22/11/2024 lúc 23:29 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh hướng tới giá trị bền vững trên hành trình hội nhập

Hành trình thực hiện khát vọng trở thành tỉnh khá của cả nước, cùng với phát huy ý chí và sức mạnh nội sinh, Hà Tĩnh sẽ mở rộng kết nối, tăng cường hợp tác, cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng những giá trị mới để hội nhập và phát triển. Đó lời khảng định của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải với VNHN.

Tăng cường thu hút đầu tư

Hơn 1 thập kỷ qua, Hà Tĩnh có sự bứt phá mạnh mẽ với những điểm sáng đáng tự hào: quy mô kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại; công nghiệp có bước phát triển đột phá, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng; thương mại, dịch vụ và du lịch từng bước khai thác hiệu quả; nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả khá; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả nổi bật; công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, phát huy, giáo dục mũi nhọn giữ vững tốp đầu cả nước; hoạt động an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm; quốc phòng - an ninh được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải phát biểu trong một sự kiện

Một trong những bước đi chiến lược và cũng là giải pháp đột phá của tỉnh thời gian qua là chú trọng tăng cường ngoại giao kinh tế, xúc tiến quảng bá, xây dựng chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, Hà Tĩnh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục tăng qua từng năm. Môi trường phát triển thân thiện và năng động, an ninh chính trị ổn định, cùng với sự chủ động, cởi mở trong việc tiếp cận, kết nối của tỉnh đã tạo sức hút để nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư những dự án trên nhiều lĩnh vực, góp phần cùng Hà Tĩnh đánh thức tiềm năng, tạo sự bứt phá. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng. Hà Tĩnh cũng đã thúc đẩy hình thành và phát triển dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics, ký kết hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn mở tuyến container Vũng Áng. Đây là bước hợp tác khởi đầu chiến lược để thiết lập ổn định và phát triển mở rộng, hình thành tuyến vận tải container khu vực và quốc tế, phát triển dịch vụ hậu cảng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương.

Bên cạnh đó, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch biển cao cấp, du lịch sinh thái của các DN lớn như: Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH… cũng đang xúc tiến các hoạt động đầu tư vào Hà Tĩnh.

Hoạt động thu hút đầu tư với những dự án hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng hội nhập, bền vững. Nếu như thời điểm sau tái lập tỉnh (những năm 1990), thu ngân sách nội địa mới đạt hơn 18 tỷ đồng, thì đến năm 2009, Hà Tĩnh đã có mặt trong nhóm các địa phương có số thu hơn 1.000 tỷ đồng và đến năm 2022, số thu nội địa đạt gần 8.800 tỷ đồng; tính cả số thu xuất, nhập khẩu, thu ngân sách của Hà Tĩnh năm 2022 vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng. Quy mô nền kinh tế (GRDP) có bước phát triển rõ rệt, từ con số 5.836 tỷ đồng vào năm 2004, đến năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng, tăng gần 16 lần, GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao qua các thời kỳ, giai đoạn 2005-2020 đạt mức 2 con số (10,01%). Thu hút đầu tư đã giúp Hà Tĩnh từ tỉnh nghèo vươn lên trở thành địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ 30 cả nước (tăng 15 lần so với năm 2004), thuộc 10 địa phương có vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Hệ thống SX nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I

Các DN trong và ngoài nước hoạt động tại Hà Tĩnh đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động; với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đã thúc đẩy đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý địa phương nâng cao trình độ, năng lực và rèn luyện tác phong công nghiệp. Mặt khác, trong quá trình hợp tác đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đã được tiếp cận những chính sách cởi mở, có sự đồng hành hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự ủng hộ, gắn bó của người dân để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Từ đó, ngoài đóng góp ngân sách cho nền kinh tế, các DN luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Sự hợp tác hài hòa, hiệu quả, bền chặt đó góp phần để Hà Tĩnh tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành, các quốc gia, thúc đẩy ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị.

Quy hoạch tỉnh – Hiện thực tiềm năng và khát vọng

Trong quá trình phát triển, Hà Tĩnh luôn quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch bài bản với tầm nhìn chiến lược, từ đó hoạch định kế hoạch, giải pháp phát triển KT-XH, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong từng giai đoạn. Ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg. Theo đó, Hà Tĩnh trở thành một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch là cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh xác định tầm nhìn, sắp xếp không gian phát triển với 4 ngành kinh tế trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế và 1 trung tâm động lực tăng trưởng. Đồng thời quy hoạch xác định rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Một góc cảng Vũng Áng

Với 4 ngành kinh tế trọng điểm (công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch), Hà Tĩnh sẽ phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh, hài hòa giữa phát triển KT-XH, văn hóa, bảo đảm môi trường sống. Trong giai đoạn mới, 4 yếu tố: nguồn lực và văn hóa con người; kết cấu hạ tầng đồng bộ; môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; chuyển đổi số và cải cách hành chính được xác định là các yếu tố nền tảng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số…Quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện quy hoạch là luôn bám sát thực tế để định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển gắn với liên kết vùng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh  Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải gặp gỡ các nhà đầu tư vào Hà Tĩnh. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết: “Hà Tĩnh tiếp tục xác định giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện những mục tiêu chiến lược của giai đoạn phát triển mới là đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và huy động tối đa nguồn lực thực hiện quy hoạch. Tỉnh tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng môi trường đầu tư ngày càng công khai, minh bạch; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, nhà đầu tư, nhất là các vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy hoạch, giải phóng mặt bằng... Đặc biệt, các tổ công tác, tổ giúp việc của UBND tỉnh đã được thành lập nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện hồ sơ, thủ tục để triển khai dự án”.

Hà Tĩnh “trải thảm” để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm gồm: lĩnh vực công nghiệp sẽ tập trung vào các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng các khu - cụm công nghiệp, sản xuất điện, chế biến nông sản, dệt may; lĩnh vực dịch vụ - du lịch mời gọi các dự án du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics…; lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh; lĩnh vực đô thị mở rộng cửa đón các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để các DN địa phương bắt nhịp, tham gia vào chuỗi giá trị, đồng thời cũng thúc đẩy thêm những khát vọng khởi nghiệp của DN, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Một góc trung tâm TP Hà Tĩnh

Sự hợp tác hài hòa, hiệu quả giữa địa phương và nhà đầu tư sẽ tạo nên những giá trị bền vững, góp phần quan trọng để Hà Tĩnh từng bước tiến đến mục tiêu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước.

Anh Bình