20/04/2024 lúc 01:41 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững

Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn…, là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”.

Hồ Kẻ Gỗ - công trình thuỷ lợi phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất, dân sinh của tỉnh, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2020), từ tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Tĩnh đã đạt được những thành quả quan trọng, trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM.

Đến cuối năm 2021, Hà Tĩnh có có 8/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện đang đề xuất Trung ương công nhận đạt chuẩn trong năm 2021; có 173/182 xã đạt chuẩn NTM; 44 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu.

Với những thành tựu đạt được, nhất là từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, vươn lên trở thành tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới cả nước, tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương chọn để thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025. Đây cũng chính là mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Chánh Văn phòng NTM tỉnh Trần Huy Oánh, để đáp ứng yêu cầu, nhu cầu ngày càng cao của người dân thì xây dựng NTM trong giai đoạn mới cần có sự đột phá hơn và ở một tầm cao hơn nữa. Đó là xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn theo hướng bền vững, toàn diện, đi vào chiều sâu gắn với bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn và phát huy các giá trị tốt đẹp về văn hóa truyền thống…

Nông dân Đức Thọ triển khai phá bở thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và dồn điền đổi thửa.

Năm 2021 - năm đầu triển khai thực hiện đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2021-2025”, mặc dù trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng Hà Tĩnh đã tập trung cao cho tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, trong năm tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,78%; tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) đạt 13.579 tỷ đồng (tăng 3,9% so với năm 2020); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt trên 93 triệu đồng/ha”.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành nông nghiệp xác định trọng trách vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa làm động lực giữ đà tăng trưởng chung của tỉnh. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành là tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững với các nội dung cụ thể như: Tích tụ ruộng đất; sản xuất tiến dần theo hướng tiêu chuẩn, quy chuẩn và hữu cơ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các kênh thương mại điện tử…

“Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp đó là tổ chức sản xuất sản phẩm chủ lực theo định hướng các vùng sản xuất tập trung có lợi thế. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng sản xuất tập trung của tỉnh, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hệ thống tưới tiết kiệm; xây dựng hệ thống quản lý mã vùng trồng áp dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và khả năng tiếp cận thị trường” - ông Nguyễn Văn Việt cho hay.

Ngày 18/11/2021, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đây được xem là “cánh cửa lớn”, là tiền đề quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cụ thể hoá mục tiêu hoàn thành xây dựng tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải – Trưởng BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng đô thị văn minh và chương trình OCOP cùng lãnh đạo các sở ngành kiểm tra mô hình phát triển sản xuất tại huyện Kỳ Anh

Thực hiện Nghị quyết 06, ngay từ vụ xuân 2022, các địa phương có điều kiện đồng đất phù hợp như: Can Lộc, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ... đã tích cực triển khai phá bở thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn và dồn điền đổi thửa. Đến nay, tổng diện tích cánh đồng có diện tích lớn đạt trên 4.690 ha (tăng thêm 3.560 ha so với năm 2020).

“Tập trung, tích tụ ruộng đất là giải pháp đột phá quan trọng để chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung, quy mô diện tích lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, công nghệ cao; gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, chuyển đổi số và phát triển thị trường” - ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định.

Để tạo đòn bẩy, động lực để các tổ chức, hộ gia đình nâng cao thu nhập, hoàn thành các tiêu chí NTM, ngày 16/12/2021, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND về Quy định chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 – 2025. Chính sách hướng tới 3 nhóm lớn: An sinh xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển nhằm tăng các chỉ số phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn. Tổng dự toán kinh phí xây dựng chính sách giai đoạn 2022-2025 khoảng 466,1 tỷ đồng.

Bằng những chủ trương, chính sách thiết thực, sát đúng, nhiệm vụ phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn đã, đang được cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh quyết tâm triển khai thực hiện góp phần xây dựng thành công tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025.

Anh Bình