duy đổi mới, sáng tạo, với phong cách làm việc khoa học.
“Truyền thống tốt đẹp của Học viện trong 65 năm qua đã được bồi đắp bằng sự nỗ lực, lao động bền bỉ, hăng say của nhiều thế hệ giảng viên, viên chức, người lao động của Học viện và cũng được gìn giữ và bồi đắp bởi chính nỗ lực học tập, nghiên cứu nghiêm túc của các thế hệ nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên. Tôi hy vọng và luôn tin tưởng các tân Tiến sĩ, tân Thạc sĩ sẽ mang trong mình niềm tự hào về quá trình học tập tại Học viện, luôn xứng đáng với học vị cao quý được Học viện đào tạo, tiếp tục nỗ lực công tác, mang những kiến thức đã được trang bị vào các lĩnh vực công tác để góp phần vun đắp nên truyền thống vẻ vang của Học viện Hành chính Quốc gia”, Giám đốc Nguyễn Bá Chiến chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Bá Chiến cho biết: trong sự nghiệp đào tạo sau đại học, Học viện Hành chính Quốc gia luôn trân trọng và cảm ơn sự đồng hành, ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, các cơ quan ở trung ương và địa phương, trong đó có sự quan tâm sâu sát của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đối với Học viện; đặc biệt, đóng góp vào sự thành công của Học viện, tại buổi lễ trang trọng này, Học viện gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp bền bỉ, thầm lặng, sự tâm huyết và lòng yêu nghề của đội ngũ các nhà khoa học, các thầy cô giáo của Học viện Hành chính Quốc gia đã dành cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học trong suốt quá trình hướng dẫn, phản biện và đánh giá luận án, luận văn để có được kết quả vinh quang này. Các thầy giáo, cô giáo, viên chức của Học viện bằng tâm huyết và nghị lực, tận tụy và sáng tạo trong giảng dạy, phục vụ đã góp phần tạo nên tầm vóc và vị thế của Học viện Hành chính Quốc gia ngày hôm nay.
Tại buổi lễ, trong niềm hân hoan chung của các thầy cô giáo, các nhà khoa học của Học viện và của các tân Tiến sĩ, tân Thạc sĩ, PGS, TS Triệu Văn Cường và PGS, TS Nguyễn Bá Chiến đã trang trọng trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ cho các 17 tân Tiến sĩ và 266 tân Thạc sĩ của Học viện.
Đại diện cho các nghiên cứu sinh, học viên nhận bằng phát biểu cảm tưởng, tân Tiến sĩ Mai Thị Kim Oanh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và lời cảm ơn chân thành đối với Ban Giám đốc, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Học viện đã tạo điều kiện tốt nhất trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu; đồng thời, thể hiện quyết tâm cố gắng đem tâm lực, trí lực để vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập, nghiên cứu vào thực tiễn công việc, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Trước khi vào Lễ bế giảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Ban Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Trưởng các đơn vị, các tân Tiến sĩ và lớp trưởng của các lớp cao học vào làm lễ dâng hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Nội vụ; là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Học viện tập trung vào đào tạo đại học, sau đại học với 26 ngành, chuyên ngành cử nhân; 7 chuyên ngành Thạc sĩ: Quản lý Công, Chính sách công, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, Quản lý Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Quản lý văn hóa, Lưu trữ học và 1 ngành Tiến sĩ Quản lý công.
Đến nay, Học viện đã và đang không ngừng đào tạo từ cử nhân đến Thạc sĩ và Tiến sĩ góp phần cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cao về khoa học hành chính và quản lý nhà nước cho đất nước.
Doãn Phương Nam