08/01/2025 lúc 14:06 (GMT+7)
Breaking News

Hiện đại hóa lực lượng Phòng không – Không quân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ) tinh, gọn, mạnh; tiến thẳng lên hiện đại. Bộ đội PK-KQ tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tập trung đầu tư nguồn lực để phát triển toàn diện, đặc biệt chú trọng phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu; hoạt động tác chiến trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Xây dựng lực lượng PK-KQ tinh, gọn, mạnh

Trong những năm tới, “tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”[1].

Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các loại vũ khí trang bị kỹ thuật PK-KQ công nghệ cao, thế hệ mới ra đời, khiến những đòn tiến công hỏa lực đường không, đường biển của đối phương càng trở lên khó lường. Những loại vũ khí đó là: tên lửa, pháo phòng không, ra-đa, máy bay tàng hình, máy bay không người lái (UAV), hệ thống chỉ huy, điều khển, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo cùng với tác chiến điện tử hiện đại, với chức năng giám sát, trinh sát; và các loại bom, mìn, ngụy trang, vật nổ thế hệ mới,….Những cuộc xung đột gần đây do Mỹ, NATO và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraina hẳn đã cho các nhà khoa học quân sự trên thế giới và lực lượng PK-KQ của các nước, trong đó có Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Trước tình hình đó, hiện đại hóa Lực lượng PK-KQ theo hướng tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống; “nhỏ mà không yếu, ít mà địch được nhiều”, thắng được hiện đại là nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng của Bộ đội PK-KQ trong tình hình mới.

Quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng PK-KQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng Quân chủng PK-KQ: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đã đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Trong đó, xây dựng lực lượng PK-KQ “tinh nhuệ, hiện đại” được xác định là nội dung quan trọng, là yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Quân chủng. Mặc dù đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua; song số lượng vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao của lực lượng PK-KQ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến mới. Trong khi đó nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc ngày càng nặng nề lại luôn diễn biến phức tạp trong điều kiện an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống với những nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quản lý bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Những năm gần đây, Bộ đội PK-KQ tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng, phê duyệt Đề án xây dựng lực lượng PK-KQ đến năm 2020 và những năm tiếp theo với mục tiêu: “Xây dựng bộ đội PK-KQ hiện đại, tổ chức biên chế hợp lý, tinh, gọn, mạnh, trang bị đồng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời và hợp tác quốc tế; làm cơ sở để xây dựng hoàn chỉnh lực lượng PK-KQ trong những năm tiếp theo”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định chủ trương xây dựng lực lượng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nâng cao hiệu quả hiện đại hóa lực lượng PK-KQ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Để nâng cao hiệu quả xây dựng lực lượng PK-KQ theo hướng tinh, gọn,

mạnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong giai đoạn mới, cần thực hiện tốt mấy định hướng cơ bản sau:

Trước hết, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng lực lượng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại. Đây vừa là định hướng cơ bản nhằm xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại với vai trò của con người và vũ khí, trang bị là nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là nhiệm vụ nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật chiến dịch Phòng không – Không quân bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và một số giải pháp nâng cao nhiệu quả tác chiến Phòng không- Không quân bảo vệ giao thông vận chuyển chiến lược; đòi hỏi bộ đội Phòng không- Không quân phải được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh có sức cơ động cao” với những yêu cầu mới rất cao, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; cán bộ, chiến sĩ bộ đội Phòng không- Không quân luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thông về nghiệp vụ, nghệ thuật tác chiến Phòng không- Không quân, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị có trong biên chế, nhất là vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao, vũ khí hiện đại,…; dám đánh, biết đánh và sẵn sàng đánh thắng cuộc tiến công đường không của địch trong mọi tình huống. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc nghị quyết đại hội đảng các cấp; cụ thể hóa vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện ở cấp mình, đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả; triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm toàn Quân chủng là một khối thống nhất về ý chí và hành động, đây là điều kiện quyết định để xây dựng Quân chủng tiến lên hiện đại.

Hai là, tiếp tục chấn chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; từng bước đầu tư mua sắm vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại. Đây vừa là giải pháp vừa là yêu cầu quan trọng, trên cơ sở Đề án “Điều chỉnh tổ chức Quân đội giai đoạn 2016 - 2021 và những năm tiếp theo” của Bộ Quốc phòng; quán triệt sâu sắc các khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân chủng lần thứ X: “chấn chỉnh tổ chức, biên chế tinh, gọn, mạnh, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Quân chủng tích cực rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các thành phần, lực lượng, từ khối cơ quan Quân chủng đến các đơn vị, ưu tiên quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, biên giới, hải đảo. Đối với khối đơn vị, tổ chức lực lượng theo hướng: tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt; khối cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối trung gian, giảm quân số. Nghiên cứu phát triển từng bước lực lượng công nghệ thông tin bảo đảm chỉ huy, tác chiến phòng không - không quân; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đầu tư, mua sắm, hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm chiến đấu thắng lợi trong chiến tranh hiện đại. Đồng thời, tích cực, chủ động nghiên cứu cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí, khí tài trong biên chế, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới. Chú trọng hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, tác chiến, trinh sát thống nhất, đồng bộ, bảo đảm kịp thời, bí mật, ổn định, vững chắc, liên tục và có thể chỉ huy vượt cấp, trực tiếp đến đơn vị, nhất là phân đội hỏa lực trong tình huống khẩn cấp. Tăng cường nghiên cứu, cải tiến, áp dụng các biện pháp, công nghệ mới kéo dài tuổi thọ các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao; tự sản xuất vật tư, linh kiện thay thế, chủ động nguồn lực trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Ba là, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ. Đây vừa là giải pháp vừa là định hướng nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 765 của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; phấn đấu tạo sự đột phá trong công tác huấn luyện, đào tạo. Thực hiện tốt các quan điểm, phương châm, nguyên tắc và các mối kết hợp trong huấn luyện; tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện sát với tình huống, đối tượng tác chiến, yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, tổ chức, biên chế, khả năng bảo đảm vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật trong điều kiện tác chiến mới. Huấn luyện cho đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, khả năng xử lý linh hoạt các tình huống và có thể tác chiến độc lập.

Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy được bên cạnh hiện đại hóa về vũ khí, trang bị thì phải xây dựng, đào tạo con người có trình độ cao. Theo đó, chủ động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao bằng nhiều biện pháp: tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chỉ huy tham mưu, tác chiến, đội ngũ phi công, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật tại các học viện, nhà trường; đồng thời, lựa chọn một số cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có phẩm chất, năng lực, trình độ tốt gửi đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài làm nòng cốt trong tiếp nhận tri thức công nghệ mới, hiện đại. Tập trung huấn luyện nâng cao trình độ cán bộ và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, làm chủ vũ khí, khí tài, nắm chắc quy trình kỹ thuật, trình độ khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài, trang bị trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Đối với lực lượng Không quân cần bảo đảm tốt công tác huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay cho phi công (tổ bay), nhất là phi công mũi nhọn thực hiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện khí tượng phức tạp cả ban ngày, ban đêm và bay biển.

Bốn là, thường xuyên quản lý, nắm chắc các hoạt động trên không, đặc biệt là hoạt động của không quân đối phương trên vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đây là giải pháp quan trọng nhằm thường xuyên duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, từ Sở chỉ huy Quân chủng đến các đơn vị, kịp thời xử lý các tình huống, kiên quyết không để bị động, bị bất ngờ, lỡ thời cơ. Rà soát, bổ sung điều chỉnh các kế hoạch, phương án tác chiến của các đơn vị PK-KQ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển theo mệnh lệnh của Tổng Tham mưu trưởng. Tổ chức các cuộc diễn tập nhằm nâng cao trình độ, khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng trong Quân chủng và khu vực phòng thủ.

Năm là, đẩy mạnh nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật Quân đội. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nhất là Nghị quyết số 1190-NQ/ĐU, ngày 29/3/2019 của Đảng ủy Quân chủng về: “Lãnh đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật từ nay đến năm 2023 và những năm tiếp theo”, tạo bước chuyển biến vững chắc về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn trong mọi hoạt động, chú trọng hoạt động bay. Trước hết, cần tập trung nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý bộ đội, quản lý vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật; tăng cường giáo dục, quản lý bộ đội chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, chế độ, quy định của đơn vị. Thường xuyên nắm chắc diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; dự báo xu hướng, nguy cơ dẫn đến vụ việc để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, không để nảy sinh tư tưởng tiêu cực, giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Chỉ đạo xây dựng các đơn vị điểm vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” để nhân rộng trong Quân chủng; phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Đảng ta chỉ rõ: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”[2]. Xây dựng Quân đội nhân dân, “tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”[3]. Cùng với đó, “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[4]. Đây là các lực lượng mà khi có tình huống cao thì lực lượng PK-KQ hoặc phải phối thuộc, hoặc phải phối hợp hiệp đồng. Do vậy, nếu lực lượng PK-KQ không hiện đại thì khả năng hiệp đồng sẽ không đảm bảo được tính đồng bộ và hiệu quả. Sự chuyển hóa từ nhiệm vụ thực thi quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong thời bình sang nhiệm vụ tác chiến trong thời chiến sẽ không đảm bảo được tính kịp thời, nhanh chóng và chính xác.

Về hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng và các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt tinh thần thực hiện các khâu đột phá; đó là: Đột phá về hiện đại vũ khí trang bị kỹ thuật; đột phá mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức Đảng; đột phá hiện đại về tổ chức: Tinh, gọn, mạnh, cơ động nhanh; đột phá hiện đại về mặt con người có trình độ cao để làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; hiện đại để quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc và kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống trên không, trên biển chứ không để chạy đua vũ trang. Khi hiện đại hóa trang bị phải coi trọng việc đồng bộ theo từng chủng loại giữa các lực lượng được hiện đại; nhất là các trang bị liên quan đến thông tin chỉ huy, trinh sát, thu thập và chỉ thị mục tiêu, sử dụng trong tác chiến… Có như vậy mới phát huy được hiệu quả của trang bị hiện đại và sức mạnh của vũ khí trang bị kỹ thuật trong hiệp đồng tác chiến quân binh chủng; bảo đảm khoa học và tiết kiệm.

Hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật phải được tiến hành song song với xây dựng Ngành Kỹ thuật của Quân chủng chính quy; phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật và công nghệ. Bên cạnh việc giữ gìn, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tiến có chọn lọc phương tiện, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có, cần thiết phải đầu tư đóng mới, mua sắm tàu thuyền, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Bảo đảm các hoạt động chỉ huy, chỉ đạo, tác chiến, trinh sát được thống nhất, đồng bộ, nhanh chóng, liên tục, bí mật, an toàn, ổn định, vững chắc trong mọi tình huống; hoạt động đồng bộ từ Trung tâm chỉ huy của Quân chủng đến các đơn vị trực ban sẵn sàng chiến đấu cao, làm cơ sở để chỉ đạo từ Sở chỉ huy đến các lực lượng; bảo đảm công tác phối hợp hiệp đồng giữa các đơn vị, các phương tiện xe - máy và đảm bảo việc thu thập dữ liệu, số liệu trong đấu tranh chống vi phạm, xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc cũng như đấu tranh pháp lý, chính trị, ngoại giao để bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ cho các hoạt động của lực lượng PK - KQ, các thiết bị phân tích, đánh giá chất lượng trinh sát phát hiện mục tiêu trên không để bảo đảm cho hoạt động tác chiến của các lực lượng có hiệu quả và phục vụ sẵn sang chiến đấu cao./.

Thiếu tướng VŨ HỒNG SƠN

Uỷ viên Thường vụ Đảng ủy Quân chủng,

Phó Tư lệnh - TMT QC PK-KQ


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.109.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.156, 157.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.158,159.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.157.

...