19/05/2024 lúc 19:42 (GMT+7)
Breaking News

Hành lang pháp lý cho quỹ xã hội, quỹ từ thiện

VNHN - Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước của quỹ xã hội (QXH), quỹ từ thiện (QTT) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Dự thảo nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước về các quỹ này, tránh tình trạng lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, hoặc có những hoạt động không đúng pháp luật. Việc ban hành nghị định là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

VNHN - Dự thảo nghị định sửa đổi quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý Nhà nước của quỹ xã hội (QXH), quỹ từ thiện (QTT) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Dự thảo nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước về các quỹ này, tránh tình trạng lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, hoặc có những hoạt động không đúng pháp luật. Việc ban hành nghị định là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Chạy bộ gây quỹ từ thiện

Kinh tế đất nước đang phát triển mạnh mẽ, đời sống xã hội có nhiều đổi mới thì sự ra đời và phát triển của QXH, QTT ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng lớn hơn trong thực tiễn. QXH với tôn chỉ, mục đích là hoạt động nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học và các mục đích phát triển cộng đồng. Còn QTT nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội. Cả hai loại quỹ này được thành lập và hoạt động không vì lợi nhuận trên cơ sở tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình. Việc quỹ ra đời nhận được sự hưởng ứng tích cực của xã hội. Đất nước ta còn những khó khăn nhất định, nhiều địa bàn vẫn thuộc diện kém phát triển, nhiều hoàn cảnh rất cần sự giúp đỡ, nhiều lĩnh vực cần được khích lệ, động viên để phát triển. Bởi thế, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân gây dựng và phát triển các quỹ như thế luôn cần thiết.

Trong những năm qua, QXH, QTT với giá trị nhân văn sâu sắc đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Quỹ đã phát huy hiệu quả vai trò huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ, khuyến khích các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, giúp họ vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Những quỹ như: Khuyến học, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hỗ trợ phụ nữ phát triển, vì biển, đảo Việt Nam… đã khẳng định sự hiệu quả, sức lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã có nhiều loại quỹ hoạt động thể hiện sự thiếu minh bạch, thu chi không rõ ràng, không đúng mục đích; những cá nhân, tổ chức quỹ đã bị phát hiện gian dối về tài chính, trục lợi do kẽ hở của pháp luật… phần nào khiến niềm tin xã hội bị suy giảm.

Từ nhiều năm qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản pháp luật quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, mà rõ nét nhất là Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ban hành ngày 12-4-2012 về tổ chức, hoạt động của QXH, QTT. Đây cũng là văn bản có tính pháp lý quan trọng, thể chế các quy định của Bộ luật Dân sự về các quyền của tổ chức, cá nhân.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả rất tốt đẹp, hoạt động của QXH, QTT cũng bộc lộ những hạn chế cần chấn chỉnh. Việc sửa đổi, ban hành nghị định mới trong lĩnh vực này nhằm phát huy hơn nữa vai trò của quỹ, đồng thời đưa hoạt động này ngày càng minh bạch. Dự thảo nghị định đề cập tới một số nội dung được dư luận đánh giá cao, như: Quy định về điều kiện để thành lập quỹ cho phù hợp với thực tiễn; những vấn đề về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản quỹ trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác nhằm khắc phục kẽ hở tránh các tổ chức, cá nhân quỹ lợi dụng… Điều kiện, thủ tục thành lập quỹ cũng được quy định chặt chẽ hơn. Dự thảo cũng đưa ra những quy định rõ ràng về các hành vi quỹ không được làm, đó là xâm phạm uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc, cùng với những quy định nghiêm cấm đã có từ trước, như: Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống và bản sắc dân tộc; rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật…

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, do đó QXH, QTT cũng luôn cần có một hành lang pháp lý để nó vận hành.

NGUYỄN HÀ MY