28/10/2024 lúc 15:22 (GMT+7)
Breaking News

Hát Ví, Giặm - cội nguồn và sức sống mạnh mẽ

VNHN - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một đặc trưng tiêu biểu của nền văn nghệ dân gian Nghệ An, Hà Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2014.

VNHN - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một đặc trưng tiêu biểu của nền văn nghệ dân gian Nghệ An, Hà Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2014.

Là một loại hình dân ca có xuất xứ và được tạo nên từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân khu vực Nghệ Tĩnh qua bao thế hệ, hát Ví, Giặm đã trở thành loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần giáo huấn con người trên mọi phương diện đạo đức, luân lý, lối sống, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Nghệ trong suốt chiều dài của lịch sử. Và, càng tự hào hơn khi Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014).

Ảnh : Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh

Mặc dù cho đến nay không xác định được dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng có một điều có thể  khẳng định, điệu hát này xuất xứ từ đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ  An, Hà Tĩnh đã từ rất lâu đời, để trở thành một nền văn hóa dân gian, một di sản văn hóa quý báu của vùng quê sâu nặng tình đất, tình người. Vẫn phải nhắc lại rằng, đặc trưng cơ bản nhất của dân ca Ví, Giặm là gắn liền với đời sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của người dân xứ Nghệ, thể hiện qua tên gọi các làn điệu như ví phường rèn, ví phương vải, ví đò đưa, ví phường nón, ví trèo non…; giặm Đức Sơn, giặm kể, giặm ru, giặm khuyên… Ước tính hiện có hàng chục điệu ví và điệu giặm. Qua thực tiễn tồn tại và phát triển, có thể khẳng định rằng, vùng “núi Hồng, sông Lam” – mạch nguồn dân ca ví, giặm, đã và sẽ chảy mãi, chảy mãi trong đời sống của con dân xứ Nghệ, như câu ca: “ Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước/ Thì đó với đây mới hết tình…”.

Trong cuộc sống lao động và sinh hoạt đầy vất vả, khó khăn ở miền đất mà điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt này, để vượt lên mọi thử thách xây dựng cuộc sống, từ xa xưa tinh thần lạc quan, yêu đời, lòng tin vào con người, vào tính cộng đồng cố kết đã trở thành “vũ khí“ sắc bén và là sức mạnh to lớn của người dân nơi đây. Từ phẩm chất đó, ở bất cứ nơi đâu, bên khung cửi, trên đồng ruộng, nơi miền sông nước hay trên non cao, người dân xứ Nghệ đều có thể cất lên tiếng hát của cõi lòng mà không cần tới sự trợ giúp của các loại nhạc cụ hay điều kiện trình diễn nào. Vì thế, một cách tự nhiên nhất, hát Ví, Giặm đã trở thành phương tiện nghệ thuật phổ biến để người dân giãi bày tâm tư, tình cảm; để trai gái thể hiện tình yêu đôi lứa; cộng đồng thể hiện sự gần gũi, gắn kết; con người thể hiện tình yêu đất nước, quê hương…

Đó là nền tảng cội nguồn vững chắc làm nên Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giàu chất truyền thống, mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ của vùng miền. Chính vì vậy mà hát ví, giặm không đòi hỏi cầu kỳ về không gian, thời gian, điều kiện diễn xướng; cũng không cần phải có nhạc cụ, đạo cụ hoặc trang phục phức tạp, mà vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và theo thời gian.

Một trong những nét nổi bật của hát ví, giặm là luôn mang tính giáo dục sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề cần đề cập, góp phần vào việc giáo huấn con người về các phương diện đạo đức, luân lý, tình yêu thương con người, lòng nhân ái…, hướng con người tới chân thiện mỹ.

Ảnh : Hát Ví, Giặm bên dòng sông Lam

Hát Ví, Giặm thực chất là có hai lối hát (Ví và Giặm) được diễn xướng xen kẽ với nhau. Trong đó, hát ví là hát tự do không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co dãn một cách ngẫu hứng…Còn hát giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn, có tiết tấu rõ ràng, có phách nặng phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại… Hai lối hát được kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một mạch nguồn dân ca hết sức đặc trưng, đủ sự tinh tế, nhưng cũng có tính đại chúng rất cao.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao biên cố theo thời gian, đến nay dân ca Ví, Giặm vẫn chứng tỏ sức sống lâu bền của mình, vẫn có sức hấp dẫn với con người trong xã hội hiện đại. Theo một số liệu thống kê, hiện tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có gần 200 Câu lạc bộ dân ca trong cộng đồng (trong đó nghệ An có hơn 100 CLB/21 huyện thành thị, Hà Tĩnh có hơn 80 CLB/13 huyện thành thị) đi vào hoạt động với khoảng 4000 thành viên tham gia sinh hoạt ở nhiều độ tuổi và tầng lớp khác nhau, trong đó hơn 40 nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, đã hình thành được một đội ngũ khá đông đảo những tác giả sáng tác các ca khúc phát triển từ dân ca.

Soạn lời cho các làn điệu. Dàn dựng các tiết mục, chương trình dân ca. Nhìn chung, các CLB sinh hoạt nhiệt tình, say mê, tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa cộng đồng dân cư của địa phương, tham gia các kỳ Liên hoan, Hội diễn dân ca Ví, Giặm, Lễ hội Làng Sen của tỉnh. Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt CLB, nhiệt tình truyền dạy dân ca cho các thế hệ trẻ. Sinh hoạt của các CLB dân ca ví giặm khá phong phú và mang bản sắc của từng địa phương như: CLB phường Lê Lợi, CLB phường Trường Thi, CLB phường Hà Huy Tập (TP Vinh), CLB Diễn Thái, CLB Diễn Mỹ, CLB Diễn Lợi, CLB Diễn Lâm (h.Diễn Châu), CLB Bồi Sơn (h.Đô Lương), CLB Đồng Thành, CLB Phúc Thành (h.Yên Thành), CLB Hồng Sơn (h.Quỳnh Lưu), CLB phường vải Kim Liên (h.Nam Đàn), CLB Ngọc Sơn (h.Thanh Chương), CLB Quỳnh Thắng (h.Quỳnh Lưu)… Đây là lực lượng nòng cốt để nắm giữ, trao truyền di sản trong nhân dân, và lực lượng này ngày càng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng. 

Vậy vì sao Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lại có sức sống kỳ diệu như vậy? Có lẽ điều quan trọng đầu tiên xuất phát từ chính cội nguồn xuất xứ của nó, nghĩa là từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân, do nhân dân sáng tạo nên. Cũng qua hát ví, giặm, trình độ hiểu biết, trí thông minh, khả năng ứng xử (qua đối đáp, đối thoại trong khi diễn xuất) được thể hiện, tạo động lực và sự hào hứng để càng có nhiều người tham gia hơn. Bên cạnh đó, hát ví, giặm mang nội dung trữ tình, thể hiện vẻ đẹp, chiều sâu tâm hồn của người dân trong cuộc sống, trong công việc; là nguồn động viên tinh thần để con người vượt qua khó khăn vươn lên. Điều đó làm nên sức hấp dẫn của dân ca ví, giặm đối với mọi thế hệ người dân xứ Nghệ.

Nhận thức sâu sắc vị trí quan trọng của dân ca ví, giặm trong đời sống văn hóa của người dân, đồng thời để góp phần tích cực vào việc bảo vệ và phát huy loại hình “Di sản văn hóa” đặc sắc này, hằng năm cấp liên tỉnh 2 năm/ 1 lần luân phiên giữa Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Dân ca Ví, Giặm, thu hút sự tham gia của rất nhiều địa phương, nhiều CLB và những người yêu nghệ thuật này.

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan đó, năm 2018 tại Nghệ An sẽ tổ chức liên hoan ở 4 cụm, diễn ra từ ngày 24/7 đến ngày 3/8/2018. Theo đó, Cụm 1 tổ chức tại Thị xã Hoàng Mai, từ ngày 24/7-25/7/2018; Cụm 2 tổ chức tại huyện Đô Lương, từ ngày 27/7- 28/7/2018; Cụm 3 tổ chức tại huyện Nam Đàn, từ ngày 30/7- 31/7/2018; Cụm 4 tổ chức tại huyện Tân Kỳ vào ngày 2/8-3/8/2018. Sau khi hoàn thành Liên hoan cấp tỉnh, Ban tổ chức sẽ chọn 12 Câu lạc bộ xuất sắc trong 4 cụm tham gia Liên hoan cấp liên tỉnh tại Hà Tĩnh vào ngày 24/8-27/8/2018. Riêng ở Nghệ An còn tổ chức giao lưu tại huyện Hưng Nguyên và Thành phố Vinh về hoạt động này.

Dân ca ví, giặm Nghệ tĩnh, nhờ vậy sẽ trường tồn mãi với thời gian và ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống cộng đồng.