06/05/2024 lúc 06:03 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Gian nan gìn giữ điệu hát Sọong cô

VNHN - Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người Sán Dìu trên địa bàn TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã dần quên đi những phong tục truyền thống, trong đó điệu hát Sọong cô cũng đang dần mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền.

VNHN - Trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, người Sán Dìu trên địa bàn TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã dần quên đi những phong tục truyền thống, trong đó điệu hát Sọong cô cũng đang dần mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền.

Thôn Chín Hạ xã Bắc An có tới 90% là người dân tộc Sán Dìu nhưng hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay là còn hát và thuộc những làn điệu Soong cô. Trong đó bà Lưu Thị Kiên là 1 trong những người còn lại thuộc và nhớ nhuần nhuyễn những bài hát Sọong cô. Trao đổi với chúng tôi trong 1 chiều hè tháng 6, bà Kiên bồi hồi nhớ lại về những thời gian khi còn nhỏ được theo chân người lớn tham gia những buổi hát lượm. Bà cho biết không biết điệu hát của dân tộc mình có từ bao giờ mà chỉ biết từ khi còn nhỏ đã được nghe ông bà hát và Soọng Cô trong tiếng Sán Dìu có nghĩa là điệu hát. Tạm dừng câu chuyện trong thoáng chốc, bà Kiên chậm rãi ngâm nga điệu hát Sọong cô như gửi gắm những nỗi niềm của bản thân:

Bà Lưu Thị Kiên là 1 trong số ít người của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bà thôn Chín hạ, xã Bắc An, TP Chí Linh còn nắm giữ được loại hình nghệ thuật này

Bà Kiên cũng cho biết thêm, hiện trong thôn Chín Hạ vẫn có rất nhiều gia đình là người đồng bào dân tộc Sán Dìu nhưng không hiếm con cháu của họ không còn nói được tiếng ông cha, ít hiểu biết về văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, để gìn giữ và truyền lại di sản quý báu của ông cha từ nhiều năm nay cho thế hệ mai sau của dân tộc mình là điều hết sức khó khăn. Nguyên nhân do điệu hát hát Sọong cô chủ yếu được truyền miệng nên nhiều bài, nhiều ca từ đã bị thất lạc. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và các loại hình dịch vụ giải trí đã làm cho thế hệ trẻ trong làng không còn đoái hoài đến điệu hát truyền thống Soọng Cô... đây là nỗi trăn trở của bà Kiên cũng như nhiều người cao tuổi khác trong thôn.

Tâm nguyện của bà Kiên cũng như nhiều người khác trong xã là mong chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn hãy quan tâm giúp đỡ để điệu hát Soọng Cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được gìn giữ. “Tâm tư nguyện vọng của tôi là rất muốn duy trì làn điệu Sọong cô của dân tộc mình, không muốn để bị mai một mất, cho nên tôi rất là muốn có sự hỗ trợ của cấp chính quyền địa phương để mở được những lớp dạy hát về điệu hát Sọong cô, qua đó, giúp cho điệu hát này của dân tộc chúng tôi được sống mãi với thời gian”, bà Kiên chia sẻ.

Loại hình hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu là một hình thức sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng rất cao, sử dụng ngôn ngữ địa phương, trang phục truyền thống và thường được thể hiện trong các dịp lễ hội, tết đến xuân về, đám cưới, hát vui giao duyên, đón bạn bè, anh em… Làn điệu Soọng cô có từ rất lâu đời, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống thông qua lời hát mềm mại, bóng bẩy, mượt mà. Sọong cô là thể loại dân ca trữ tình, lời hát tự do phóng khoáng, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, lao động sản xuất…và là môi trường để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Nét đặc trưng của điệu hát Soọng Cô là chỉ có một làn điệu và nội dung của tất cả các bài rất ngắn, thường chỉ có 4 câu, 7 tiếng và được đồng bào tộc Sán Dìu truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Những câu Sọong cô sẽ vẫn còn được lưu truyền và sẽ còn ngân vang, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người dân nơi đây.

Thời gian qua, bằng những hướng đi tích cực, những nét văn hóa độc đáo của làn điệu Soọng cô đang được đồng bào Sán Dìu, nhân dân và chính quyền tỉnh Hải Dương nỗ lực gìn giữ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trước sự tác động nhiều mặt của đời sống xã hội luôn là vấn đề khó, cần có thời gian lâu dài, đặc biệt phải có sự chung tay vào cuộc, góp sức của các cấp, các ngành chức năng. Trao đổi với chúng tôi, Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Hải Dương cho biết: “Để có thể bảo tồn và phát huy những giá trị của điệu hát Sọong cô, Tỉnh Hải Dương đang tiếp tục nghiên cứu và sưu tập những đặc sắc văn hóa của những đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tỉnh Hải Dương, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống tróng lĩnh vực biểu diễn Đồng thời tạo được sân chơi, không gian nghệ thuật để các nghệ nhân dân gian đang nắm giữ những nghệ thuật thuật truyền thống ấy có thể biểu diễn”.

Dòng chảy của thời gian sẽ có thể làm cho những thành tố văn hóa bị mai một, song với lòng thiết tha với văn hóa dân tộc của những người như bà Kiên thì những câu Sọong cô sẽ vẫn còn được lưu truyền và sẽ còn ngân vang, lắng đọng trong tâm hồn mỗi người dân nơi đây.