13/05/2024 lúc 13:17 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: Vì sao xây dựng nông thôn mới nhanh, đúng, trúng, bền vững

Mới chỉ mới 12 năm mà gương mặt nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã có những chuyển biến căn bản, làm thay đổi diện mạo một tỉnh từng được cho là tỉnh nghèo của cả nước mà người dân từng quen đội áo tơi ra đồng, “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
12 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã xây dựng được những miền quê trù phú, thanh bình, thực sự đáng sống.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Võ Trọng Hải cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ Hà Tĩnh đặt ra trong các chương trình hành động của mình; được tiến hành một cách liên tục, không ngừng nghỉ, chuyển mạnh có chiều sâu và phải mang tính bền vững. Trong đó bằng mọi biện pháp phát huy cao sự chủ động, sáng tạo của người dân, người dân là chủ thể, cùng tham gia và người dân chính là người hưởng thụ các giá trị mà chương trình MTQG mang lại đó là đời sống không ngừng được nâng cao, vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải thăm gian trưng bày các sản phẩm địa phương đạt chuẩn OCOP

Thành tựu vượt trội

Xây dựng NTM ở Hà Tĩnh là một hành trình “chỉ có khởi đầu, không có kết thúc”. Và, trong suốt hành trình đó, một nhân tố quan trọng bậc nhất chính là con người, từ cán bộ, đảng viên đến mỗi người dân. Trong những năm 2020, 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp, rồi thiên tai, mưa lũ xảy ra, nhưng phong trào xây dựng NTM vẫn diễn ra đều khắp và đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Đội ngũ cán bộ, từ tỉnh đến huyện, xã, thôn không quản khó khăn, vất vả, dốc sức cho công việc, sâu sát và gần dân, cùng người dân lo thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, người dân ở đâu trong tỉnh cũng phấn khởi, tin tưởng, một lòng dốc sức xây dựng NTM, bởi họ hiểu được tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM và không ai khác, chính họ là người được thụ hưởng những thành quả lớn lao của chương trình.

Không phải ngẫu nhiên mà du khách từ các địa phương khác trên cả nước, mỗi khi có dịp đến thăm Hà Tĩnh đều ngỡ ngàng, nể phục về sự đổi thay nhanh chóng, đầy khởi sắc của nông thôn Hà Tĩnh. Từ những vùng núi đến ven biển… đâu đâu cũng thấy nhiều cách làm sáng tạo để các khu dân cư kiểu mẫu vừa hài hòa nét hiện đại, vừa đậm đà sắc màu truyền thống của quê hương. Có thể khẳng định, đến với Hà Tĩnh hôm nay là đến với rất nhiều làng quê đáng sống.

Với đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết và được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt. Đặc biệt, Chương trình MTQG đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ nông thôn tăng trưởng nhanh. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm dần. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, thông qua đó đã hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền. Hợp tác xã ngày càng phát huy vai trò liên kết hộ nông dân với nhau và kết nối giữa nông thôn với doanh nghiệp.

Thông qua xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã làm thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phong trào “chung sức xây dựng NTM” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong Tỉnh đã triển khai hiệu quả vai trò giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.

Chính từ cách làm “linh hoạt, quyết liệt”, trong năm 2021 (năm đầu thực hiện đề án tỉnh NTM), Hà Tĩnh đã có thêm 3 huyện (Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Hương Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM toàn tỉnh lên 9/13. Đến nay Hà Tĩnh có 177/182 xã đạt chuẩn NTM; 50 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2021 đạt gần 36,5 triệu đồng.

Từ phong trào NTM, Hà Tĩnh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế nông thôn tổng hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện chương trình OCOP hiệu quả; quan tâm cao đến văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử; vấn đề môi trường, nhất là nước sạch, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, công trình vệ sinh hộ gia đình; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, từng bước phát triển du lịch nông thôn… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Khoảng cách phát triển giữa nông thôn-thành thị từng bước được thu hẹp.

Các sản phầm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao

Nguyên nhân và kinh nghiệm quý

Để triển khai hiệu quả quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án. Bám sát Nghị quyết 04, Hà Tĩnh đã dồn lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân phát triển. Theo đó, các địa phương trong tỉnh tập trung cao để hoàn thiện các nội dung, tiêu chí, đạt khối lượng đề ra từ đầu năm. Phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tiếp tục được tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quán triệt sâu sắc, nhất quán quan điểm, thống nhất hành động, quyết tâm thực hiện thành công tỉnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021 - 2025. Xác định đây là trách nhiệm của Hà Tĩnh với Trung ương và cả nước, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cấp, từng ngành.

Thành tựu Hà Tĩnh đạt được trong xây dựng NTM là rất đáng trân trọng và ghi nhận. Những kết quả quan trọng đó được kết tinh từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết phải nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng NTM, trên cơ sở có quan điểm đúng đắn, kiên trì, thống nhất đồng thuận cao, cùng một ý chí vì dân trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, với phương châm: “Dựa vào dân để lo cuộc sống cho dân”, "Nâng đầu đỡ cuối, tất cả cùng tiến bộ, phát triển", thực hiện không ngưng nghỉ bởi vì "Dừng lại là rớt chuẩn".

Đặc biệt, để vượt qua những khó khăn thách thức trong suốt hành trình, người Lãnh đạo các cấp thực sự tâm huyết, trách nhiệm, giám nghĩ, giám làm, có sự hy sinh, luôn sâu sát, biết "giữ lửa" cho phong trào, có phương pháp cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát động cao điểm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. Mặt khác, cán bộ các cấp, các ban, ngành đã luôn sâu sát cơ sở, hướng dẫn cơ sở một cách chu đáo mang tính cầm tay chỉ việc, đồng thời có sự động viên, khích lệ, kiểm tra tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Việc đánh giá kết quả của các đơn vị theo khối lượng đạt được trong kỳ, kể cả khi đã đạt chuẩn, luôn gắn với việc nhắc nhở nâng cấp theo chuẩn mới đảm bảo bền vững, thực chất. Trong quá trình đó, Tỉnh đã cương quyết đối với những địa phương không đạt yêu cầu thì thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn (đã có 2 xã bị thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn), thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP (đã có 5 sản phẩm bị thu hồi chứng nhận đạt chuẩn OCOP).

Một nguyên nhân nữa giúp làm nên kết quả trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh là Tỉnh có cơ chế, cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa; Ngân sách nhà nước chủ yếu mang tính hỗ trợ, kích hoạt, thưởng theo kết quả đầu ra. Đi đôi với đó là phân cấp, trao quyền chủ động cho cơ sở, người dân và cộng đồng; tăng cường sinh hoạt, đối thoại, phát huy cao dân chủ cơ sở; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn lực, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tạo sự tin tưởng của người dân, cộng đồng và toàn xã hội. Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành cần được quan tâm, thì công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân về mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của người dân trong xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực và sâu rộng.

Một góc xã NTM nâng cao Tân Lâm Hương (Thạch Hà)

Cùng với đó, bộ máy giúp việc của các cấp chuyên trách, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả. Hầu hết đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM đều tận tuỵ, hy sinh và chịu khó tìm tòi, biết khơi dậy sáng tạo của người dân để người dân vào cuộc chủ động, làm cho người dân khao khát xây dựng NTM vì thành quả đạt được chính người dân được thụ hưởng…

Một điều không kém quan trọng là việc tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM phải từ cơ sở, từ nhu cầu thiết thực của người dân và sự phát triển của địa phương. Thường xuyên bám sát thực tiễn, sơ kết, tổng kết để kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Phát huy những kinh nghiệm quý đó trong hành trình tiếp tục xây dựng NTM, Hà Tĩnh sẽ đạt được những mục tiêu đề ra: Đến năm 2025, có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch; 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tối thiểu 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người; có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó 20% đạt 4 sao, 5% đạt 5 sao; hoàn thành 10/10 tiêu chí cấp tỉnh và tỉnh Hà Tĩnh được công nhận “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới” vào năm 2025.

Nguyệt Hằng