VNHN - Quấy rối tình dục đã diễn ra âm thầm trong các trường học nhưng vấn đề mới được chú ý sau một loạt sự cố gần đây. Trẻ em bị quấy rối tình dục có thể rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực. Số lượng các vụ việc được phanh phui ngày càng nhiều cũng là lúc xã hội, trường học cùng các bậc phụ huynh phải vào cuộc để bảo vệ con em mình và chung tay ngăn chặn vấn nạn này.
Nhận diện quấy rối tình dục học đường.
Có người đã ví những vụ dâm ô, quấy rối tình dục, quan hệ bất chính với học trò "bung bét" thời gian qua, là cuộc khủng hoảng đạo đức sư phạm. Sự cuồng nộ đó là dễ hiểu, khi mà tại nơi tưởng chừng như an toàn tuyệt đối với con trẻ lại phát lộ ra những điều khủng khiếp.
Đó là vụ Hiệu trưởng Đinh Bằng My (Trường THCS Dân tộc nội trú Tân Sơn, Phú Thọ) dâm ô hàng chục học sinh nam trong nhiều năm; vụ Thầy giáo Dương Trọng Minh – chủ hiệm lớp 5A Trường Tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, Bắc Giang) có hành động kỳ quặc như véo tay, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi 15 học sinh ngày 01/3/2019 vừa qua.
Khi vụ việc chưa lắng xuống, thì hàng loạt tin nhắn “gạ tình” của một thấy giáo trường chuyên tỉnh Thái Bình với nữ sinh lớp 10 bị công khai trên mạng xã hội. Trong lúc cơ quan chức năng đang xác minh thì một cơn địa chấn khác tiếp tục nổ ra ở tỉnh Bình Thuận, khi một cô giáo dạy môn toán bị bắt quả tang trong nhà nghỉ với một nam sinh lớp 10...
Ảnh: Internet
Trước đó, nhiều vụ hiếp dâm, dâm ô với học sinh đã xảy ra trong và ngoài trường học, điển hình như vụ Hồ Trọng Đăng, 35 tuổi (nguyên giáo viên dạy thể dục, trường THCS Phan Bội Châu tại xã Ia Nan, Đức Cơ, Gia Lai) dâm ô với cháu N.T.L. (học sinh lớp 8) ngày 19/12/2018; vụ Nguyễn Đình Lê (nguyên giáo viên Trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) dâm ô với 7 nữ sinh lớp 3 trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018; vụ Nguyễn Quang Chung (nguyên giáo viên dạy môn Đạo đức, Tổng phụ trách đội của Trường Tiểu học Zơ Nông, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) dâm ô và hiếp dâm 3 học sinh lớp 3 của trường vào tháng 4/2016; vụ Đỗ Văn Nam (SN 1981, quê Hà Nam), bảo vệ Trường Tiểu học bán trú La Pán Tẩn (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) dâm ô với 23 học sinh nữ trong trường,...
Thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho thấy, có tới 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân hoặc quen biết. Trong trường học, các thầy cô giáo và nhân viên bảo vệ là đối tượng do điều kiện công việc nên thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với học sinh. Nếu những người này sa sút về phẩm chất đạo đức, nổi tà ý thì hành vi xâm hại trẻ em rất dễ xảy ra.
Người quấy rối có thể là một người, nhóm người cùng giới hoặc khác giới, có thể là một người bạn quen biết hoặc một nhân viên trong trường nhưng phổ biến nhất là nhóm nam quấy rối tình dục học sinh nữ. Thông thường ngoài xã hội, các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục thường chọn thời điểm, địa điểm ít có khả năng bị phát hiện. Nhưng trường học là nơi đông người, bởi vậy các đối tượng này thường sử dụng “vỏ bọc” là giáo viên hoặc cán bộ trong trường để tiếp cận và gây sức ép với các em học sinh để thực hiện hành vi đồi bại.
Trong môi trường học đường, hành vi xâm hại học sinh (nữ và nam) chủ yếu là hiếp dâm (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân); dâm ô (dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không giao cấu với nạn nhân); hoặc cưỡng dâm (dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác).
QRTD thường xảy ra ở trên sân trường ngoài giờ học, ở khu vực tập thể dục hoặc khu vực hồ bơi, ở bãi gửi xe, hay ngay trong lớp học, nhà vệ sinh và ở những khu vực khuất vắng người qua lại.
Nguyên nhân đẫn đến QRTD học đường:
Thứ nhất, tuổi đời các em còn quá nhỏ, bản thân các em chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày, chưa hiểu được tác hại và sự nghiêm trọng của việc bị QRTD. Trong khi đó, đối tượng QRTD các em lại chính là người thầy của mình nên các em thường có tâm lí sợ hãi, sợ bị trả thù, bị cho ở lại lớp, vì vậy, phần lớn học sinh lựa chọn cách im lặng, không dám nói với người lớn, gia đình và nhà trường.
Thứ hai, các vụ QRTD xuất phát từ người thầy cho thấy tình trạng nhiều giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Điều đáng nói là không ít nhà giáo đang dần bộc lộ sự vô cảm, thiếu trách nhiệm cùng biểu hiện gian dối, băng hoại đạo đức trong quá trình dạy dỗ trẻ.
Thứ ba, nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình, theo đó các gia đình thường có tâm lí tin tưởng hoàn toàn vào phía nhà trưởng bởi họ tin - môi trường giáo dục là môi trường hoàn hảo và tuyệt đối an toàn, ở đó, các thầy, cô giáo sẽ nuôi dưỡng, dạy dỗ và bảo vệ các em. Tuy nhiên, chính niềm tin này đã khiến các gia đình mất cảnh giác, tạo kẽ hở cho các đội tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.
Ngoài ra, một số phụ huynh hiện nay còn thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ em, chưa quan tâm đến con em, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con em để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ.
Thứ tư, nguyên nhân về phía nhà trường. Hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục chưa thường xuyên đưa các môn học liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em vào giảng dạy; trẻ không được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại. Do đó, cùng với các tác động xấu của môi trường, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã dẫn đến những sự việc không mong muốn liên quan đến xâm hại tình dục trong thời gian qua.
Nạn nhân chịu những hậu quả tiêu cực
QRTD nơi học đường có nhiều yếu tố đặc biệt và để lại hậu quả rất nặng nề. Nhiều em học sinh sau khi bị quấy rối tình dục thường rơi vào trạng thái tâm lý đau khổ, hoang mang, mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, xấu hổ và có thể dẫn đến những hành vi tự huỷ hoại như tự tử, các rối loạn tâm thần, sang chấn về mặt tâm lý… nhiều em có những hành vi mất phương hướng như trả thù thầy, cô giáo, tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma tuý, rượu, quậy phá...
Với những hành vi lặp đi lặp lại sẽ làm cho nạn nhân từ trạng thái xấu hổ, bực mình, khó chịu chuyển sang sợ hãi, hoang mang, rơi vào khủng hoảng tinh thần và có những ám ảnh thường xuyên. Họ mất sự tự tin và lòng tin vào người khác. Rồi dần dần là sự mất thoải mái kèm sợ hãi sẽ tạo nên một yếu tố mới xen lẫn vào đời sống làm thay đổi tâm lý của họ. Sự chịu đựng, ấm ức, buồn tủi làm đầu óc họ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm, bi quan, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thành tích học tập.
QRTD ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về môi trường an toàn. Nạn nhân trở nên quá nhạy cảm với các tình huống nguy cơ dẫn đến hạn chế năng lực của mình khi tham gia giao hông vào ban đêm, khi sử dụng phương tiện công cộng, khi ở trong khu nhà để xe,... Thậm chí, sẽ rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như sợ hãi, lo âu, strees, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân thấp kém, giảm giá trị, mất lòng tin vào người khác, rối loạn chức năng tình dục...
Nói chung, đa số các em bị quấy rối tình dục đều bị tổn thương về mặt tâm lý sâu sắc và nó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của các em trong suốt cuộc đời. Nhiều người bị quấy rối tình dục rơi vào trạng thái lo sợ, stress trầm trọng, có thể rơi vào các rối loạn tâm thần. Nhiều người mất hạnh phúc riêng tư bởi các hành vi quấy rối tình dục.
Giải pháp nào bảo vệ học trò
Học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo… dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm tình dục. Do đó, những nguy cơ đó cần phải được nhận diện và tìm giải pháp ứng phó. Bởi vì mỗi vụ việc xảy ra không chỉ gây ra những tổn hại về thể chất, tinh thần đối với nạn nhân, mà còn hủy hoại danh dự nghề thầy - vốn được coi là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".
Nhiều người bị quấy rối khi đưa đơn lên Ban giám hiệu thì vì do thành tích đơn vị và uy tín nhà trường nên thường giải quyết nội bộ, không đến nơi, đến chốn, do vậy những người thâỳ đồi bại kia lại vẫn có những hành vi tương tự sau đó với đối tượng khác.
Nếu bạn đã bị rơi vào tầm ngắm của kẻ QRTD và bạn đã bị chịu những hành vi QRTD nên trao đổi chuyện này với gia đình, thầy cô giáo mà bạn tin cậy, hoặc các cơ quan đoàn thể như Ban giám hiệu, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, công đoàn…. Nếu vấn đề không được giải quyết bạn có thể viết đơn kiện đối tượng quấy rối tình dục ra toà, vì luật pháp sẽ bảo hộ quyền lợi cho bạn
Giải pháp bảo vệ trẻ tại trường học cần bắt đầu từ việc trang bị cho chúng những kĩ năng cần thiết “Hãy biết hét to, biết bỏ chạy, biết kể lại”. Để giúp con tránh xa nguy cơ quấy rối và xâm hại, trước tiên các bậc cha mẹ cần giúp trẻ nhận biết có những hành vi xâm hại nào để đề phòng. Có nhận thức đúng thì các em mới không chủ quan trước những tình huống nhạy cảm, cũng có những kỹ năng để thoát hiểm ngay từ đầu.
Các bậc phụ huynh phải luôn cảnh giác với hành vi của những người lớn xung quanh con, kể cả các thầy cô giáo, như quan tâm quá mức, tặng quà, yêu cầu được ở một mình với trẻ hoặc đến thăm trẻ mà không có sự giám sát. Cha mẹ, phải thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con về mối quan hệ của các em ở trường. Đây còn là cách để phát hiện kịp thời các biểu hiện thay đổi cơ thể và tâm lý của con mình.
Điều quan trọng nữa là, sự tin cậy của các em đối với cha mẹ. Sự gần gũi, quan tâm thường xuyên và tinh ý của cha mẹ đối với những hành vi phi ngôn gữ của con, mới có thể giúp nhận biết những dấu hiệu con mình bị xâm hại và ngăn chặn kịp thời. Cha mẹ hãy lắng nghe những câu chuyện của con dù nhảm nhí đến đâu, thuyết phục con kể cho bạn nghe tất cả những gì xảy ra với con ở trường. Nếu không con sẽ im lặng trong trường hợp nghiêm trọng.
Ngoài ra, các trường học cần có những lớp dạy các em học sinh về giới, về các hành vi quấy rối và xâm hại tình dục để các em có thể phòng và tránh khi xảy ra. Bên cạnh đó, cần phổ biến rộng rãi các quy tắc ứng xử và chính sách phòng chống QRTD học đường tới tập thể học sinh trong trường.
Nhưng hơn ai hết, điều mà các em cần nhất chính là tình yêu thương từ phía gia đình. Đây chính là “lá chắn” tốt nhất cho các em trước những lời dụ dỗ hay đe dọa của những kẻ xấu./.