23/10/2024 lúc 18:22 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong thời kỳ mới

Hệ thống công nghiệp là một bộ phận quan trọng của hệ thống kinh tế và là nền tảng quan trọng trong hành trình xây dựng đất nước. Từ sau khi thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu lớn, đã dần hình thành lợi thế về cung với hệ thống công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ… Mặc dù vậy, so với yêu cầu phát triển, công nghiệp nước ta vẫn còn ở tầm mức thấp và rất cần những giải pháp mới, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự phát triển.

Những thành tựu quan trọng

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 xác định: Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD…. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, cụ thể: “Đến năm 2025…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030…: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045…: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Thực hiện Chiến lược đó, những năm qua trong công cuộc đổi mới, công nghiệp nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng; thể hiện ở một số nội dung: Trước hết, công nghiệp có quy mô lớn, giá trị gia tăng của ngành sản xuất chiếm hơn 30% tổng giá trị của nền kinh tế và quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. Nước ta cũng đã bước đầu xây dựng được một hệ thống công nghiệp đáp ứng với định hướng phát triển của nền kinh tế, với các ngành công nghiệp như: điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng…. Bên cạnh đó, nhiều khu, cụm công nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế đã được hình thành ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai, Hà Nội-Bắc Ninh, Quảng Nam-Đà Nẵng và một số nơi khác; hiệu ứng tích tụ công nghiệp không ngừng tăng lên…

Thành quả trong phát triển công nghiệp còn được thể hiện ở các mặt cụ thể như:

1. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao, cải thiện chất lượng tăng trưởng, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.

2. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực; công nghiệp có đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế.

3. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp ổn định, bền vững; ngành dịch vụ phát triển mạnh, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển công nghiệp ở nước ta trong thời kỳ đổi mới còn nhiều nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đánh giá: “nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững...; trình độ công nghệ còn lạc hậu, chậm được đổi mới; chất lượng sản phẩm, năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp; phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác;...”. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế”.

Có thể kể đến một số hạn chế sau:

1. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng của công nghiệp trong GDP còn thấp và chậm thay đổi. Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu còn lớn, trình độ công nghệ sản xuất nhìn chung vẫn thấp so với thế giới; chưa hình thành được mô hình các cụm ngành chuyên môn hóa, công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa còn ở mức thấp.

2. Hiện phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Năng lực nội tại của ngành Công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong khi khả năng chuyển giao công nghệ hiện đại của khu vực FDI còn nhiều hạn chế.

3. Năng lực cạnh tranh của ngành Công nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước khác trong khu vực và châu lục. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. 

4. Năng suất lao động ngành Công nghiệp thấp, còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới. Sản xuất công nghiệp chưa thực sự thu hút mạnh mẽ lao động để tạo ra sự dịch chuyển lớn về cơ cấu lao động chung của nền kinh tế. 

5. Công nghiệp hỗ trợ chưa được quan tâm phát triển đúng mức.  Việc liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn kém hiệu quả. Không gian phát triển công nghiệp hiện nay còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng, chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc dựa trên lợi thế so sánh. Phát triển công nghiệp gắn kết chưa chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp.

Những nhiệm vụ và giải pháp thiết thực

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp. Trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất. Thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển công nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, định mức kỹ thuật phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phát triển công nghiệp.

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp phụ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.

3. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp. Tập trung hoàn thiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể. Đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề. Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tham vấn nội dung chương trình đào tạo, tăng cường thời lượng thực hành. Hoàn thiện thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm.

4. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ tầm quốc gia với các đối tác chiến lược.

5. Tăng cường thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi. Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án quan trọng trong danh mục dự án trọng điểm quốc gia kêu gọi FDI.

Cùng với đó, cần tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp sau:

Một, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo, sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin và truyền thông và giao dịch điện tử. Hoàn thiện các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng, chính sách ưu đãi về thuế… nhằm khơi thông các nguồn lực tài chính quốc gia, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước… Hoàn thiện tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong CNH, HĐH.

Hai, đẩy nhanh thực hiện chủ trương của Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng chú trọng xây dựng năng lực nội sinh dựa trên cơ sở tự chủ về nguyên liệu, sản xuất và thị trường để hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát thải các-bon thấp. Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp vùng, địa phương gắn với các hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của vùng, chuyên môn hóa cao. Quy hoạch và có cơ chế khuyến khích phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm công nghiệp chuyên biệt cho một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên. Tiếp tục triển khai thí điểm mô hình khu kinh tế đặc thù, khu kinh tế mới. Tăng cường liên kết, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ giữa công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng. Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia…

Ba, đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến, thị trường; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics phục vụ nông nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm thủy sản.

Bốn, đẩy nhanh việc thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Có lộ trình tăng tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển. Chú trọng đầu tư; rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nhân lực sang nhân lực chất lượng cao, nhân lực số đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH.

Năm là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số./.

Ths. Phạm Minh Lân

...