01/09/2024 lúc 10:17 (GMT+7)
Breaking News

Hiếu đạo

HIẾU ĐẠO theo quan niệm chữ Hiếu của nhân dân ta, đã trở thành văn hóa Đạo Hiếu của dân tộc, cũng là phạm trù đạo đức của Nho giáo. Cùng với Trung (忠), Hiếu (孝) xây dựng các quy tắc ứng xử của con người trong mối quan hệ xã hội và gia đình.

Theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Hiếu có nghĩa là hết lòng cung phụng thờ cha mẹ. Chữ Hiếu dưới chữ lão là chữ tử, nghĩa người con chữ “Tử” cõng người cha chữ “Lão”, Lão biểu thị cho thế hệ trước, Tử biểu thị cho thế hệ sau, thế hệ trước cùng thế hệ sau là một thể thống nhất. Tỉ mỉ mà nói chính là “Quá khứ vô thủy, vị lai vô chung” tạo thành một thể sinh mạng. “Quá khứ không có điểm bắt đầu, vị lai không có điểm kết thúc; ngang trọn khắp mười phương, dọc cùng khắp ba đời”…

 

 

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Nho giáo nói chung, quan niệm về chữ Hiếu nói riêng đã được Việt hoá về nhiều mặt và nảy sinh những cách hiểu cũng như hành vi Hiếu thảo mang tính thực tiễn. Chữ Hiếu theo quan niệm của Nho giáo chính thống ở nước ta tuy vẫn chuyển tải đầy đủ ý nghĩa ban đầu nhưng nội hàm đã được mở rộng nhằm phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và con người cụ thể: Trong văn học đại thi hào Nguyễn Du đã khắc họa hình ảnh Hiếu Đạo của Thúy Kiều, người con gái đã hy sinh bán mình chuộc cha để đền ơn sinh thành… Lịch sử cũng ghi lời dặn của Nguyễn Phi Khanh đối với Nguyễn Trãi “Con về lập chí, rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Hiếu ở đây không chỉ đối với cha mẹ mà còn Hiếu với Dân. Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nói: “Trung với nước, Hiếu với dân”. Trung Hiếu cũng được nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy nguyên đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, trưởng môn hướng đạo đã khắc họa Trung Hiếu trong “Trai nước Nam làm gì” xuất bản 1943, với kinh nghiệm cách nhìn của một hướng đạo sinh đã giúp ông có cái nhìn khách quan về thế hệ thanh niên thời bấy giờ, xây dựng Hiếu Đạo cho thế hệ trẻ nước Việt đến ngày nay vẫn mang tính thời sự hướng đạo của thời mở cửa này…

Trong Phật giáo Việt Nam, hình ảnh Ngài Mục Kiền Liên đệ tử của Phật cũng như bao nhiêu vị A La Hán khác nhưng khi nhắc đến chữ Hiếu, ngài luôn được nhắc đến đầu tiên. Nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu Lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả người dân và phật tử ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng, bởi ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, mọi điều hay dở, tốt xấu của chúng ta đều là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm tân đó không thể nào chối cãi, từ bỏ được.

Hiếu Đạo chính là ơn cha mẹ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” còn phải ơn thầy cô, thành ngữ “Mùng một tết cha, mùng ba tết Thầy” là văn hóa của người Việt ngày đầu năm mới, thể hiện Hiếu với người thầy khai trí cho bản thân mình. Nói đến cha mẹ và thầy cô tuy hai xong là một đều hướng đến dạy dỗ cho bản thân mình được thành người. Thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy con hiểu Lễ () - Lễ phân biệt lẽ phải trái, sáng tối, trên dưới, trật tự cao thấp lớn bé nhỏ to dầy mỏng. Lễ chính là tâm khiêm tốn, Lễ là một trong những phẩm hạnh đạo đức để học làm người. “Hậu học văn” thầy cô từ đây mới phát triển lẽ của Lễ khai tâm văn hóa cho trò, Lễ - Văn trong Hiếu Đạo để tròn vành rõ nghĩa Hiếu với kiến thức của bản thân, hoàn thiện Hiếu đạo ngay tại giảng đường là hoằng dương ngữ nghĩa để trí tuệ minh sáng - nhật nguyệt trung thực. Gia đình - nhà trường, thầy cô và cha mẹ là những người thầy vĩ đại phụng hiến vô tư trong sáng nhất. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng nhà thơ Trần Quốc Toản hoằng dương công ơn thầy cô với bài “Cô và Mẹ” - “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo - Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền - Cô và mẹ là hai cô giáo - Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”. Cụ Nguyễn Du còn khảng định chắc nịch cha mẹ là người thầy nếu kinh sách ở bậc “Bố” thượng kiến thức thì đó chính là người thầy vĩ đại cho các con, “Đã cho vào bậc bố kinh – Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”.

    Với tri thức bản thân Hiếu Đạo chính là hoằng dương văn hóa, như nhà thơ Trần Đăng Khoa có bài “Hạt gạo làng ta”- “ Có vị phù sa -  Của sông Kinh Thầy - Có hương sen thơm - Trong hồ nước đầy - Có lời mẹ hát - Ngọt bùi đắng cay...”. Hiếu ở phương diện đại thức còn chỉ sự nỗ lực tận tâm phụng hiến quốc dân (Quốc gia - dân tộc) như các anh hùng dân tộc, trong suốt chiều dài dựng xây gìn giữ đất nước… Nhà thơ Tố Hữu có bài “Từ ấy” - “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lí chói qua tim - Hồn tôi là một vườn hoa lá - Rất đậm hương và rộn tiếng chim.” Từ ấy là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người cộng sản khi gặp lí tưởng của Đảng. Đó là lúc tâm hồn được hồi sinh, trí tuệ bừng sáng, nhận thức trách nhiệm lớn lao với đất nước quốc gia và dân tộc…

Hiếu Đạo, Đạo vốn “Dị chi - giản năng” chính là cách ăn uống đi đứng chạy nhảy bơi ném nằm ngồi chống đỡ, Đạo con đủ đầy - người ắt khai sinh, hoàn thiện Hiếu Đạo là về với bản thể tự nhiên. Hiếu Đạo với Cha mẹ, thầy cô với bản thân với tri thức văn hóa của chính mình, để thân tâm “Tiết dục - vệ sinh” giữ chọn Hiếu Đạo trong cuộc sống. Hiếu Đạo chính là cách học làm người.

Sách xưa ghi: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (人生百幸孝為先) Trong trăm hạnh của con người, hạnh Hiếu đứng đầu. Và con người cũng không quên khẳng định: “Hiếu vi công đức mẫu”  (孝為功德母) Lòng Hiếu là mẹ của các công đức.

Ngày nay cùng với sự phát triển của nhân loại trên nhiều lĩnh vực. Hiếu Đạo Đông - Tây tuy có cách nhìn hướng nội ngoại khác nhau xong vẫn lấy giá trị Đạo đức là chuẩn. Nền tảng Hiếu Đạo của người Việt không những từ nhà trường mà chính là từ những bữa cơm trong gia đình để các thế hệ hiểu trật tự của Lễ, để chia sẻ văn hóa nguồn cội, để sự tích Âu Cơ - Lạc Long Quân, bánh chưng bánh dày, cây tre trăm đốt,  Tiên Dung - Chử Đồng Tử được tỏa sáng, dân tộc Việt tồn tại phát triển cũng là nhờ Hiếu Đạo trên… Hiếu Đạo - chính là cách học làm người trong văn hóa Việt, mãi là nền tảng là điểm tựa để Việt Nam Hội Nhập cùng thế giới ngày nay…

                         

 Cựu luật sư Trần Nguyên Hạnh

 

...