VNHN - Hòa giải ở Việt Nam không chỉ là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, mà còn là nét văn hóa truyền thống, phản ánh tâm lý dân tộc, trở thành thuần phong mỹ tục bén rễ sâu trong đời sống của người Việt Nam qua thời gian.
Tư tưởng hòa giải trong xã hội Việt Nam được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Tư tưởng đó có cội nguồn sâu xa từ phương thức tổ chức xã hội truyền thống, cơ bản dựa trên cộng đồng gia đình, dòng tộc, làng xã. Theo các nhà sử học, xã hội cổ truyền Việt Nam được mở rộng theo công thức Nhà - Làng - Nước. Làng là đơn vị cơ sở của quốc gia, khép kín, có tính tự quản cao. Các nhà nghiên cứu văn hóa thì xác định văn hoá Việt Nam cổ truyền cơ bản là văn hoá nông nghiệp, văn hoá làng. Đó là nền văn hoá gắn chặt với cộng đồng gia đình, gia tộc, dòng họ, làng xã, từ đó mở rộng ra cộng đồng quốc gia, dân tộc. Trong xã hội cổ truyền, pháp luật phát triển chậm chạp, mờ nhạt hơn đạo đức và các quy tắc xã hội khác như lệ làng, hương ước, luật tục. Bên cạnh đó, xã hội nông nghiệp với tính cộng đồng cao tạo ra tính cách con người Việt Nam với một lối sống nặng tình nghĩa, hòa hiếu, đoàn kết, gắn bó với họ hàng, làng nước. Đó là cách hành động theo xu hướng giải quyết các vấn đề gay cấn bằng biện pháp dung hoà, quân bình, dựa trên các mối quan hệ láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, đồng thời cũng ứng biến, lấy nhu thắng cương, dĩ hòa vi quý. Trong các bậc thang giá trị tinh thần, người Việt Nam đề cao chữ Nhân, kết hợp chặt chẽ Nhân với Nghĩa, Nhân với Đức. Như Nguyễn Trãi từng diễn tả quan niệm nhân, nghĩa đối lập với cường bạo, nâng lên thành cơ sở của đường lối trị quốc an dân.
Bề dày văn hoá phong phú chính là cơ sở vững chắc của ý thức cộng đồng dân tộc. Tất cả người Việt dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù ở núi rừng, biển đảo hay cư trú ở nước ngoài đều xác định mình là con cháu Lạc Hồng, đều có chung tổ tiên, có chung ngày giỗ Tổ Hùng Vương vào 10-3 Âm lịch hằng năm. Chính nhờ có ý thức sâu sắc về cội nguồn dân tộc, nhân dân Việt Nam đời này qua đời khác đã luôn cố gắng, bảo vệ, duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là sự bảo tồn nền văn hoá dân tộc trước sự xâm thực và đồng hoá của ngoại bang. Trong đó, hoà giải là một phương thức phổ biến,góp phần giữ vững đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đó là một hiện tượng xã hội - pháp luật - văn hóa thấm vào đời sống của nhân dân ta hàng thế kỷ, trở thành một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp. Trong văn hoá ứng xử, ý thức cộng đồng Việt Nam cũng được biểu hiện rõ nét, đó là tình yêu thương, tính nhân văn “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, hay lòng nhân ái, khoan dung, vị tha “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, “một điều nhịn, chín điều lành”. Tinh thần đó của cộng đồng khuyến khích những giá trị nhân văn trong quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng. Sức mạnh tinh thần của cá nhân kết tụ lại trong sức mạnh của cộng đồng; sức mạnh cộng đồng hòa nhập trong sức mạnh cá nhân đã đem lại ý chí và niềm tin vào tính nhân bản của con người, đó là yếu tố tinh thần rất quan trọng của hòa giải.
Hòa giải cũng phản ánh văn hóa pháp lý trong xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng văn hoá pháp lý bao gồm các yếu tố: ý thức pháp luật; hệ thống pháp luật; hành vi, lối sống theo pháp luật của từng cá nhân, cộng đồng và cách thức, trình độ sử dụng các công cụ pháp luật của nhà nước trong quá trình quản lý nhà nước và xã hội. Bản chất của văn hoá pháp lý được thể hiện ở sự hài hoà giữa tính nhân văn và tính xã hội của các giá trị tinh thần trong hòa giải. Tính nhân văn phản ánh các nhu cầu và lợi ích của con người, quy định và điều chỉnh các quan hệ giữa người với người theo những chuẩn mực chung, đó là công khai, dân chủ, bình đẳng, công bằng, tự do. Khi tham gia vào đời sống pháp luật, mỗi chủ thể đều phải tôn trọng những chuẩn mực chung, gạt bỏ hoặc tự hạn chế những yêu cầu riêng, lợi ích riêng. Những chuẩn mực chung này được thể hiện công khai, cụ thể dưới dạng những nguyên tắc, quy tắc ứng xử. Các chủ thể phải được tôn trọng, phải tôn trọng lẫn nhau, có nghĩa vụ và trách nhiệm với mình và với xã hội; mỗi người sống vì mọi người, mọi người vì mỗi người; biết chia sẻ, nhường nhịn để có cuộc sống yên bình, hạn chế xung đột, mâu thuẫn. Bên cạnh đó, tính xã hội của văn hoá pháp lý cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thể chế hòa giải. Pháp luật là một đại lượng chung, thể hiện ý chí chung của các tầng lớp trong xã hội. Đó không phải là con số cộng đơn giản các ý chí, lợi ích của từng cá nhân hay nhóm xã hội, mà là sự kết tinh những giá trị có tính điển hình, phổ biến, hợp lý và được thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của các mối quan hệ xã hội, pháp luật chỉ có khả năng lựa chọn những cái cơ bản, điển hình, phổ biến để quy định và điều chỉnh và thông qua đó để tác động tới các quan hệ xã hội khác vận động và phát triển theo đúng quy luật, định hướng, yêu cầu và mục đích đặt ra. Trong khi đó, hòa giải là một thể chế phi cưỡng chế, hoàn toàn tự nguyện, không sử dụng nhiều đến pháp luật nhưng đã phát huy tác dụng của mình mà không cần đến phương tiện cưỡng chế nào.
Ngoài ra, phải kể đến ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo, phật giáo đến hòa giải, được thể hiện đậm nét trong các bản hương ước - lệ làng, nơi có nhiều quy định về hòa giải. Đối với Nho giáo, hương ước là bản lệ làng thành văn của các làng xã cổ truyền Việt Nam được các nhà nho soạn thảo, dân làng thông qua, chính quyền phê duyệt và cùng nhau thi hành. Các tư tưởng tiến bộ của Nho giáo tác động đến đời sống cộng đồng làng xã và tinh thần đoàn kết, hòa giải làng xã chủ yếu là hiếu đễ (một phần quan trọng của đạo Tam cương), hòa thuận xóm giềng, đoan chính, luân thường, kính lão, trọng học vấn. Đối với Phật giáo, thời Lý - Trần, Phật giáo góp phần đặc biệt vào việc tôn vinh trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh, vị thế và tầm vóc quốc gia Đại Việt, là chỗ dựa cho việc tổ chức một xã hội đoàn kết, cởi mở, thanh bình, một nền chính trị ổn định và sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hoá, giáo dục. Tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo là yếu tố quan trọng chính yếu đã giúp cho đạo Phật dễ dàng hòa nhập và thích nghi với phong tục tập quán, hài hòa một cách nhẹ nhàng với mọi hoàn cảnh sống của dân chúng. Theo tinh thần Phật giáo, Hòa giải không phải là thỏa hiệp với mê vọng và sự tàn ác. Trái lại, hòa giải là sự chống đối thường trực với mọi hình thức mê vọng và tàn ác nhưng với tâm đại bi. Trên thực tế, văn hóa hòa giải đối lập với văn hóa bạo lực. Đó là sự thành tâm (tâm bình thế giới bình), sẵn sàng hòa giải với người khác nhằm tạo sự hòa hợp, đồng thuận, gạt bỏ xích mích, mâu thuẫn để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hiện nay, hòa giải tiếp tục phát huy nét văn hóa của mình. Một trong những quan điểm nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đó chính là định hướng quan trọng để tiếp tục củng cố và phát triển thể chế hòa giải ở Việt Nam trong thời gian tới.
PGS. TS Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Ủy viên Thường trực - Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương