1. Về trí thức, trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; cơ chế, thể chế
Trí thức
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X ngày 06 - 8 - 2008 “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội...Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”(1).
Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta, trí thức là những người hội đủ những tiêu chí: (1) là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định; (2) có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức; (3) tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội; (4) là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “trí thức” xuất hiện vào đầu thập niên 1930 trong cuốn Từ điển Pháp - Việt do Đào Duy Anh biên soạn. Ông dịch chữ intellectuel là “trí thức”. Theo Đào Duy Anh, trí thức có thể hiểu là người làm cho xã hội lúc nào cũng thức tỉnh. Để làm cho xã hội thức tỉnh, người trí thức phải hội đủ các yếu tố: có kiến thức, nhiều ý tưởng mới, giá trị và tự nguyện dấn thân.
V.I.Lênin cho rằng, trí thức “bao hàm không những chỉ các nhà trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những nghề tự do nói chung, các đại biểu của những người lao động trí óc”(2). Theo V.I. Lênin, trí thức có vai trò to lớn trong phát triển xã hội, trong cách mạng XHCN, là “niềm tự hào vĩ đại của nhân loại”. Người cho rằng, “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể nào chuyển lên chủ nghĩa xã hội được, vì chủ nghĩa xã hội đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi đến một năng suất lao động lớn hơn năng suất của chủ nghĩa tư bản dựa trên cơ sở những kết quả mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được”(3).
Thấm nhuần tư tưởng của V.I.Lênin, xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, nửa phong kiến, Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(4) và “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(5).
Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức nói chung và đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước nói riêng, đặc biệt là trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Có thể còn những ý kiến khác nhau, song cơ bản là thống nhất quan điểm về trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước: là những người lao động trí óc đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, có trình độ học vấn, chuyên môn cao về lĩnh vực xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực chuyên môn khác; có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; đóng vai trò nòng cốt đặc biệt quan trọng trong tham mưu xây dựng, truyền bá và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cơ chế
Mặc dù trên thế giới và ở Việt Nam, thuật ngữ “cơ chế” được sử dụng khá phổ biến trong những năm qua, tuy nhiên có nhiều quan niệm khác nhau về cơ chế, đòi hỏi cần có sự thống nhất chung:
Theo Từ điển Cambridge, “cơ chế” (Mechanism) là một bộ phận của máy hoặc một tập hợp các bộ phận hoạt động cùng nhau.
Từ điển Le Petit Larousse (năm 1999) giảng nghĩa “cơ chế” là cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau.
Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 1, Nxb Từ điển Bách khoa Việt Nam, năm 1995) không có khái niệm cũng như định nghĩa về “cơ chế”. Trong Đại từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1998), “cơ chế” được định nghĩa là cách thức sắp xếp tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, năm 1992) định nghĩa “cơ chế” là cách thức theo đó là một quá trình thực hiện.
Thực ra, cụm từ “cơ chế” được sử dụng phổ biến ở nước ta từ cuối những năm 1970, khi chúng ta bắt đầu chú ý tới nghiên cứu về quản lý và cải tiến quản lý kinh tế, với nghĩa như là quy định về quản lý.
Mặc dù, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, song về cơ bản có điểm thống nhất chung: Cơ chế chính là những nguyên tắc, quy định tạo thành cách thức tổ chức, vận động của sự vật, hiện tượng hay của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau. Cơ chế với vai trò là một cách thức tổ chức, vận động của tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau, theo đó một quá trình diễn ra theo chủ đích. Bởi vậy, cơ chế còn được xem như một quy luật vận hành của một hệ thống hay bất cứ một sự vật hiện tượng, một quá trình nào đó trong tự nhiên, xã hội; cơ chế còn chỉ sự tương tác giữa các yếu tố trong tập hợp các yếu tố liên kết thành hệ thống và nhờ vào việc tương tác đó mà hệ thống này hoạt động. Vì vậy, để tạo động lực hoạt động và cống hiến cho trí thức nói chung, trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước nói riêng, giải pháp có tính đột phá là xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn, sử dụng, đãi ngộ đúng đắn và phù hợp.
Về thể chế; thể chế xây dựng, phát triển trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước
Theo tác giả cuốn Dictionnaire(6) và Dictionnaire Pratiquue du Francais(7), thuật ngữ Institution có nghĩa là: 1) thể chế - là sự đặt định những luật lệ, là những luật lệ cơ bản của một quốc gia; 2) thiết chế - là các bộ phận cấu thành của một cấu trúc, cần phải duy trì và tôn trọng.
Theo North D (năm 1990), thể chế bao gồm cả những quy tắc chính thức và những chuẩn mực phi chính thức (những chuẩn mực hành vi được thừa nhận rộng rãi, những thỏa thuận đã đạt được, những hạn định bên trong của hoạt động) và cả những đặc trưng nhất định của sự bắt buộc thừa hành việc này hay việc khác. Thể chế gồm ba bộ phận cấu thành: thứ nhất, những hạn định không chính thức (truyền thống, tập quán, dư luận xã hội); thứ hai, những quy tắc chính thức (hiến pháp, luật, phán quyết của tòa án, xử lý hành chính); thứ ba, những cơ chế cưỡng chế bảo đảm tuân thủ quy tắc.
Các học giả Trung Quốc cho rằng, thể chế chính trị là các loại chế độ chính trị cụ thể xây dựng trên cơ sở chế độ chính trị cơ bản và tổng hòa các cơ chế vận hành, thuộc kiến trúc thượng tầng; còn thể chế kinh tế là hình thức tổ chức cụ thể và chế độ quản lý kinh tế của một chế độ kinh tế - xã hội hoặc một quan hệ sản xuất. Quan niệm này cho rằng, thể chế được tạo bởi 3 thành tố: 1) chế độ hóa những yếu tố kinh tế, chính trị cụ thể; 2) chế độ chính trị, kinh tế được pháp luật bảo đảm; 3) các cơ chế vận hành thuộc kiến trúc thượng tầng.
Tựu chung lại có hai cách hiểu về thể chế:
Theo nghĩa hẹp, thể chế được hiểu là hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng); đồng hành với nó là quan niệm về thiết chế là tổng thể các tổ chức quản lý nhà nước và các tổ chức thực thi trên lĩnh vực xác định. Với quan niệm này, xây dựng thể chế chỉ là việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật, pháp quy, không phản ánh được đầy đủ hoạt động quản lý, hoạt động thực tế của lĩnh vực nhất định.
Theo nghĩa rộng, thể chế được hiểu bao gồm cả những quy định, cao nhất là quy định pháp luật tạo thành luật chơi; các chủ thể tham gia vào quản lý và hoạt động trên một lĩnh vực xác định, tạo thành người chơi và hệ thống cơ chế, chính sách tạo động lực, quản lý, điều chỉnh hoạt động quản lý và hoạt động cụ thể trong một lĩnh vực xác định tạo thành cách chơi.
Như vậy, thể chế xây dựng, phát triển trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước là một chỉnh thể gồm 3 yếu tố cơ bản, chủ yếu cấu thành: 1) Luật chơi, hệ thống các quy tắc, quy định pháp luật, luật lệ (phong tục, tập quán, thỏa ước cộng đồng) với tư cách là những chuẩn mực tạo khuôn khổ, môi trường pháp lý cho việc xây dựng và phát triển trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước 2) Người chơi, trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; 3) Cách chơi là cơ chế, chính sách tạo động lực cho trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động và cống hiến. Ba yếu tố chủ yếu cấu thành thể chế xây dựng và phát triển trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là chỉnh thể thống nhất, có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo nên khuôn khổ, môi trường, điều kiện cần để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Với quan niệm thể chế theo nghĩa rộng sẽ đem đến cái nhìn đầy đủ, tổng thể, toàn diện về thể chế xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, bao gồm cả luật chơi, người chơi và cách chơi. Sẽ không có xây dựng đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước theo đúng nghĩa một khi chỉ có luật chơi, không có người chơi và thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực, quản lý, điều chỉnh cuộc chơi của các chủ thể tham gia cuộc chơi, trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước theo pháp luật.
2. Một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045
Để trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phát huy vai trò to lớn của mình trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế số, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp. Trong đó, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính đột phá trong điều hướng, dẫn đường cho toàn bộ hoạt động, cống hiến của trí thức.
Một là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Đảng ta xác định: “phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”(8).
Đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, trong đó có thể chế xây dựng đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là mệnh lệnh của cuộc sống. Bởi vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục phải góp phần thay đổi tư duy phát triển, nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chính là yêu cầu của công cuộc đổi mới vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data), với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và hệ thống vật lý không gian mạng tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc nhận thức đúng vị trí, vai trò của trí thức, thể chế xây dựng trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; xác lập cơ chế, chính sách tạo động lực cho trí thức phát huy năng lực sáng tạo, chuyên tâm cống hiến là vô cùng quan trọng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần hướng tới thay đổi tư duy phát triển, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh về vai trò của trí thức và việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, giáo dục cần khẳng định quan điểm của Đảng ta là: trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, kinh tế số, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là lực lượng đóng vai trò nòng cốt đặc biệt quan trọng trong tham mưu xây dựng, truyền bá và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc xây dựng cơ chế, chính sách góp phần tạo động lực cho trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động, cống hiến vì sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Từ nhận thức đúng của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sẽ trở thành quyết tâm chính trị lan tỏa đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng một khi có chủ trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện “Thể chế xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Đây là giải pháp có tính đột phá để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu xây dựng, truyền bá và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cơ chế, chính sách là một trong ba thành tố cấu thành thể chế xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng và hoàn thiện thể chế xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, trên cơ sở những văn bản pháp luật hiện hành, cần có Nghị quyết của Đảng và Luật về trí thức, trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đi vào cuộc sống và mang lại những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng cần sớm có Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức, trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời kỳ chuyển đổi số; Nhà nước cần sớm ban hành Luật về trí thức,...
Thứ hai, đổi mới, kiện toàn tổ chức, phương thức lãnh đạo, quản lý của các cơ quan Đảng, Nhà nước và xây dựng đội ngũ trí thức ngang tầm với nhiệm vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
Tổ chức đảng, chính quyền các cấp là nơi lãnh đạo, quản lý điều hành đội ngũ trí thức, theo “luật chơi”. Bởi vậy, nếu các tổ chức đảng, chính quyền vững mạnh, trong sạch thì trí thức trong các tổ chức này mới có môi trường, điều kiện phát triển.
Đồng thời với kiện toàn tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cần xây dựng đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Đây chính là xây dựng đội ngũ “người chơi” trong “cuộc chơi” theo “luật chơi”.
Xây dựng đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao, có lòng đam mê và niềm tin khoa học. Đam mê khoa học là một trong những phẩm chất quan trọng của người làm khoa học. Không có đam mê khoa học thì khó có thể hoàn thành vai trò tư vấn, đóng góp vào quá trình hoạch định, phổ biến, thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cùng với niềm tin và lòng đam mê khoa học, khát vọng của đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là động lực, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, đi tới đỉnh cao xán lạn của khoa học, như C. Mác đã từng chỉ dạy.
Tất nhiên, điều có ý nghĩa quyết định trong thể chế xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước là cần có chiến lược đào tạo, sử dụng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; đa dạng các loại hình, cấp độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ trí thức. Chú trọng xây dựng cơ chế thích hợp, hiệu quả để thu hút các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để trí thức phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình vì cộng đồng và xã hội.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tạo động lực để trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước phát huy tài năng, vai trò và trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng, xã hội
Xây dựng cơ chế, chính sách chính là xây dựng những nguyên tắc, quy định làm cơ sở cho việc tạo ra phương thức tổ chức và hoạt động của đội ngũ trí thức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước theo hướng nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội trong việc tham mưu xây dựng, truyền bá và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cấp ủy, công tác tổ chức - cán bộ có tâm, có tầm, bảo đảm tìm được những người tài, đức để trọng dụng. Phương thức “gạt bỏ và trọng dụng” là phương thức cần được áp dụng trong công tác nhân sự đối với trí thức. Hiện nay, trong công tác cán bộ, vẫn còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của trí thức.
Trí thức đúng nghĩa sẽ có đất dụng võ - đánh thức xã hội khi được mọi người thấu hiểu và tôn trọng vai trò của họ. Đồng thời, xã hội sẽ kiến tạo cho họ một thể chế dung nạp và môi trường tự do học thuật, nơi trí tuệ tinh anh trưởng thành.
Tạo môi trường dân chủ cho trí thức phát huy năng lực cá nhân của mình đối với cộng đồng và xã hội. Về việc tạo lập môi trường tự do cho trí thức, V. I.Lênin chỉ rõ: “Người trí thức đấu tranh, tuyệt nhiên không phải là bằng cách dùng thực lực theo lối này hay lối khác, mà là bằng cách dùng những lý lẽ. Vũ khí của họ, chính là sự hiểu biết của cá nhân họ, những năng lực của cá nhân họ, lòng tin của cá nhân họ. Họ chỉ nhờ vào những phẩm chất cá nhân của họ, nên mới có thể đóng được một vai trò nào đó. Vì vậy, đối với họ, quyền được hoàn toàn tự do biểu hiện bản chất cá nhân của mình là điều kiện đầu tiên để công tác được kết quả. Với tư cách là một bộ phận trong toàn thể, họ chỉ phục tùng toàn thể đó một cách miễn cưỡng, phục tùng vì bắt buộc, chứ không phải tự nguyện. Họ chỉ thừa nhận kỷ luật là cần thiết đối với quần chúng, chứ không phải là đối với những nhân vật được lựa chọn. Dĩ nhiên là họ xếp mình vào những hàng ngũ những nhân vật được lựa chọn...(9).
Tất nhiên, để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của trí thức cần có chính sách sử dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với trí thức, trong đó có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý, có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có năng lực, có đạo đức tốt; có chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới...
Ba là, có cơ chế, chính sách để trí thức trong các cơ quan Đảng và Nhà nước tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên
Có thể ví vai trò của đội ngũ trí thức như người kiến tạo hệ thống miễn dịch tư duy cho xã hội. Để có phẩm chất này, bản thân trí thức cũng phải rèn luyện, phấn đấu trong học tập và nghiên cứu khoa học. C. Mác đã từng chỉ rõ: “Không có con đường cái quan nào ở trong khoa học cả, và chỉ những người nào không sợ chồn chân mỏi gối trèo lên những con đường nhỏ bé gập ghềnh của nó thì mới hy vọng đạt tới đỉnh cao xán lạn của khoa học mà thôi”(10).
Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng tạo điều kiện cho trí thức tự học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên để có những phẩm chất:
(1) Có bản lĩnh khoa học, vững vàng với con đường mình đã chọn, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, diễn biến phức tạp của thế giới. Người có bản lĩnh khoa học là người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và là người có trách nhiệm với cộng đồng.
(2) Có khát vọng khoa học, khát vọng được nghiên cứu, được cống hiến vì lợi ích của cộng đồng và của xã hội;
(3) Đam mê và niềm tin khoa học, đam mê học hỏi, nghiên cứu và tin vào sự đúng đắn, vào cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu...
(4) Trung thực, trung thành với mục tiêu lý tưởng chính trị biểu hiện ở sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là đường lối đổi mới, trung thành với chính sách, pháp luật của Nhà nước, trung thành với mục tiêu vì sự phát triển phồn vinh của đất nước và vì hạnh phúc của nhân dân;
(5) Biết lắng nghe, có tư duy phản biện và tinh thần đối thoại. Biết lắng nghe là điều kiện để xây dựng tư duy, thái độ phản biện đúng đắn, khách quan, không quy chụp trong tranh luận khoa học, cơ sở để hình thành tinh thần, thái độ cởi mở, đối thoại, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học...
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.792-793.
(2), (9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.372, 373.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.217.
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.7, 114.
(6) Nxb Laraousse, Bondas, 1999.
(7) Nxb Hacchette, 1987.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.213.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.39.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Văn Cường: Một số ý kiến về đổi mới chính sách giáo dục và đào tạo đội ngũ trí thức, http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 22-4-2013.
4. Nguyễn Đắc Hưng: Trí thức Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008.
5. Hải Hà: Trí thức Việt kiều - nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-06-2014.
6. Lương Đình Hải: Phát huy vai trò của trí thức, bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4 (85) - 2016.
7. Dương Xuân Ngọc và Lưu Văn An: Thể chế chính trị thế giới đương đại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.
8. Thang Văn Phúc: Xây dựng đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức của nền hành chính nhà nước tới năm 2020, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 4-2009.
9. Ngô Thị Phượng: Đội ngũ trí thức khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007.
10. Nguyễn Công Trí: Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về thực hiện chính sách đối với trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2007.
GS, TS DƯƠNG XUÂN NGỌC