12/01/2025 lúc 01:50 (GMT+7)
Breaking News

Hàn Quốc - Việt Nam chung tay xây dựng "Làng hòa bình"

Từ lâu, bóng ma bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã ám ảnh cuộc sống của người dân ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Tuy nhiên, bức tranh ấy đang dần thay đổi nhờ dự án “Hành động bom mìn vì làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” (KVPVP).

Khi những vết tích chiến tranh còn in đậm, cuộc sống của người dân ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định luôn trong tình trạng bất an. Mỗi khi ra đồng, người dân phải đối mặt với nỗi sợ hãi bị thương bởi những quả bom mìn còn sót lại từ chiến tranh. Trẻ em không được tự do chạy nhảy, vui chơi vì sợ va phải vật nổ. Thậm chí, việc đi lại giữa các làng xóm cũng trở nên khó khăn và nguy hiểm. Bom mìn đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này, nhiều diện tích đất canh tác bị bỏ hoang, cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Theo thống kê, hàng năm có không ít vụ nổ xảy ra, gây ra thương tích nặng nề và cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Dự án "Hành động Bom mìn vì Làng Hòa bình Việt Nam – Hàn Quốc" (KVPVP) được triển khai với mục tiêu lớn là loại bỏ ô nhiễm bom mìn từ sau chiến tranh, đặc biệt tại ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định. Mặc dù dự án chính thức bắt đầu vào tháng 5 năm 2024, nhưng ý nghĩa và sự tác động của nó đã được hoạch định từ trước để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hạn trong việc xử lý và khắc phục những hậu quả nghiêm trọng do bom mìn để lại. Dự án không chỉ dừng lại ở việc xin rà phá bom mìn mà còn dự kiến sẽ nâng cao năng lực cho các cơ quan và tổ chức liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngày 16/10/2024 lực lượng rà phá bom mìn thuộc dự án Hành động bom mìn vì làng hoà bình Việt Nam - Hàn Quốc tại huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện một quả bom phá mang ký hiệu MK82 nặng 500 bảng tại địa bàn thôn A Chi Hương Sơn, xã A Roàng, huyện A Lưới. Sau khi phát hiện, các đơn vị đã phối hợp xử lý thành công, an toàn theo đúng quy trình kỹ thuật.

Các hoạt động chính của dự án bao gồm việc khảo sát và rà phá khoảng 15.000 ha đất, trong đó dự kiến sẽ giải phóng khoảng 6.000 ha đất ô nhiễm bom mìn trước năm 2026. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường sống an toàn cho người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế và nông nghiệp, đồng thời góp phần làm giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho cộng đồng . KVPVP là một phần của nỗ lực rộng lớn nhằm tái thiết và phát triển bền vững các cộng đồng nông thôn bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Dự án kết hợp các hoạt động rà phá với việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm hỗ trợ nông nghiệp cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho các nạn nhân bom mìn. Thông qua các hoạt động này, KVPVP không chỉ giúp xây dựng những "làng hòa bình" mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, từ đó cải thiện điều kiện sống và tạo ra sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Bên cạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và rà phá bom mìn, KVPVP cũng đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc phòng tránh tai nạn do bom mìn. Thông qua các chương trình giáo dục và truyền thông, người dân sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện và ứng phó với những nguy cơ tiềm tàng từ bom mìn. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn mà còn góp phần xây dựng một "làng hòa bình" bền vững hơn, nơi mà mọi người có thể sinh sống và phát triển trong một môi trường an toàn và ổn định hơn.

Nhờ sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, dự án KVPVP đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc rà phá bom mìn, giải phóng đất đai và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự án đã góp phần xây dựng những "Làng hòa bình", mở ra một tương lai tươi sáng cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển bền vững.

Thu Lương

...